Việt Nam tham dự Hội nghị của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO)
Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tháng 5/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 172,9 nghìn lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước. |
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam gặp trực tuyến Hội trưởng Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc Ngày 27/5/2022, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga đã có cuộc gặp trực tuyến với Hội trưởng Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc Lâm Tùng Thiêm. |
Sáng ngày 14/6/2022, Phiên họp Liên Ủy ban Đông Á-Thái Bình Dương và Uỷ ban Nam Á của UNWTO lần thứ 34 đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các quốc gia, tổ chức thành viên khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNWTO và một số quan sát viên.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, ông Abdulla Mausoom - Bộ trưởng Bộ Du lịch Maldives, Chủ tịch Phiên họp khẳng định Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có nhiều quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới trong giai đoạn 2010-2019, đồng thời nhấn mạnh việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế đi lại là thiết yếu để khởi động lại du lịch và mang lại các lợi ích thiết thực cho kinh tế-xã hội.
Tại Phiên họp, ông Zurab Pololikashvili - Tổng Thư ký UNWTO đã báo cáo tình hình phục hồi của du lịch thế giới và các hoạt động của UNWTO triển khai nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững. Theo đó, ngành du lịch thế giới tiếp tục từng bước khôi phục trong năm 2022. Ba tháng đầu năm 2022 có 76 triệu lượt khách đi du lịch quốc tế, trong đó khu vực châu Âu chiếm tới 50 triệu lượt; tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn 61% so với năm 2019. Xuất khẩu du lịch quốc tế đạt 713 tỷ đô-la Mỹ trong Quý I/2022, tăng nhẹ 4% so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 62% so với năm 2019.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cùng đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili và Bộ trưởng Bộ Du lịch Maldives. Ảnh: Tổng cục Du lịch Việt Nam |
Căn cứ vào số liệu của Quý I và tình hình mở cửa biên giới tích cực của các nước trong Quý II, UNWTO dự báo kịch bản phục hồi của năm 2022 sẽ đạt từ 55% đến 70%, và ngành du lịch thế giới có thể quay trở lại mức phát triển như 2019 vào năm 2023.
Tổng Thư ký cũng nhấn mạnh 5 ưu tiên của UNWTO trong giai đoạn hiện nay, bao gồm: Đổi mới và chuyển đổi số; Đầu tư và khởi nghiệp xanh; Đào tạo và tạo việc làm; Nâng cao khả năng phục hồi, đẩy mạnh thông tin thị trường và tạo điều kiện đi lại; Bảo vệ di sản xã hội, văn hoá và môi trường bền vững. Nhằm thực hiện các ưu tiên này, thời gian qua UNWTO đã triển khai một số hoạt động nổi bật như: Phiên thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề “Du lịch bền vững và có khả năng phục hồi là cốt lõi của phục hồi toàn diện”; Sáng kiến Giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất; Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Các chương trình đào tạo năng lực…
Tại Phiên họp, các nước thành viên đã báo cáo về các chính sách ứng phó với COVID-19 và đẩy mạnh phục hồi ngành du lịch đã được triển khai.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh thông tin về tình hình phục hồi du lịch Việt Nam. Ảnh: Tổng cục Du lịch Việt Nam |
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết Việt Nam đã mở cửa từ ngày 15/3/2022 và hiện nay các yêu cầu nhập cảnh cơ bản đã thông thoáng như trước đại dịch. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón hơn 220 nghìn lượt khách quốc tế, gần 50 triệu lượt khách nội địa, tăng mạnh so với cùng kỳ trong hai năm trước. Bên cạnh những chính sách thúc đẩy mở cửa du lịch quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch, một số động lực đẩy mạnh hiệu quả phục hồi ngành du lịch đã được Việt Nam triển khai bao gồm: Nâng cao độ bao phủ vắc-xin; Triển khai các biện pháp thích ứng linh hoạt trong quá trình mở cửa du lịch; Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ ngành và địa phương để triển khai thí điểm và sau đó là mở cửa hoàn toàn với các điều kiện an toàn được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn; Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá với chiến dịch “Live Fully in Vietnam” và hợp tác với nhiều địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới hấp dẫn.
Cũng theo báo cáo của các nước thành viên tại Phiên họp, một số chính sách đã được các nước thực hiện hiệu quả trong thời gian qua nhằm khôi phục hoạt động du lịch như: Nới lỏng các chính sách nhập cảnh và yêu cầu y tế (bỏ cách ly đối với khách du lịch, nới lỏng hoặc bỏ các yêu cầu về test COVID-19, áp dụng hộ chiếu vắc-xin hoặc không yêu cầu chứng nhận tiêm vắc-xin khi nhập cảnh); Đẩy mạnh mức độ bao phủ vắc-xin; Đăng cai các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch, sự kiện thể thao quốc tế; Triển khai các chiến dịch quảng bá du lịch sau COVID-19…
Chiều ngày 14/6/2022, Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng UNWTO với chủ đề Khả năng phục hồi du lịch thông qua Đổi mới và Số hoá ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức với sự tham gia của một số Bộ trưởng, Trưởng đoàn quốc gia thành viên UNWTO và tổ chức quốc tế.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo du lịch đã thảo luận về biện pháp đạt được mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra các chuyến đi thông suốt và nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch. Hội nghị đã lắng nghe ý kiến chia sẻ đa dạng từ các ngành du lịch có mức độ phát triển khác biệt như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Maldives, Timor Leste…
Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng cao thứ 4 thế giới Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50%-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. |
Du lịch Việt Nam hồi sinh cùng du khách nước ngoài Ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa đón khách du lịch sau đại dịch, dòng khách quốc tế đã trở lại trên trên khắp các nẻo đường của đất nước hính chữ S. |