Việt Nam- Nhật Bản: Cơ hội phát triển kinh tế từ giao lưu, hợp tác giữa các địa phương
Kanagawa là tỉnh thuộc vùng Kanto - vùng trung tâm của Nhật Bản, tiếp giáp Thủ đô Tokyo về phía Bắc; tỉnh có dân số lớn thứ hai Nhật Bản sau Tokyo. Là một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm của Nhật Bản, Kanagawa có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, chế tạo, cơ khí, công nghệ sinh học. Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để hợp tác với các địa phương của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, y tế, giáo dục - đào tạo, lao động - việc làm...
Bà Hoàng Thị Thúy Lan- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (Việt Nam) kết nối, trao đổi thông tin với Thống đốc tỉnh Kanagawa Kuroiwa Yuji (Nhật Bản). Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 50 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn một tỷ USD. |
Tỉnh Tochigi là một trong những địa phương phát triển năng động hàng đầu của Nhật Bản với thu nhập bình quân đầu người đứng thứ ba trong các địa phương tại Nhật Bản. Theo ông Fukuda Tomikazu Thống đốc tỉnh Tochigi, Tochigi có ngành công nghiệp chế tạo chiếm vị trí chủ lực trong nền kinh tế của địa phương.
Tỉnh Tochigi cũng có thế mạnh trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử... Đây đều là những lĩnh vực mà Việt Nam đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới và doanh nghiệp hai bên sẽ còn rất nhiều dư địa để hợp tác phát triển. Các doanh nghiệp của Tochigi đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện của Việt Nam. Hiện đã có 22 doanh nghiệp của tỉnh đang đầu tư tại Việt Nam, cộng đồng người Việt cũng là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại tỉnh Tochigi với 8.000 người.
Tỉnh Tochigi luôn mong muốn tăng cường hợp tác với nhiều địa phương nữa của Việt Nam, muốn tiếp nhận nhiều hơn nữa lao động chất lượng cao, thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang làm việc tại tỉnh, đặc biệt mong muốn hai bên sớm kiểm soát đại dịch để sớm nối lại giao thương, giao lưu nhân dân…
Cùng với các tỉnh Kanagawa, Tochigi… nhiều tỉnh khác của Nhật Bản cũng đang có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành của Việt Nam. Từ những sự hợp tác này đã mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các địa phương của hai nước.
Việt Nam là một trong những đối tác hiếm hoi không bị gián đoạn mà còn thúc đẩy được quan hệ với Nhật Bản trong thời kỳ COVID-19 gây khó khăn cho toàn thế giới. |
Góp sức vào việc kết nối giữa các địa phương, thời gian qua các hội hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản tại các tỉnh, thành phố đã tích cực thông tin giới thiệu cho nhân dân các địa phương về đất nước, con người Nhật Bản, cho nhân dân các địa phương Nhật bản về các địa phương của Việt Nam và chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa của Việt Nam. Đặc biệt, các hội hữu nghị đã phát huy vai trò là cầu nối vận động và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động hữu nghị và hợp tác, giao lưu về kinh tế, văn hóa, du lịch, khoa học, kỹ thuật, góp phần vào sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân các địa phương của Việt Nam và nhân dân các địa phương của Nhật Bản.
Doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu thông tin về các địa phương Việt Nam. |
Theo chia sẻ của các hội hữu nghị ở các địa phương, việc kết nối quan hệ địa phương sẽ không thực hiện được nếu chính các địa phương của nước sở tại không quan tâm và có nhu cầu, do đó đây là một trong các yếu tố quan trọng cần tranh thủ. Hàng năm, các địa phương đều xác định mục tiêu nước/khu vực trọng điểm trong chính sách hợp tác quốc tế của địa phương mình, sẽ định hướng thúc đẩy lĩnh vực hợp tác cụ thể theo nhu cầu thực tế, mức độ quan hệ (năm chẵn trong quan hệ, quan hệ cấp quốc gia có nhiều tiến triển…). Vì vậy, ở cấp quan hệ địa phương, việc nắm bắt, tranh thủ cơ hội và thúc đẩy triển khai các hoạt động đúng thời điểm là rất quan trọng.
Trong kết nối địa phương, các hội hữu nghị đã tận dụng mọi cơ hội để quảng bá về Việt Nam qua các cuộc hội thảo, buổi nói chuyện, các bài phát biểu, các hoạt động quốc tế tại sở tại… cũng như trong giao tiếp với Lãnh đạo các địa phương, với các giới tại sở tại. Để thúc đẩy các địa phương sở tại quan tâm tìm hiểu, khảo sát và mong muốn hợp tác với ta, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của bạn, các hội hữu nghị cũng đã các thông tin, đặc biệt là thế mạnh của các địa phương Việt Nam đến với phía bạn. Việc làm này đã hỗ trợ tích cực cho các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc thúc đẩy kết nối hai bên.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản vừa qua, khi đến thăm các mốt số địa phương có mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang đứng trước cơ hội hợp tác lớn với sự phát triển rất tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 27 tỷ USD), đối tác lớn thứ hai về vốn FDI (lũy kế đạt 64 tỷ USD), đối tác thứ ba về khách du lịch (khách du lịch Nhật tới Việt Nam đạt gần 1 triệu lượt khách trong năm 2019), đối tác thương mại lớn thứ tư (kim ngạch hai chiều đạt khoảng 40 tỷ USD/năm). Thủ tướng nhấn mạnh các lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư như sự ổn định chính trị; việc triển khai mạnh mẽ các khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng; con người Việt Nam càng trong khó khăn lại càng đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo để vượt qua mọi thách thức, đồng thời luôn thân thiện, mến khách. Đồng thời, đánh giá cao các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài, luôn chia sẻ, đồng hành với Việt Nam trong những thời khắc khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, những biến động kinh tế toàn cầu… Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn trong thời gian tới các địa phương của Nhật Bản tiếp tục thiết lập quan hệ, thúc đẩy hợp tác với nhiều địa phương của Việt Nam, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam rất coi trọng và sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tỉnh tăng cường hợp tác với các địa phương của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu nhân dân, du lịch… |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ