VN-Index có phiên tăng thứ 6 liên tiếp, dòng tiền tranh thủ bổ sung trong rung lắc
Định vị thị trường
Chuỗi phiên hồi phục của các thị trường châu Á đã tạm dừng lại khi các thị trường chuyển sang biến động trái chiều. Các chỉ số SZI (-1,35%), NIKKEI 225 (-1,63%), STI (-1,22%) đã gặp phải áp lực chốt lời trong khi TWSE (+0,23%), KOSPI (+0,39%), SET (+0,23%) chỉ còn tăng không đáng kể.
VN-Index đã đi theo xu hướng chung nên sau chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp, việc xuất hiện các phiên kiểm tra lại cung cầu là điều không quá bất thường. Phần lớn thời gian giao dịch, chỉ số đã ghi nhận sắc đỏ và chỉ đảo chiều tăng nhẹ trong phiên ATC.
Chất xúc tác
Trong 9 phiên liền trước, khớp lệnh của HOSE đều ở dưới mức bình quân 20 phiên. Tuy nhiên, khi thị trường đã chững lại đà tăng, dòng tiền tranh thủ trở lại với thị trường. Khớp lệnh đã vượt mức bình quân 20 phiên, đạt 820 triệu đơn vị.
Sự tham gia của nhà đầu tư nội còn được thể hiện qua đóng góp 2 chiều chiếm gần 88,5% giao dịch của HOSE. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có sự đẩy mạnh giao dịch với đóng góp 11,5% do giao dịch thỏa thuận tại VHM.
VHM bị khối ngoại bán mạnh qua các giao dịch thỏa thuận. |
Theo thống kê, khối ngoại đã quay lại bán ròng 1.285 tỷ đồng sau 3 phiên liên tiếp mua vào. Các mã bị khối ngoại bán ra nhiều nhất là VHM (-921 tỷ đồng), TCB (-219 tỷ đồng), PVD (-73 tỷ đồng), VRE (-51 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, các biến số đã tạo ra sự nhạy cảm tâm lý cho nhà đầu tư như lãi suất và tỷ giá vẫn cần lưu ý. Theo thống kê từ Refinitiv Eikon, lãi suất liên ngân hàng mới chỉ giảm xuống 4,26% ở kỳ hạn qua đêm và 4,8% ở kỳ hạn 1 tháng. Còn tỷ giá tự do vẫn tiếp tục neo trên 25.700 VND/USD.
Vận động thị trường
Một trong những cổ phiếu thu hút sự chú ý nhất của thị trường là NVL sau khi có thông tin Công an TP. Hồ Chí Minh yêu cầu cung cấp hồ sơ dự án Aqua City. NVL cũng đã có những phản hồi để trấn an nhà đầu tư.
Biến động của NVL có sự đột biến khi cổ phiếu giảm sàn xuống 13.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, việc giá trị giao dịch khớp lệnh của NVL lọt vào top cao nhất thị trường cùng với trạng thái "trắng bên mua" không xuất hiện được xem là tín hiệu có sự tham gia của dòng tiền đỡ giá.
Thực tế, NVL cũng chỉ là trường hợp cá biệt trong vận động chung của thị trường. Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ra nhiều nhất đều không có biến động khác thường như VHM (-0,37%), TCB (+0,63%), PVD (+3,44%), VRE (-0,63%).
Rổ VN30 vẫn duy trì các mã tích cực như PLX (+3,4%), SAB (+2,1%), SHB (+2,1%), HPG (+1,8%), MSN (+1,5%), GAS (+1,4%). Tổng cộng có 12/30 mã tăng giá.
Rộng hơn trên cả HOSE, các mã giảm trên 1% cũng không nhiều trong khi DIG (+2,69%), TCH (+1,66%), VCI (+1,04%), DCM (+2,55%), CTS (+2,24%), HAG (+2,27%), HAX (+3,76%), BFC (+5,96%), CSV (+4,14%), NTL (+3,31%), REE (+2,15%), TCM (+2,68%) vẫn tăng giá khá tốt. Cá biệt, các mã PVT, DPG, CMG, VOS, MSH còn tăng trần.
Nhìn chung, sự quay lại của dòng tiền đã đóng góp khá tích cực vào bức tranh giao dịch của HOSE. VN-Index đóng cửa tăng 1,83 điểm lên 1.250,46 điểm (+0,15%) dù phần lớn thời gian giao dịch ở dưới mức tham chiếu. Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 23.308 tỷ đồng.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều có kết quả khả quan nhờ đóng góp của các cổ phiếu PVS (+5,4%), LAS (+3,9%), PVC (+4,9%), MBS (+2,5%), TNG (+3,2%), BSR (+2,1%), VGT (+14,6%), QTP (+4,3%). Mức tăng lần lượt của 2 chỉ số là 0,67% và 0,52%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.300 tỷ đồng.