Việt Nam hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất: Cùng lắng nghe tiếng gọi của đồng loại
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ (7/6/1978 – 7/6/2023), Tạp chí Thời đại (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thưa ông, được biết đây là chuyến công tác đặc biệt, là hành trình thực hiện sứ mệnh quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Vậy ông có thể chia sẻ về những cảm xúc của bản thân khi nhận lệnh công tác?
Cảm xúc của cá nhân tôi và các thành viên trong Đoàn đều hồi hộp xem lẫn tự hào vì là những người được cử làm đại diện Bộ Công an Việt Nam sang nước bạn thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Đây là lần đầu tiên Bộ Công an Việt Nam cử lực lượng ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc tế, do vậy các thành viên trong đoàn thể hiện tinh thần quyết tâm cao nhất để làm tốt nhiệm vụ được giao.
Lần đầu tiên nên cũng chưa ai có kinh nghiệm thực sự, chúng tôi cũng lường trước được những khó khăn nên đã chuẩn bị khá chu đáo, từ công tác hậu cần cũng như phương tiện thực hiện tác nghiệp. Công tác chuẩn bị này giúp chúng tôi khá chủ động.
Ông có thể chia sẻ thêm về những ấn tượng của đoàn công tác trong thời gian ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Ấn tượng gây xúc động đối với tôi và các thành viên trong đoàn là hàng nghìn ngôi nhà, công trình bị sập đổ hoàn toàn, hình ảnh những người dân đứng dưới đường nhìn vào khu vực đổ nát, nơi có người thân của họ đang mắc kẹt trong đó, họ chỉ mong lực lượng chức năng sớm tìm thấy được người thân của mình.
Dưới cái lạnh âm 7 độ C, từng nhóm người ấy ngồi quây quần bên đống lửa nhỏ bập bùng chờ đợi. Khi đoàn chúng tôi đến nơi, nhiều người đã ôm chầm lấy các thành viên òa khóc. Khoảnh khắc đó có lẽ cả cuộc đời này tôi cũng không thể nào quên được.
Trong khoảng thời gian 10 ngày ở đó, đoàn chúng tôi đã thực hiện việc trực tiếp tìm kiếm cứu nạn tại 03 địa điểm. Có một nạn nhân 17 tuổi đã được đoàn chúng tôi phát hiện còn sống sót và đã phối hợp với các lực lượng quốc tế giải cứu nạn nhân ra khỏi đống đổ nát và đưa 14 thi thể nạn nhân ra khỏi khu vực sập đổ và bàn giao cho các cơ quan chức năng địa phương.
Tôi nhớ hôm đó là ngày 11/2, cũng là ngày đầu tiên đoàn chúng tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Vào khoảng hơn 7 giờ sáng, khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi phát hiện trong đống đổ nát của tòa nhà cao tầng trên Đường 531, Adıyaman Merkez, Adıyaman có khoảng hơn 10 người bị vùi lấp. Chúng tôi đã sử dụng hết các thiết bị chuyên dụng mà đoàn mang đi và sự hỗ trợ phương tiện cơ giới của nước bạn như máy xúc, máy đào… Đến khoảng 18h30 phút chiều cùng ngày thì chúng tôi đã cơ bản dọn dẹp được sạch hiện trường, loại bỏ được các yếu tố nguy hiểm gây sập đổ thứ cấp. Sau đó, đoàn dùng camera dò tìm thì phát hiện ra dấu hiệu của sự sống với hai âm thanh khác nhau trong khu vực sập đổ.
Chúng tôi đã xác định vị trí gần nhất để tiếp cận nạn nhân và tiếp tục tiến sâu vào trong (theo một đường rất hẹp chỉ vừa một người chui vào), khi càng đi vào sâu thì chúng tôi càng thấy có âm thanh phát ra, cán bộ của chúng tôi giao tiếp bằng các câu hỏi thăm như: Hello, How are you?... thì nhận thấy có tín hiệu đáp lại của nạn nhân.
Lúc đó, đoàn chúng tôi đã phối hợp với cơ quan điều phối của Thổ Nhĩ Kỳ để huy động thêm lực lượng và thiết bị với mục tiêu nhanh chóng cứu sống nạn nhân. Chúng tôi cũng phối kết hợp với đội cứu nạn cứu hộ của Pakistan, đề nghị đoàn tiếp cận theo các hướng. Đội Pakistan đã tiếp cận phía sau tòa còn đoàn chúng tôi tiếp cận tòa nhà từ phía trước. Tới khoảng hơn 22h cùng ngày, nạn nhân 17 tuổi đã được đưa ra khỏi đống đổ nát.
Khi người bị nạn được đưa ra, cảm xúc vỡ òa của người nhà, người thân và các lực lượng quốc tế tham gia cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường.
Nhiều gia đình, người dân và một số tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đến nơi Đoàn đóng quân để bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã giành những tình cảm rất đặc biệt cho Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam.
Một người dân ở thành phố Antakya đã nói với chúng tôi rằng: Cảm ơn các bạn rất nhiều, cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng chúng tôi, cũng như chia sẻ cùng chúng tôi vượt qua thời khắc khó khăn này. Xin ngàn lần cảm ơn các bạn.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. |
Sau chuyến công tác lần này, Đại tá có đề xuất gì trong công tác đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ?
Khi chúng tôi đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ thì vấn đề khó khăn nhất là bất đồng ngôn ngữ, trong đoàn chỉ có hai đồng chí có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh để trao đổi với một tình nguyện viên. Bởi vậy, ban đầu đoàn công tác cũng gặp một số trở ngại nhất định. Rút kinh nghiệm, tôi đề xuất hai nước cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động giao lưu tìm hiểu văn hoá, lịch sử giữa hai dân tộc để tạo sự gắn bó, gần gũi hơn giữa nhân dân hai quốc gia, đó là tiền đề hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác liên hệ với những người Việt sống ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi họ là những người hiểu văn hóa, ngôn ngữ của nước sở tại, có như vậy công tác đối ngoại giữa hai bên mới phát triển mạnh hơn nữa và có thể đưa ra được những phương án tối ưu nhất trong mọi tình huống.
Ngoài ra, khi thực hiện các nhiệm vụ quốc tế nói chung, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ nói riêng cần có sự chủ động liên hệ sớm với Đại sứ quán của nước sở tại để có thể hỗ trợ cử những người Việt sinh sống ở đó tham gia hỗ trợ, bởi họ là những người hiểu văn hóa, ngôn ngữ của nước sở tại, có như vậy mới có thể đẩy nhanh được các công việc cần thực hiện, cũng như có thể đưa ra được những phương án tối ưu nhất trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Một số hình ảnh của Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam khi tham gia cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ
Vụ động đất ngày 6-2 ảnh hưởng đến 10 tỉnh/thành phố Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hơn 38.000 người thiệt mạng chỉ tính riêng ở nước này. Tại nước láng giềng Syria, số người chết là khoảng 5.800 người. Thảm họa đã khiến hàng chục ngàn tòa nhà và ngôi nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy. Việt Nam đã cử hơn 100 cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội sang làm nhiệm vụ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 11-2. Theo Bộ Ngoại giao, Đại sứ Tekneci đánh giá cao việc Việt Nam lần đầu tiên cử đoàn cứu hộ cứu nạn và viện trợ khẩn cấp 100.000 USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông khẳng định đây là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và tinh thần tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn của hai nước. |
Từ Thổ Nhĩ Kỳ: Chuyện 80 người ngủ ngồi trên xe buýt và chiếc lều kỷ lục của Ahmet Sau trận động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2, rất nhiều người may mắn còn sống sót ở 10 tỉnh đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đang phải sống tạm trong các lều trại, container được dựng lên trong các sân vận động. Một số khác lại lựa chọn ở trong những chiếc ô-tô vốn để vận chuyển hằng ngày. |
Sứ mệnh nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ - Mệnh lệnh từ trái tim những người lính Cụ Hồ Thực hiện sứ mệnh nhân đạo, từ ngày 13 - 22/2/2023, Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam cử lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất ở nước ngoài. |