Việt Nam - Hàn Quốc sẽ bổ sung thế mạnh cho nhau
Cảm xúc của ông khi chứng kiến quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng, vừa nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện?
Ông Nguyễn Phú Bình: Tôi là người lạc quan song cũng không hình dung được quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển nhanh như vậy.
Tháng 4/1992, hai nước thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Văn phòng liên lạc, tôi sang Hàn Quốc nhận nhiệm vụ Trưởng Văn phòng liên lạc Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ chừng 6-7 tháng sau, khi tôi gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Sang Ok, ông tuyên bố Hàn Quốc sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Mạnh Cầm đã mời Ngoại trưởng Lee Sang Ok sang Việt Nam và ngày 22/12/1992 hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, tôi trở thành Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc.
Trong nhiệm kỳ của tôi (1992-1997), năm nào cũng có chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước. Đó là chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tháng 5/1993; của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào tháng 4/1995; chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Sang Ok vào tháng 12/1992; của Ngoại trưởng Hàn Quốc Han Sung Ju vào tháng 5/1994; của Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam vào tháng 11/1996...
Hiếm có hai quốc gia nào vừa thiết lập quan hệ ngoại giao lại có những chuyến đi thăm dồn dập như vậy. Thông qua các chuyến thăm, lãnh đạo hai nước hiểu nhau, hiểu tình hình của nước bạn và càng củng cố quyết tâm phát triển quan hệ hai nước.
Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc (ngoài cùng, bên trái) (Ảnh: KGS). |
Chưa đầy 10 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2001, quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã được nâng tầm thành quan hệ Đối tác toàn diện; đến năm 2009 trở thành quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược. Và vào đầu tháng 12/2022, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nhất trí ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra chương hợp tác mới, cao hơn, sâu rộng hơn giữa hai nước.
Còn nhớ khi tôi sang Hàn Quốc vào năm 1992 gặp kiều dân Việt Nam, chỉ có khoảng 20 chị em là vợ của những người từng tham chiến, hoặc sang đây làm ăn, buôn bán trước đó. Thế nhưng bây giờ có khoảng 200.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, trong đó có hơn 60.000 người lấy chồng Hàn Quốc, tức là có hơn 60.000 gia đình đa văn hóa. Tương tự, có hơn 200.000 người Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Đó là điều trước đây chúng ta không tưởng tượng được.
Tôi thấy người Hàn Quốc và người Việt Nam ở đâu cũng có thể gặp được nhau. Việc nghe thấy tiếng Việt trên đất Hàn Quốc hay tiếng Hàn trên đất Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày không còn là điều xa lạ. Có lẽ trong tất cả mối quan hệ của Việt Nam với các nước và của Hàn Quốc với các nước, không có quan hệ nào phát triển nhanh như vậy.
Theo ông quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong 30 năm tiếp theo sẽ phát triển như thế nào?
Ông Nguyễn Phú Bình: Tôi nghĩ nền tảng cho sự phát triển liên tục của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc là giữa hai nước không có mâu thuẫn đối kháng về vấn đề lãnh thổ, xung đột văn hóa, kiều dân...
Dĩ nhiên giữa hai quốc gia ở hai trình độ phát triển khác nhau không phải không có điểm hạn chế nhưng mặt thuận lợi nhiều hơn, hai bên đều có những thứ mà đối phương còn thiếu. Việt Nam cần vốn, công nghệ, kinh nghiệm phát triển, những điều vốn là thế mạnh của Hàn Quốc. Hàn Quốc cần nhân lực, thị trường mà Việt Nam với 100 triệu dân sẽ cung cấp nguồn nhân lực phong phú và thị trường tiềm năng. Quá trình hợp tác, hai nước sẽ bổ sung thế mạnh cho nhau. Người Việt Nam được Hàn Quốc đánh giá là thông minh, cần cù, chịu khó, có sức sáng tạo, ham học hỏi. Về tài nguyên, là một nước nhiệt đới, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Thế mạnh ấy sẽ được phát huy nếu Việt Nam tiến hành phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... Cho nên Hàn Quốc thiếu gì thì Việt Nam có thể cung cấp.
Bên cạnh đó, một nước Việt Nam ổn định về chính trị, xã hội, đời sống đi lên, kinh tế phát triển... là điều kiện để các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, trên tuyến đường giao thông thuận lợi; Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) ở cả cấp độ song phương và nhiều bên... Do đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, xây dựng cứ điểm sản xuất ở Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa đi nước khác thuận lợi.
Trong thời gian tới, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc chắc chắn sẽ phát triển sâu sắc và toàn diện hơn, nhất là khi chúng ta biết khắc phục những hạn chế và mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực mới.
Để làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, đặc biệt là tình hữu nghị nhân dân hai nước, theo ông, Việt Nam - Hàn Quốc cần làm gì?
Ông Nguyễn Phú Bình: Hiện nay văn hóa Hàn Quốc vào Việt Nam rất mạnh mẽ nhưng văn hóa Việt Nam sang Hàn Quốc còn hạn chế. Các bạn Hàn Quốc cũng nhận xét như vậy. Do đó, hai bên cần tiếp tục hợp tác, một mặt hỗ trợ văn hóa Hàn Quốc vào Việt Nam, nhưng quan trọng và cấp bách hơn là quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc với các Trung tâm văn hóa Việt Nam thành lập ở Hàn Quốc. Điều đó sẽ giúp người Hàn Quốc hiểu rõ hơn về Việt Nam.
Hai nước có mẫu số chung là đều mong muốn hòa bình và an ninh, do đó có thể tăng cường hợp tác về an ninh (như an ninh ở Biển Đông, an ninh trên bán đảo Triều Tiên, phi hạt nhân hóa...) hay trong công nghiệp quốc phòng...
So với thời tôi làm Đại sứ ở Hàn Quốc, hiện chúng ta có rất nhiều lợi thế để phát triển quan hệ hai nước, nhất là về đối ngoại nhân dân. Chúng ta có hơn 200.000 người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam và hơn 200.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc, đó là môi trường tốt để phổ biến, giao lưu văn hóa. Chúng ta có 60.000 gia đình đa văn hóa, ít nhất mỗi gia đình có 1 người con. Mối giao lưu này rất thuận lợi và thuận lợi hơn bất cứ nơi nào khác.
Trân trọng cảm ơn ông!