VinFast bàn giao xe VF 8 ở Mỹ, sẵn sàng "đấu" với Tesla
Đây là sản phẩm của hãng xe Việt - VinFast thuộc lô 999 xe phiên bản City Edition, cập cảng hồi tháng 12 năm ngoái. Lô xe này có 2 phiên bản Eco và Plus, tầm di chuyển lần lượt 333 km và 307 km sau mỗi lần sạc đầy, được chứng nhận bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA).
VF 8 City Edition là phiên bản được VinFast xuất khẩu đến thị trường Mỹ, tích hợp hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao ADAS và bộ ứng dụng tiện ích, giải trí thông minh Smart Services. Ngoài ra, xe sẽ được cập nhật phần mềm miễn phí, nâng cấp các tính năng, ứng dụng.
Đại diện VinFast cho biết, có 14 hãng bảo hiểm đồng ý cung cấp dịch vụ cho chủ xe VF 8, như State Farm, Allstate, Liberty Mutual, Safeco... Trong đó, State Farm và Allstate là những công ty kinh doanh bảo hiểm ô tô hàng đầu tại Mỹ. Ngoài ra, hãng này cũng hợp tác với ngân hàng U.S. Bank nhằm cung cấp giải pháp cho thuê, vay mua dài hạn các mẫu xe điện VinFast tại Mỹ.
Các chính sách khác như bảo hành 10 năm cho xe và pin, dịch vụ sửa chữa lưu động, cứu hộ 24/7... được VinFast áp dụng tương tự các thị trường còn lại. Tại Mỹ, VF 8 có 4 phiên bản pin gồm Eco 1 pin, Eco 2 pin, Plus 1 pin và Plus 2 pin, giá lần lượt 40.700 USD, 41.000 USD, 47.700 USD và 48.000 USD. Mức giá này chưa bao gồm phí thuê pin.
Không ngại đua giảm giá với Tesla
Mới đây, VinFast điều chỉnh giá thuê VF 8 đối với một số khách hàng tại Mỹ, giảm hơn 50% so với mức thông báo ban đầu.
Hồi tháng 1, VinFast từng thông báo biểu giá thuê VF 8 cho khách hàng tại Mỹ là 599 USD/tháng, áp dụng trong 2 năm đầu tiên. Tuy vậy, VinFast quyết định hạ giá thuê xe trong 2 năm đầu xuống chỉ còn 399 USD/tháng.
Trong email gửi đến nhóm khách hàng tiềm năng, VinFast cho biết cư dân đang sinh sống tại bang California đặt cọc trước có thể chỉ phải trả 274 USD/tháng cho phần chi phí thuê VF 8. Như vậy, mức giá thuê hiện tại của VF 8 giảm từ 33% đến 54% so với con số 599 USD/tháng mà VinFast đưa ra ban đầu.
Động thái này diễn ra sau khi Tesla khơi mào cuộc chiến giảm giá xe điện bằng việc cắt bớt 20% giá bán các mẫu xe của hãng tại nhiều thị trường hồi tháng 1.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, kiêm Chủ tịch VinFast chia sẻ với truyền thông Việt Nam, khẳng định VinFast không chịu thiệt nếu phải đua về giá. Trong giai đoạn này, số lượng bán của hãng xe Việt nhỏ hơn Tesla cả trăm lần, nên “nếu chúng tôi mất một đồng thì họ phải mất hàng trăm đồng”. Ngoài ra, bà Thuỷ nhấn mạnh Tesla sau nhiều năm phát triển, dư địa tối ưu không còn nhiều như VinFast.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, kiêm Chủ tịch VinFast |
Trong khi đó, VinFast mới gia nhập thị trường. Bà Thuỷ cho rằng cuộc đua về giá dù với đối thủ nào cũng không đáng sợ, thậm chí đó còn là cơ hội cho VinFast. Bởi “ô tô điện là nơi so đấu về năng lực sản xuất, khả năng làm chủ công nghệ, thương mại hóa, chính sách giá, chất lượng dịch vụ, hậu mãi…”.
“Chúng tôi có đủ tự tin, thậm chí vượt trội về nhiều mặt so với các đối thủ như tốc độ phát triển và ra mắt các mẫu xe mới chỉ mấy tháng thay vì mấy năm như các hãng xe khác, trợ lý ảo thông minh vượt trội có khả năng tương tác linh hoạt với người dùng, chính sách giá hấp dẫn, dịch vụ hậu mãi tận tâm với hệ thống xe cứu hộ sạc - sửa lưu động, trung tâm tư vấn và hỗ trợ sửa chữa toàn cầu 24/7, bảo hành 10 năm…”, Chủ tịch VinFast nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề chất lượng xe, một số người dùng VF 8 tại Việt Nam có những phàn nàn về tình trạng xe khó khởi động, cảnh báo ảo trên màn hình, lỗi ắc quy… VinFast khẳng định xe điện vốn là “siêu máy tính di động” tập hợp nhiều công nghệ thông minh cùng lúc nên khi mới đưa vào vận hành thực tế ban đầu phát sinh lỗi là điều không tránh khỏi. Đây phần lớn là những lỗi phần mềm, về cảnh báo thông tin, không gây nguy hiểm tới người dùng.
Công ty cho biết sau 5 tháng kể từ khi giao xe VF 8, liên tục đưa ra 7 phiên bản phần mềm để sửa các lỗi như không ghi nhớ Profile người lái, e-SIM truy cập mạng chậm dù khách hàng mua gói cước, quạt gió vẫn hoạt động sau khi đã khóa cửa xe, cần gạt mưa hoạt động chưa đúng, cảnh báo đóng/mở cửa sổ trời của xe trên app…
Một số lỗi phát sinh khác như xi-nhan hoạt động nhịp ngắn, camera 360 hoạt động không ổn định, báo lỗi ảo trên màn hình cảm ứng, lỗi xe chuyển số… được giải quyết trong bản cập nhật ngày 20/2. Bản cập nhật này cũng cải thiện các tính năng hỗ trợ lái ADAS, sạc, bản đồ…
Tối ưu hoá hoạt động ở Mỹ
VinFast được các cơ quan quản lý của bang Bắc Carolina thông qua giấy phép về môi trường và sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy xe điện trị giá 4 tỷ USD tại đây. Dự kiến, quy trình sản xuất thử nghiệm của VinFast tại nhà máy này sẽ bắt đầu từ năm 2024. Hiện tại, VinFast vẫn sản xuất ô tô điện tại nhà máy ở Hải Phòng và vận chuyển sang Mỹ. Mục tiêu của hãng xe Việt là đạt đến sản lượng 1,1 triệu ô tô điện mỗi năm tại Mỹ vào năm 2026.
Tuy vậy theo Reuters, VinFast cũng đối mặt khó khăn tại thị trường hàng đầu thế giới, buộc phải cắt giảm lực lượng lao động tại Mỹ, có thể lên tới 30% tổng số nhân viên. Việc này đến trong bối cảnh công ty tái cơ cấu ở thị trường nước ngoài, khi VinFast phải lùi lịch giao lô xe điện đầu tiên ở Mỹ và chuẩn bị phát hành lần đầu ra công chúng (IPO).
VinFast kỳ vọng vào mẫu VF 8 để lấy thị phần ở Mỹ |
VinFast cho biết việc cắt giảm nhân sự không ảnh hưởng tại Việt Nam - nơi chiếm phần lớn nhân viên của công ty và cũng đặt đại bản doanh với nhà máy và các cơ sở kỹ thuật.
Hiện tại, VinFast Mỹ có khoảng 150 nhân viên, bao gồm nhân sự đảm nhận vị trí bán hàng, hỗ trợ và phân phối xe. Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, VinFast định hình mô hình bán xe kiểu mới khi bỏ qua các đại lý truyền thống.
Cuối tháng 1, VinFast cho biết đang hợp nhất các hoạt động tại Mỹ và Canada thành một đơn vị duy nhất. Công ty cho rằng đây là động thái nhằm “hợp lý hóa” các hoạt động ở Bắc Mỹ và sẽ hợp tác với bên thứ 3 để tăng chất lượng và tăng tốc độ trong khâu dịch vụ bán hàng.