Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sụt giảm ở nhiều thị trường chính
VASEP cho biết, sau khi tăng trưởng cao trong tháng 4, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ngày càng chậm lại. Tính riêng tháng 7/2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 65 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, tính đến hết tháng 7/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ đạt 420 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020, vẫn thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo các doanh nghiệp với sự gia tăng chi phí sản xuất, xuất khẩu và cước vận chuyển như hiện nay, tốc độ gia tăng giá trị xuất khẩu này không thực sự khả quan.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sụt giảm kể từ tháng 5/2021 - Ảnh minh họa |
Cũng theo VASEP, hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 3 tháng trở lại đây có xu hướng tăng trưởng chậm dần. Tính riêng trong tháng 7, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 28,6 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn so với tháng 6 trước đó.
Theo phân tích của các doanh nghiệp, đa số nhà chế biến cá ngừ tại Mỹ thường mua hàng theo giá FOB mà hiện giá cước vận chuyển từ Châu Á tới Nam Mỹ tăng cao, dao động từ 2.500 – 12.000 USD/container. Điều này đã hạn chế đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam tại khu vực thị trường này, các lô hàng xuất khẩu sang thị trường này bị chậm lại. Và đồng thời điều này đang mang lại lợi thế cho các nước như Ecuador vì những nước này có thể giao hàng tới nhiều thị trường bằng xe tải.
Trái với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU trong tháng 7/2021 giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt gần 87 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn chung, mặc dù giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng từ tháng 5 trở lại đây lại có xu hướng giảm dần qua từng tháng.
Hiện xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang cả 3 thị trường nhập khẩu chính đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, xuất khẩu sang Italy giảm 34%, Đức giảm 40% và Tây Ban Nha giảm 12%.
Tại thị trường EU, giá cước vận chuyển tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các lô hàng xuất khẩu sang EU giảm. Thêm vào đó việc hạn ngạch ưu đãi thuế quan đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến, như loin cá ngừ hấp đông lạnh mã HS16 theo thoả thuận trong Hiệp định EVFTA, được sử dụng hết cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho lô hàng xuất khẩu sang khối thị trường này bị chậm lại.
Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối các nước CPTPP cũng không nằm ngoài xu hướng. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này tiếp tục tăng so với cùng kỳ, tăng 6,5% đạt 7,4 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu qua từng tháng của năm 2021 cũng có xu hướng giảm dần. Đáng chú ý, trong tháng 7 xuất khẩu cá ngừ sang Canada đã có dấu hiệu sụt giảm, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2020. Trái lại, xuất khẩu sang Mexico và Nhật Bản lại tiếp tục tăng, lần lượt là 2% và 413% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài 3 thị trường chính kể trên, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính khác như Ai Cập, Philippines hay Trung Quốc cũng đang tiếp tục tăng trưởng trong tháng 7, tuy nhiên giá trị xuất khẩu cũng có xu hướng thấp hơn so với tháng trước đó.
Do sự bùng phát của làn sóng Covid-19 trên cả nước, các nhà máy chế biến và xuất khẩu cá ngừ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí sản xuất tăng, thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu…, một số nhà máy tại các tỉnh như Long An và TP.Hồ Chí Minh phải tạm dừng sản xuất. Điều này dự kiến sẽ ảnh hưởng tới kết quả xuất khẩu cá ngừ trong những tháng tới.
Mỹ hoãn kết luận chống bán phá giá với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo hoãn ban hành Kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mật ong nhập khẩu từ Argentina, Brazil, Ukraine, Ấn Độ và Việt Nam (mã vụ việc A-552-833). |
Xuất khẩu gạo lại gặp khó Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do có công nhân dương tính với Covid-19, cảng Tân Cảng Hiệp Phước đã tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo, dự kiến sớm nhất đến trung tuần tháng 9/2021 mới hoạt động trở lại. |
Nửa đầu tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam giảm mạnh Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 373 triệu USD, giảm tới 45,46% so với cùng kỳ tháng 7/2021. Như vậy, tính đến hết ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9,95 tỷ USD, trong đó sản phẩm gỗ đạt 7,7 tỷ USD. |