Xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi
Hội thảo góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi (Ảnh: TC). |
Phát biểu gợi mở tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng quan tâm, chú trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội để các cấp, các ngành xây dựng chiến lược phát triển văn hóa trong thời đại mới.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành các quy định pháp luật là cần thiết để giải quyết được việc hợp hiến, hợp pháp các quy định pháp luật trên cơ sở kế thừa, khắc phục, xây dựng các chính sách mới phù hợp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường về phân cấp, phát huy nguồn lực xã hội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập, phát triển.
Theo Thứ trưởng, sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng đa dạng, hiệu quả hơn, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch, tạo thêm "thế và lực" cho sự phát triển kinh tế-xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết xoay quanh những bất cập về luật cũng như những chính sách về di sản văn hóa, về công tác quản lý cũng như giữ gìn, bảo vệ di sản…..Các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện và tạo điều kiện để các di sản văn hóa của dân tộc được gìn giữ và phát huy đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn phát triển mới theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.