Vụ đề xuất bỏ tác phẩm "Chí Phèo": Học tác phẩm này để hiểu về xã hội, chứ không chỉ hiểu riêng anh Chí!
Xét cho cùng thì Chí Phèo là một tác phẩm văn học thật sự. Nếu tác phẩm này đưa vào chương trình văn học cấp hai hoặc cấp một thì mới là vấn đề cần phải tranh cãi. Nhưng đây, truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đưa vào chương trình văn học lớp 11 là điều hoàn toàn hợp lý. Khi học sinh bước vào lớp 11, nghĩa là bắt đầu một giai đoạn trưởng thành và cần tìm hiểu thêm về đời sống con người, bản thể của tình yêu.
Đề xuất đưa tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao ra khỏi SGK Ngữ văn lớp 11 đang "gây bão" dư luận.
Khi vào tuổi mười sáu, học sinh hoàn toàn có quyền đọc Chí Phèo và cảm nhận về tác phẩm này
Đừng vội cho rằng, Chí Phèo là một tác phẩm thiếu tính giáo dục. Hãy nhìn xa, hiểu rộng hơn, học sinh cần phải biết và phải thẳng thắn nhìn vào chính những ham muốn của nhân vật và tự đánh giá bằng chính nhận thức của các em.
Chí Phèo là một tác phẩm văn học phản ánh được thân phận của con người, thân phận của thời đại. Chẳng có lý do gì để xóa bỏ tác phẩm này khỏi chương trình văn học.
Tác phẩm Chí Phèo đâu chỉ để nhìn vào nhân vật anh Chí say xỉn, chửi bậy, uống rượu rạch mặt, ăn nằm với Thị Nở... mà nó còn đưa ra một cái nhìn sâu sắc, tính giáo dục phía sau tác phẩm ấy.
Cho dù Chí Phèo có là người xấu xa đi nữa thì cuối cùng tác phẩm cũng là sự thành công khi đem đến cho độc giả cảm xúc thật sự. Đó là cảm xúc của sự tò mò lẫn thấp thỏm về số phận cuộc tình giữa Chí và Thị, sự hoang sơ của bản năng và những toan tính của thực tại, dẫu là bi kịch.
Chắc chắn, đa phần học sinh khi trải nghiệm xong tiết học về truyện ngắn này họ sẽ nhớ mãi và sẽ nhớ ngay được cốt truyện và những chi tiết thú vị. Sự nhớ ấy chính là điều cần có nhất trong việc sâu xa hơn là cảm nhận tác phẩm sau đó. Tác phẩm này là để hiểu về xã hội, chứ không phải để hiểu riêng về anh Chí. Học sinh ở ngưỡng tuổi này, là lúc tư duy cần có những định hình nền tảng để hiểu về đời sống, thời cuộc và chính thân phận con người.
Chí Phèo không phải là dạy đạo đức một cách tròn vo, mà đây là dạy một tác phẩm văn học.
Nam Cao đã đánh thức bản năng rất con người nơi hai nhân vật chính.
Sau cuộc tình đầu tiên của hai con người, Thị Nở đánh thức bản năng làm người trong con người Chí, đánh thức quá khứ của Chí với những dằn vặt lo toan trước là những ước mơ mà giờ đây đã ngủ quên trong con người nó, và đánh thức những tội đồ mà bản thân nó, trong những tháng ngày là kiếp đi ở của nó trong nhà Bá Kiến. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ lời Thị Nở tự sự: "Như thế là năm ngày chẵn, thị ở bên hắn cả ngày lẫn đêm".
Thân phận đàn bà trong truyện, học sinh càng cần phải nắm rõ
Không những bị cái đói, cái thèm chi phối, các nhân vật luôn có một khát khao đơn giản là được sống, dẫu chỉ là chốc lát thoáng qua thôi. Được sống với cái tôi của chính mình. Thị Nở thèm được cuộc sống vợ chồng, lý lẽ của thị là không nên ở vậy để chết già giống bà cô.
Khao khát của đàn bà trong đó có những khao khát của phụ nữ mà hình đã biến dạng đến mức ma chê quỉ hờn. Điều đó như sự nói ngược lên rằng với một người như vậy còn khao khát mãnh liệt huống hồ gì những con người bình thường.
Bi kịch của Chí Phèo cũng có phần nguyên nhân sâu xa từ bi kịch của phụ nữ. Bà Ba thèm khát cơ thể lực điền của Chí, nhưng vì không được toại nguyện gây nên cảm giác như sự chối bỏ chê bai, từ cái cảm giác trở đi trở lại đó, khiến cõi lòng khát khao của người đàn bà thành mối hận; là một trong những nguyên nhân để đưa Chí vào tù.
Đây là một truyện ngắn luôn mới mẻ, chẳng có lý do gì để quên lãng nó
Thỉnh thoảng đọc báo, đưa tin về chuyện giết nhau trong nhà trọ, nhà nghỉ, nguyên nhân vì tình. Nhiều cái chết kinh hoàng là tự thiêu, tự đốt. Qua lăng kính xã hội để nhìn nhận lại văn học, truyện ngắn Chí Phèo vẫn còn mới mẻ, có tính giáo dục rất cao.
Chí - Thị đang mặn nồng vậy, đến ngày thứ sáu thị Nở mới sực nhớ, mình đang còn một bà cô nữa, thị phải về hỏi ý kiến bà cô xem sao. Thị có sự chấp nhận hoàn cảnh để sống, bà cô bị hoàn cảnh buộc phải chấp nhận, từ đây chính bản tính cố hữu trong con người bà lộ ra. Bà không cho rằng đứa cháu của bà xấu, mà bà lại phán xét "ý trung nhân" của cô cháu gái dở hơi của bà. Đó là một điều đặc biệt, khiến bà phải chống lại Chí.
Cảm giác bị xã hội bỏ rơi mình đó là cảm giác tự kỷ, cảm giác bị người thân bỏ rơi mình là ám thị, còn cảm giác bị tình yêu bỏ rơi mình: bi kịch bị ruồng bỏ xua đuổi. Khiến cho nhân vật Chí, đi đến hành động giết người để giải toả, tìm căn nguyên như một câu hỏi rằng ta có phải là người không?
*Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả Ninh Nguyễn, là một nhà báo và nhà thơ làm việc tại Sài Gòn
Ninh Nguyễn