Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gia tăng về cường độ và số lần xuất hiện
Đây là khuyến cáo được Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra trong báo cáo về công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Cục Thủy lợi, trong tương lai, khi các nước ở thượng nguồn hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước theo quy hoạch, cùng với yếu tố nước biển dâng, biến đổi khí hậu, hạ thấp lòng dẫn sông... xâm nhập mặn có xu thế xuất hiện gay gắt, quy luật bất thường hơn, mức độ xâm nhập phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 7 km. Các đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020 xuất hiện thường xuyên và không loại trừ còn có mức độ ảnh hưởng cao hơn.
Người dân phía Đông tỉnh Tiền Giang chờ lấy nước ngọt. (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn) |
Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra đối với dân sinh và sản xuất nông nghiệp, theo Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong, các địa phương cần chuẩn bị sớm các kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra và giải pháp ứng phó phù hợp; phân chia các tiểu vùng có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trên cơ sở mức độ kiểm soát nguồn nước của hạ tầng thủy lợi để quản lý và khai thác một cách khoa học và hợp lý, bố trí cơ cấu mùa vụ theo hướng hàng hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp; rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành các hệ thống thủy lợi; tổ chức xây dựng quy trình vận hành liên hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tăng cường kết nối nguồn nước, nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển và áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương cần điều chỉnh thời vụ, xuống giống sớm lúa đông xuân ở các tỉnh ven biển; tăng cường trữ nước ở vùng canh tác cây ăn quả; rà soát đánh giá tổng thể năng lực cấp nước của các công trình cấp nước tập trung; xác định cụ thể giải pháp cấp nước cho từng huyện, xã, thôn, ấp, cụm dân cư khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn để triển khai, thực hiện các giải pháp cấp nước phù hợp.
Đối với các công trình còn dư công suất ở các địa phương như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang thực hiện mở rộng, kéo dài tuyến ống; công trình hạn chế nguồn cần tìm kiếm nguồn bổ sung hoặc liên thông giữa các công trình trong cùng khu vực.
Mặt khác, cần gắn phát triển các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn với phát triển hệ thống công trình thủy lợi. Từ đó khai thác tối đa khả năng cấp ngọt của các công trình thủy lợi để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; kết hợp hài hòa giữa nâng cấp, mở rộng, kết nối liên thông công trình với hỗ trợ, tăng cường khả năng trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm ở hộ gia đình...
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên Cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, để ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn, giải pháp trước mắt là các địa phương, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng các vùng chuyên canh tập trung theo sinh thái nguồn nước; tích trữ nước trong kênh, mương; thay đổi tập quán sản xuất, ưu tiên những cây trồng sử dụng nước ít; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước.
Về giải pháp lâu dài, các bộ, ngành cần triển khai quy hoạch cấp nước cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc xây dựng các nhà máy bơm nước mặt từ sông lớn qua hệ thống đường ống dẫn nước thô về các nhà máy xử lý, đặc biệt là những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước để cung cấp lại cho người dân sinh hoạt. Mặc dù chi phí xây dựng nhà máy, đầu tư đường ống dẫn nước cao hơn nhưng đây sẽ là giải pháp tối ưu khi giảm tối đa thất thoát nguồn nước, ít mất đất và ít ô nhiễm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần nghiên cứu phương án bơm nước mưa, nước lũ xuống nước ngầm và phương án ứng phó khi nguồn nước sông Hậu bị ảnh hưởng từ dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia...