Xúc động lá thư Bác Hồ phúc đáp Tổng thống Mỹ Nixon 8 ngày trước khi qua đời
Nga công bố nhiều tài liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh Triển lãm ảnh về Bác Hồ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tại Khỏn Kèn, Thái Lan Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ảnh hưởng tầm quốc tế |
Thư của Tống thống Richard Nixon gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/7/1969 thể hiện mong muốn đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và thư phúc đáp của Bác Hồ chỉ 8 ngày trước khi Bác mất, thể hiện lập trường cứng rắn về việc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Ảnh: Hoàng Nam |
Lá thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Richard Nixon ngày 25/8/1969 yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam là một tư liệu gây xúc động mạnh tại triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” đang diễn ra ở Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên bức thư được công bố với công chúng.
Dù trong lúc sức khoẻ suy yếu, nhưng niềm tin, tinh thần của Bác vẫn dành trọn vẹn cho đất nước, nhân dân Việt Nam, thể hiện rõ trong bức thư gửi phúc đáp tới Tổng thống Mỹ Richard Nixon.
Kiên định với quyết tâm giải phóng dân tộc
Sau tết Mậu Thân 1969, Mỹ liên tiếp chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đồng thời dân Mỹ thúc ép chính phủ sớm chấm dứt chiến tranh đưa quân Mỹ về nước. Thất bại này đã tác động sâu sắc đến tình hình chính trị nước Mỹ, Tổng thống Nixon trong ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ (20/1/1969) đã phải phát biểu: "Nước Mỹ đang có khủng hoảng về tinh thần, mắc kẹt trong chiến tranh, cấu xé và chia rẽ nội bộ. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây ra căng thẳng gay gắt với nước Mỹ không riêng về mặt kinh tế, quân sự mà cả xã hội cũng như chính trị. Sự bất đồng cay đắng đã xé rách cơ cấu đời sống tinh thần nước Mỹ và bất kể kết quả chiến tranh như thế nào, vết xé rách vẫn còn lâu mới lành".
Và ngày 15/7/1969, Tổng thống Richard Nixon đã phải “xuống nước” gửi bức thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện mong muốn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Trong bức thư này, ông Nixon nhận định: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã kéo dài quá lâu và sự trì hoãn kết thúc cuộc chiến sẽ chẳng mang lại lợi ích cho bên nào - ít nhất là đối với tất cả người dân Việt Nam”.
Tổng thống Nixon cũng cho rằng: “Giờ là lúc cần tiến tới bàn đàm phán để sớm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến tranh tàn khốc này. Các ngài sẽ thấy chúng tôi rất thẳng thắn và cởi mở vì nỗ lực chung là đem lại hòa bình của những người Việt Nam dũng cảm. Hãy để lịch sử ghi lại thời khắc quan trong này khi hai bên cùng nhìn về hòa bình thay vì xung đột và chiến tranh”.
Thư phúc đáp Tổng thống Nixon của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Nam |
Tuy nhiên, trái với nội dung trong bức thư của Tổng thống Nixon, Mỹ vẫn tiếp tục leo thang đánh phá Việt Nam. Và ngày 25/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư phúc đáp Tổng thống Nixon.
Với lời lẽ đanh thép, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự cương quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút khỏi Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án Mỹ xâm lược Việt Nam, chà đạp lên các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. “Mỹ vẫn đẩy mạnh các cuộc hành quân càn quét, tăng cường các cuộc đánh phá bằng máy báy B52 và chất độc hoá học, gây thêm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam”.
Bác đã thể hiện rất rõ ràng trong bức thư rằng: “Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam”.
"Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hi sinh gian khổ để bảo vệ tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình. Giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là cơ sở hợp tình hợp lý để giải quyết vấn đề Việt Nam. Giải pháp đó đã được nhân dân trên thế giới đồng tình ủng hộ.
Trong thư, ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam, phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự", bức thư của Bác Hồ nêu rõ.
Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp thuận cho đến trận “Điện Biên Phủ” trên không năm 1972, đập tan nỗ lực cao nhất của Mỹ. Tháng 1/1973, cuộc đàm phán ở Paris được nối lại. Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, hoàn thành văn bản cuối cùng và ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973). Mỹ chấp nhận rút quân viễn chinh khỏi miền Nam, thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam.
Với thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong “trận Điện Biên Phủ trên không” và việc ký Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam tạo ra bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, giành lợi thế về so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo điều kiện tiếp tục tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Hoàng Nam |
Dùng “chân lý” của người Mỹ chống lại Mỹ
Trong bức thư gửi Tổng thống Nixon, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng chính lập luận của Mỹ trong bản Tuyên ngôn năm 1776 để lên án hành vi xâm lược của nước này.
Ngay đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 có đoạn: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Và trong thư gửi Tổng thống Nixon, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền độc lập, tự do bất khả xâm phạm của dân tộc. Người đã sử dụng ngay “chân lý” mà nhân dân Mỹ phải đổ bao xương máu và nước mắt để viết nên, làm vũ khí sắc bén để chống lại kẻ thù.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hi sinh gian khổ để bảo vệ tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình.
Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam, phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam…"
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Bác vẫn luôn trăn trở, luôn tìm mọi cách để khẳng định quyền độc lập, tự do thiêng liêng mà hiển nhiên người Việt Nam phải được hưởng đó. Và ngay cả khi sức khoẻ suy yếu thì quyết tâm và mục tiêu đó của Người vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai.
Và bức thư nói trên là một trong những tài liệu có giá trị hết sức đặc biệt, ghi dấu tấm lòng với dân với nước, kiên định với quyết tâm giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
BÀI VIẾT TRÊN PHIÊN BẢN TIẾNG NƯỚC NGOÀI - BÁO THỜI ĐẠI *Tiếng Khmer: សំបុត្ររបស់លោកប្រធានហូជីមិញឆ្លើយតបទៅប្រធានាធិបតីអាមេរិក Nixon ត្រឹមតែ ៨ ថ្ងៃមុនពេលលោកទទួលមរណភាពបានប្រកាសជាលើកដំបូង *Tiếng Lào: ຈົດໝາຍສຸດຊຶ້ງໃຈຂອງ ລຸງໂຮ່ ຕອບປະທານາທິບໍດີສະຫະລັດອາເມລິກາ Nixon, 8 ວັນກ່ອນທີ່ເພິ່ນຈະເສຍຊີວິດ *Tiếng Nga: За 8 дней до его ухода из жизни, дяди Хо прислал трогательное письмо президенту США Никсону *Tiếng Trung Quốc: 胡主席去世前8天对美国总统的回信令人感动 |
Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” diễn ra từ ngày 28/8-7/9 tại Đường Xoài, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phủ Chủ tịch). Triển lãm do Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước Việt Nam phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 3 cơ quan lưu trữ của Nga, Pháp và Hoa Kỳ tổ chức. Đây là hoạt động thiết thực nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) Tại đây, hơn 100 tài liệu, hình ảnh được chọn lọc kỹ từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia và trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua những tài liệu này đã giúp công chúng hiểu rõ hơn những tư tưởng, sự cống hiến của Bác Hồ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thư của Tổng thống Richard Nixon gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/7/1969 và thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 25/8/1969, còn có một số tài liệu, bức thư tiêu biểu được giới thiệu, như: Thư gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 18/1/1946 về việc đề nghị Mỹ cùng Liên Hợp quốc can thiệp và có giải pháp trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam; Thư gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ ngày 22/10/1945 về nền độc lập Việt Nam cần có sự công nhận của LHQ; Bức điện gửi Tổng thống Harry Truman ngày 28/2/1946 đề nghị giúp đỡ bảo vệ nền độc lập của Việt Nam trước sự xâm lược của Pháp; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946; Lời kêu gọi thi đua yêu nước năm 1948; Bản Di chúc qua các năm... |
Nga công bố nhiều tài liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh Viện lịch sử chính trị xã hội quốc gia Nga mang tới Việt Nam những tư liệu, hình ảnh quý lần đầu được công bố ... |
Triển lãm ảnh về Bác Hồ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tại Khỏn Kèn, Thái Lan Mới đây, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khỏn Kèn, Thái Lan đã tổ chức kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt ... |
Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ảnh hưởng tầm quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc bản Di chúc lịch sử, trong đó, Người đã dành sự quan tâm đặc ... |