Xuất khẩu giảm, thị trường chưa có tín hiệu tích cực, mục tiêu ngành tôm đang bị đe dọa
4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm chỉ đạt 887 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ, đang đe dọa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD của ngành hàng |
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng giảm chỉ đạt 287 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 887 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ giảm sụt giảm mạnh nhất
4 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 92 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong top 4 thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm của Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, thị trường Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất 45,2%, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc giảm quanh mức 30%.
Bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường ngành Tôm (VASEP) cho biết, tháng 4/2023, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt 55 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn 4 đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 159 triệu USD, giảm 45,2%. Dù kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ giảm mạnh nhưng Mỹ vẫn là thị trường đơn lẻ lớn nhất tôm Việt Nam, chiếm 18%/ tổng kim ngạch xuất khẩu ngành tôm.
Kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản giảm 28% so với cùng kỳ, đạt 146 triệu USD, 16% tỷ trọng kim ngạch toàn ngành tôm. Tiếp đến là Trung Quốc& HongKong giảm đến 27% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 136 triệu USD, và cuối cùng là thị trường Hàn Quốc giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt 105 triệu USD.
“Trước tác động của lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn, căng thẳng địa chính trị… khiến người tiêu dùng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc phải thắt chặt chi tiêu. Riêng tại Trung Quốc, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4/2023 giảm mạnh hơn so với tháng trước đó, gây nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam”, bà Kim Thu nói.
Giá tôm giảm mạnh, nông dân không dám thả nuôi
Năm 2023, ngành tôm phấn đấu đạt 750 nghìn ha nuôi tôm, với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2022.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, giá tôm nguyên liệu từ giữa tháng 4 đến nay có xu hướng giảm, gây áp lực cho người nuôi lẫn doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp và bà con nông dân đang cần có sự chia sẻ về giá cả từ mảng thức ăn, con giống, chế phẩm đầu vào phục vụ cho nuôi tôm.
TS. Hồ Quốc Lực, Nguyên chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, thời gian gần đây trên thị trường tôm nguyên liệu giá giảm hàng ngày, thậm chí có ngày giảm tới ba lần, khiến các bên tham gia chuỗi giá trị tôm đều như ngồi trên đống lửa, chưa biết cách nào mà lần.
Lượng tôm tồn kho tại các thị trường nhập khẩu lớn tuy có giảm nhưng không nhiều, vì vậy, các đầu mối nhập khẩu, phân phối phải bán giá thấp để quay vòng vốn. Đây là yếu tố tác động không nhỏ làm giá tiêu thụ giảm.
Trong nước, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đang cao nhưng vì cần quay vòng vốn khiến họ bị áp lực bán hàng bằng mọi giá, tuy vậy, hàng ngày doanh nghiệp vẫn phải mua vào một lượng tôm thương phẩm để phối trộn với hàng tồn kho cho dễ tiêu thụ vì nhờ đầy đủ cỡ kích. Song, giá tôm thế giới giảm kéo dài ngoài dự kiến, buộc doanh nghiệp giảm giá mua tôm nhằm hạn chế thiệt hại, cố gắng duy trì hoạt động với hy vọng vượt qua khó khăn.
Doanh nghiệp hạ giá mua khiến giá tôm nguyên liệu giảm khoảng 30%, cùng việc nuôi tôm đang gặp khó do tôm nhiễm bệnh sớm giảm tỉ lệ nuôi thành công, tình trạng này làm cho người nuôi tôm không dám thả giống vì cầm chắc lỗ, dẫn đến đại lý thức ăn không dám đầu tư cho hộ nuôi, khiến người nuôi tôm nhỏ lẻ thêm bế tắc.
“Vài tháng nữa khi đến kỳ thu hoạch sản lượng tôm thương phẩm sẽ không nhiều, các nhà máy sẽ không đủ nguyên liệu chế biến, trả nợ đơn hàng đã ký. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay dự kiến giảm không nhỏ. Một vòng tròn đi xuống với tốc độ khá mạnh hiện nay. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tôm”, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN nhận định.
Ngành tôm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD trong năm 2022 Với những kết quả đạt được trong năm 2021, ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD trong năm 2022. |
Thị trường xuất khẩu chậm hồi phục, đe dọa mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành thủy sản Để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm nay, ngoài những giải pháp trọng yếu được giao cho ngành nông nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thị trường, thể chế, thuế phí, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. |