"Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN nhờ nhạy bén với các FTA và thu hút FDI"
Tại hội thảo "Market Outlook 2024" do HSBC tổ chức ngày 16/10, ông Frederic Neumann, Chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC cho biết tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025 - mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) - nhờ động lực chính từ nhờ đầu tư nước ngoài (FDI) tăng, xuất khẩu mạnh mẽ và nhu cầu trong nước được cải thiện.
Trong báo cáo “Vietnam at a glance - Riêng một đẳng cấp” được công bố tuần trước, các chuyên gia của HSBC cũng đưa ra nhận định sau năm 2023 và quý I/2024 đầy thách thức, Việt Nam rõ ràng đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN. Đáng chú ý, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn kỳ vọng trong quý III/2024 với GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp những lo ngại về tác động của siêu bão Yagi.
Dự báo tăng trưởng cuả Việt Nam và các quốc gia trong ASEAN - Nguồn: HSBC |
Điểm sáng từ thu hút vốn ngoại
Phân tích về đông lực tăng trưởng của Việt Nam, ông Frederic Neumann cho rằng xuất khẩu của Việt Nam đã cải thiện đáng kể từ đầu năm nay. Đồng thời, lạm phát cũng dần "hạ nhiệt" giúp tiêu dùng trong nước phục hồi. Và trong năm sau, tăng trưởng có thể chuyển dịch nhẹ từ xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước, điều này giúp mang lại nền tảng ổn định hơn cho nền kinh tế.
Chuyên gia HSBC cũng nhấn mạnh, một trong những động lực giúp Việt Nam tăng trưởng tích cực nữa là nhờ làm tốt việc thu hút FDI.
Theo ông Frederic Neumann, thời gian qua Việt Nam nổi bật hơn các nước trong ASEAN trong việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngoài Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam cũng là một phần của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng nhiều FTA khác.
"Tôi cho rằng nỗ lực nhằm duy trì mối quan hệ song phương và đa phương là một trong những thành công then chốt để Việt Nam thu hút FDI. Và điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh áp lực bảo hộ đang gia tăng ở nhiều quốc gia", ông Frederic Neumann nói và đánh giá bằng cách đa dạng hóa các mối quan hệ, Việt Nam đã giảm được rủi ro địa chính trị.
Ông Frederic Neumann, Chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC |
Chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương HSBC cho biết năm ngoái Việt Nam đã thu hút FDI kỷ lục và năm nay có thể kỳ vọng có một kỷ lục mới. Tuy nhiên, sang năm 2025, FDI có thể sụt giảm đôi chút do yếu tố địa chính trị làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh để thu hút FDI trên toàn khu vực, để duy trì thu hút FDI, ông Frederic Neumann khuyến nghị Việt Nam nên giữ vững sự cởi mở với đầu tư nước ngoài để tiếp tục "nổi bật hơn so với các đối thủ". Ngoài có nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có thể hấp dẫn bằng lao động, cải thiện hạ tầng tốt hơn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý mặc dù có cạnh tranh để thu hút FDI nhưng Việt Nam không nhất thiết phải thu hút FDI bằng mọi giá mà nên chọn lọc lĩnh vực chiến lược và quan tâm đến yếu tố môi trường.
Bởi thực tế, đôi khi có quá nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nền kinh tế không thể hấp thụ hết nên cần phải chọn đúng lĩnh vực. Ví dụ, Thái Lan đang theo đuổi lĩnh vực ô tô, xe điện; Bangladesh chủ yếu tập trung vào may mặc; Indonesia nhận FDI liên quan nhiều đến tài nguyên thiên nhiên;... Còn Việt Nam chủ yếu là hàng xuất khẩu và đang cạnh tranh trực diện với Malaysia trong thu hút vốn đầu tư vào ngành điện tử, bán dẫn.
"Việt Nam cần xem xét muốn tham gia vào phần nào của chuỗi cung ứng chất bán dẫn để có chính sách phù hợp và thu hút được dự án chất lượng", ông nói.
Cơ hội lớn trong thu hút FDI "xanh"
Cùng nhìn nhận về vấn đề thu hút FDI của Việt Nam, ông Tim Evans, CEO HSBC Việt Nam cho rằng xu hướng tích cực là Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến các dự án FDI "xanh".
Điều này xuất phát từ việc Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050. Thực tế, Việt Nam cũng đang có những cơ hội lớn trong lĩnh vực này, cho dù đó là thu hút đầu tư vào năng lượng gió, mặt trời, hay các lĩnh vực năng lượng tái tạo khác. Và trên hết, Chính phủ đang có một số chính sách rất tích cực để khuyến khích điều này.
Ông Tim Evans, CEO HSBC Việt Nam |
Để đẩy mạnh thu hút FDI "xanh", CEO HSBC Việt Nam khuyến nghị cần có chính sách và quy định rõ ràng hơn về dự án như thế nào là đáp ứng được tiêu chuẩn "xanh", đồng thời, cần đẩy nhanh hơn các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, theo ông Tim Ivans, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghệ cao bởi lĩnh vực này rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
"Chúng ta đã chứng kiến một sự chuyển đổi lớn sang kỹ thuật số. Khi hiệu quả đạt được tốt hơn, vấn đề 'xanh hóa" cũng sẽ tốt hơn và các yêu cầu liên quan đến môi trường cũng sẽ bớt đi", ông nói và nhấn mạnh khái niệm "xanh" giờ đây không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực năng lượng mà còn đang diễn ra trong rất nhiều ngành công nghiệp khác.
"Tôi cho rằng Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ rất am hiểu công nghệ. Vì vậy, Việt Nam có cơ hội để nắm bắt sự tăng trưởng của lĩnh vực này trong tương lai", CEO HSBC Việt Nam nhận định.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 30/9/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến tháng 9/2024, cả nước có 41.314 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 491,71 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt khoảng 314,5 tỷ USD, bằng gần 64% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. |