Việt Nam - Hàn Quốc: Hướng tới hợp tác chuyển đổi số, an ninh mạng, công nghệ sinh học
Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) - chia sẻ những đánh giá trong lĩnh vực đầu tư thương mại với phóng viên Tạp chí Thời Đại, nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ông Hong Sun cũng vừa được bầu vào vị trí Chủ tịch KORCHAM từ ngày 1/1/2023.
Xin ông có thể đánh giá những thành tựu lớn trong bức tranh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?
- Kể từ khi thiết lập ngoại giao, Hàn Quốc và Việt Nam đã cùng nhau viết lên những trang sử hợp tác thành công chưa từng có, hai nước đã trở thành đối tác tin cậy hàng đầu trên lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Giao dịch thương mại giữa 2 nước trong năm đầu tiên sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao chỉ đạt 500 triệu USD. Sau gần 30 năm, con số này đã tăng lên 78 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 100 tỷ USD vào năm 2023.
Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM). (Ảnh: NVCC) |
Hàn Quốc đang đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp; thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; thứ ba về hợp tác thương mại
Có được những thành quả nêu trên là nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và Chính phủ hai nước, sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp cũng như vai trò kết nối của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong quan hệ thương mại giữa 2 nước, dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam tập trung ở lĩnh vực nào và vì sao, thưa ông?
- Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ lĩnh vực may mặc đến điện tử, hạ tầng, năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ, bất động sản, tài chính ngân hàng, start-up đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, logistics và dịch vụ.
Tôi cho rằng, giai đoạn tiếp theo sẽ có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp, mà tập trung cho đầu tư gián tiếp, do nguồn vốn tại Hàn Quốc đang dư thừa với chi phí vốn tương đối thấp.
“Hơn 9.000 công ty Hàn Quốc đã vào Việt Nam và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng, văn hóa, giáo dục và du lịch…”, ông Hong Sun cho biết. |
Các công ty Hàn Quốc đã góp vốn mua cổ phần tại rất nhiều công ty Việt Nam, ví dụ: SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan, hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV…
Cho đến nay, 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh... với tổng đầu tư lên tới hàng tỷ USD.
Các tập đoàn Hàn Quốc xuất hiện tại Việt Nam ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính nhằm cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp Hàn và tập đoàn lớn của Việt Nam nhờ mạng lưới khách hàng rộng lớn tại Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.
Đây đều là các tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh tại Hàn Quốc và có khả năng huy động vốn với giá thấp. Vì vậy, tài chính - ngân hàng, một lĩnh vực được dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư mạnh từ Hàn Quốc trong thời gian tới với bài toán hỗ trợ tài chính cho phương án hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) nếu Chính phủ Việt Nam sớm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này.
Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh: Internet) |
Theo đánh giá của ông, thị trường đầu tư của Việt Nam còn có những điểm hấp dẫn gì mà doanh nghiệp Hàn Quốc có thể khai thác trong thời gian tới?
- Hàn Quốc có thế mạnh về công nghệ cao trong khi Việt Nam đang hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số trong quản lý nhà nước cũng như tạo hành lang môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Bởi vậy, các doanh nghiệp Hàn quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về chuyển đổi số, an ninh mạng, công nghệ sinh học
Không chỉ là dòng chảy đầu tư vào Hàn Quốc, dường như vẫn có một xu hướng mới là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Hàn Quốc. Ông đánh giá về điều này ra sao?
- Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp có vị thế dần lớn dần và cũng giống các doanh nghiệp ở Hàn Quốc trước đây, họ sẽ muốn mở rộng đầu tư sang các nước khác khi thấy có thị trường tiềm năng và cơ hội phát triển kinh doanh.
Đơn cử như trong ngành dịch vụ ăn uống. Do sự khác biệt và đặc biệt về ẩm thực của từng nước, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư thành công tại Hàn Quốc. Các sản phẩm nông nghiệp hay thực phẩm khô, tươi sống, trái cây đông lạnh có thể là lĩnh vực tốt để đầu tư xuất khẩu và phân phối tại Hàn Quốc.
Nhằm hướng tới những thuận lợi trong xây dựng thể chế liên quan tới đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam, ông có kiến nghị gì?
- Tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những cải cách về thủ tục hành chính, chính sách pháp luật đối với nhà đầu tư, chuyên gia và lao động người Hàn đến đầu tư và làm việc tại Việt Nam, như chính sách về cấp visa, thẻ tạm trú, giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Ông đánh giá ra sao về cơ hội phát triển đầu tư giữa 2 nước sau sự kiện chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Hàn Quốc và việc hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện?
- Trong thời gian tới, cùng với việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư và mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Hai bên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về chuyển đổi số, an ninh mạng, công nghệ sinh học.
Việt Nam - trọng tâm của làn sóng đầu tư của Hàn Quốc ở Đông Nam Á - sẽ là một điểm đến quan trọng và sự hợp tác của hai nước đã trở thành một trong những mô hình mẫu mực nhất trên thế giới về hợp tác kinh tế chặt chẽ.
“Là một người gắn bó nhiều năm ở Việt Nam, tôi cho rằng doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam khi tiến hành đầu tư trên đất nước của nhau cần phải hiểu rõ về văn hóa, thói quen, tập quán của người dân nước sở tại. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nắm vững luật pháp, chính sách đầu tư, hợp tác với các đối tác trong nước, tìm hiểu về văn hóa kinh doanh…”, ông Hong Sun cho biết. |
Trân trọng cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện
Thúc đẩy phong trào học tiếng Hàn trong cộng đồng du học sinh Việt Nam Ngày 2/12/2022, tại Đại học Chosun, Gwangju, Hàn Quốc, Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Chosun đã phối hợp cùng Trung tâm Tiếng Hàn thực chiến Lớp bạn Jin tổ chức tọa đàm “Tiếng Hàn 4.0 - Thay đổi để thích nghi" dành cho toàn bộ du học sinh Việt Nam tại các trường đại học, cao đẳng tại khu vực Gwangju – Jeonnam (Hàn Quốc). |
Nỗ lực nâng tầm quan hệ hợp tác tư pháp Việt Nam - Hàn Quốc Sáng 9/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kim Sang-Hwan, Bộ trưởng Quản lý Tòa án quốc gia, Tòa án Tối cao Hàn Quốc và Đoàn cán bộ cấp cao thăm và làm việc tại Việt Nam. |