Việt Nam thu hẹp khoảng cách giới
Những năm qua, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025...
Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Trước mắt cần tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Bình đẳng giới và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới trong thời gian tới. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Lập ngân sách giới để tăng cường nguồn lực.
Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả các Chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025,…;
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới... Trong đó tập trung các nội dung trọng tâm như:
Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hằng năm.
Triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm.
Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học;
Xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông các ngành, các cấp.
Tăng cường truyền thông về luật pháp, chính sách và những thành tựu, kết quả về bình đẳng giới của Việt Nam cho các đối tác quốc tế; tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch về bình đẳng giới và các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nhân rộng các cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới và nơi tạm lánh, nơi trú ẩn an toàn cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực, những người bị ảnh hưởng tâm lý do thất nghiệp, mất việc làm, phá sản…
Tăng cường lồng ghép giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, dân tộc miền núi và Chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid; triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa hình thức trợ cấp, hỗ trợ sinh kế nhằm đảm bảo tự do tài chính.
Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia.
Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới; tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyên môn của các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực bình đẳng giới.