Ý chí chính trị tác động lớn đến thành công đầu tư hạ tầng giao thông Hà Nội
-Thưa ông, chỉ còn hơn 1 năm nữa là Đảng bộ Hà Nội tổ chức đại hội thành phố khoá XVIII, đến bây giờ sau 4 năm nhìn lại thì công việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông của Thủ đô theo Nghị quyết Đại hội khóa XVII được Sở Giao thông Vận tải triển khai đạt kết quả tổng thể như thế nào?
-Theo Nghị quyết Đại hội khóa XVII, Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô là một trong 3 khâu đột phá của Nghị quyết. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết, Thành ủy đã ban hành 10 chương trình trọng tâm để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, trong đó việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông của Thủ đô đã được cụ thể hóa danh mục tại chương trình số 03 “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”.
Trong năm 2023, Kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 Thành phố là 195.779.102 triệu đồng, trong đó lĩnh vực giao thông vận tải được phân bổ 127.343.625 tỷ đồng cho 224 dự án chiếm 65,04 % tổng số vốn được phân bổ giai đoạn 2021-2025 của toàn Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã xác định triển khai 15 dự án công trình trọng điểm (Kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 Thành phố dành cho các công trình trọng điểm là 86.940.337 triệu đồng, trong đó lĩnh vực giao thông vận tải được phân bổ 68.864.637 tỷ đồng cho 15 dự án chiếm 79,20 % tổng số kế hoạch trung hạn 2021-2025 của toàn Thành phố). Đến nay, kết quả thực hiện đạt được như sau:
Công trình đã hoàn thành: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Cầu vượt chữ C Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; Tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng; Hầm chui Lê Văn Lương; Đường nối Khu đô thị vệ tinh với đường Võ Nguyên Giáp.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khánh thành, một điểm nhấn của đầu tư hạ tầng giao thông Hà Nội |
Khởi công các dự án: Xây dựng tuyến đường vành đai 4; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai; Tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; Xây dựng nút giao khác mức giữa đường VĐ 3,5 với Đại lộ Thăng Long; Xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường Vành đai 3.
Phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án quan trọng: Đầu tư xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra Quốc lộ 32; Xây dựng cầu Thượng Cát (bao gồm đường 2 đầu cầu); Xây dựng đường vành đai 3,5 (đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32); Dự án Xây dựng đường vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ); Dự án Cải tạo, nâng cấp đường 70 (đoạn Hà Đông – Văn Điển); Dự án xây dựng tuyến đường Mỹ Đình- Bái Đính - Ba Sao.
Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ của UBND Thành phố đang giao các đơn vị liên quan tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng khung các dự án cầu như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạovà cầu Ngọc Hồi; Các dự án hầm chui: Dự án ĐTXD hầm chui tại nút giao đường Mễ trì – Dương Đình Nghệ - Vành đai 3; Dự án ĐTXD hầm chui nút giao đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng kết nối với phố Trần Vĩ; Dự án xây dựng hầm chui nút giao đường Lê Trọng Tấn – Hà Đông và quốc lộ 6; Dự án hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long – Vành Đai 3.
Các dự án đường bộ: Đường trục kinh tế Bắc Nam; Đường Quốc lộ 21B (10Km tiếp giáp tỉnh Hà Nam); Quốc lộ 21 (đoạn Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai); Trục Tây Thăng Long; Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.
-Có thể nói dư luận khi nhắc đến giao thông Hà Nội thường chỉ nói về lợi thế là thành phố có nguồn lực tài chính để đầu tư, tuy nhiên, để có được bức tranh toàn cảnh xin ông cho biết Hà Nội có những nhược điểm, những bất lợi gì mà chỉ người trong cuộc mới nhận thức được đầy đủ?
-Trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố Hà Nội đã dành 195.779.102 triệu đồng để đầu tư phát triển các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực giao thông vận tải được phân bổ 127.343 tỷ đồng cho 224 dự án, chiếm 65,04 % tổng số vốn được phân bổ giai đoạn 2021-2025 của toàn Thành phố.
Mặc dù đã được dành phần lớn nguồn lực cho phát triển cho giao thông, tuy nhiên, có một số nhược điểm, bất lợi đã được nhìn nhận:
Việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vẫn chủ yếu dự vào nguồn vốn đầu tư công (nguồn vốn này chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố của thu chi ngân sách) và phải phân bổ dàn trải cho nhiều dự án.
Công tác huy động các nguồn vốn khác cùng tham gia đối với việc đầu tư các dự án lớn gặp nhiều khó khăn do vướng cơ chế, chính sách.
Tốc độ giải ngân đầu tư công còn chậm do vướng mắc về cơ chế chính sách, GPMB và các yếu tố bất khả kháng khác....
Việc phân bổ vốn đầu tư chưa thực hiện sự hiệu quả, phân bổ vốn còn dàn trải, thời gian phân bổ kéo dài so với quy định. Nhiều dự án dở dang, hoặc thời gian thi công kéo dài, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư gây lãng phí và thất thoát nguồn lực.
-Dự án giao thông nói chung thường có đặc điểm là quy mô lớn, thời gian thực hiện kéo dài, vậy với Hà Nội (đặc biệt là khi kế thừa những dự án từ khoá trước) có cách làm nào khác biệt để có từ đó thể rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm được nhân lực vật lực không, thưa ông?
-Những giải pháp đã và đang được Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư:
-Tăng cường phân cấp cho các địa phương trong công tác đầu tư, trong đó có việc giao cấp huyện làm chủ đầu tư; phân cấp thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư,…(thực tế đã giao cho một số đơn vị cấp huyện thực hiện: Đông Anh; Gia Lâm; Nam Từ Liêm…)
-Cho phép tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt chỉ giới đường đỏ ngay đối với các dự án công trình giao thông (không chờ phê duyệt chủ trương đầu tư mới triển khai thực hiện).
-Tách dự án GPMB thành dự án thành phần hoặc dự án độc lập và giao cho địa phương thực hiện (đã thực hiện: Vành đại 4; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai; Đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ Đình- Ba Sao – Bái Đính..).
-Ưu tiên chuẩn bị trước quỹ nhà, đất tái định cư theo hướng tổng thể và giao cho các địa phương thực hiện trước dự án tái định cư (thực tế đã giao cho các địa phương, các chủ đầu tư rà soát tổng thể nhu cầu tái định cư về quỹ nhà và quỹ đất cho các dự án cần triển khai trong giai đoạn trung hạn để triển khai ngay dự án tái định cư).
-Nâng cao trách nhiệm của các chủ thể liên quan (các sở ngành; chủ đầu tư; chính quyền địa phương; tư vấn, nhà thầu..) trong các giai đoạn triển khai dự án từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư…
-Tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong đầu tư xây dựng; cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát đầu tư.
- Ý chí chính trị của lãnh đạo thành phố có tác động thế nào đến sự thành công của công tác đầu tư hạ tầng giao thông Thủ đô, thưa ông?
-Nhận thức được tầm quan trọng và mục tiêu đề ra, cả hệ thống Chính trị của Thành phố đã vào cuộc quyết liệt, trong đó nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức là một trong những giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Thực tiễn cho thấy, dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là một thách thức không nhỏ và là thước đo năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành của Thành phố.
Xác định việc thực hiện dự án này là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cấp bách, tháng 9/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ dự án.
Đây là lần đầu tiên có Chỉ thị riêng của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác giải phóng mặt bằng, chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự ủng hộ của tập thể, cá nhân người sử dụng đất khi nhà nước tiến hành thu hồi đất.
Đến nay, sau hơn 1 năm từ khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, dự án trọng điểm quốc gia này đã được khởi công ở cả 03 địa phương (đây là một kỷ lục về mặt thời gian và tiến độ triển khai đối với một dự án có chiều dài 112km, tổng mức đầu tư 85.800 tỷ đồng) qua đó đã chứng minh ý chí chính trị của lãnh đạo thành phố có tác động rất lớn đến sự thành công của công tác đầu tư hạ tầng giao thông Thủ đô.
-Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, thưa ông, có những điều luật hay cơ chế nào cần kiến nghị bổ sung hay sửa đổi?
-Để cụ thể hóa các mục tiêu đã được Bộ Chính trị đã đề ra cũng như nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thủ đô hiện hành; tăng tính chủ động, tự chủ và xây dựng hệ thống chính trị của Hà Nội thực sự tinh gọn, hiệu quả, hiện nay Thành phố Hà Nội đang tổ chức hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô.
Căn cứ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cập nhật đến ngày 21/4/2024 (dự thảo Luật gồm 07 Chương, 54 Điều), các nhóm chính sách cần triển khai xây dựng văn bản cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm: Tổng số 44 nhóm chính sách, trong đó: 33 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND Thành phố và 11 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của UBND Thành phố (Trong 44 nhóm chính sách: có 39 chính sách có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025, 05 nhóm chính sách có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025).
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải có 03 nội dung gồm: (1) Chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác đường sắt đô thị, xe buýt, nhà ga, bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phượng tiện giao thông phát thải thấp; (2) Chính sách phát triển đường vành đai, trung tâm logistic, hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô; (3). Khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải và được kỳ vọng sẽ làm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô.
-Trân trọng cảm ơn ông!