Việt Nam – Chile chung tay xây đắp quan hệ đối tác toàn diện
Sáng nay 9/11, tại Phủ Chủ tịch, lễ đón chính thức chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria tới Việt Nam đã diễn ra.
Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria đến sân bay Nội Bài trưa 8/11, bắt đầu thăm cấp Nhà nước Việt Nam và dự tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng (Ảnh: VnExpress)
Chuyến thăm lần này không chỉ nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Chile mà qua đó còn thúc đẩy trao đổi, thống nhất phương hướng và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học, công nghệ và du lịch, cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Việt Nam và Chile thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 3/1971. Quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Chile thời gian qua phát triển tích cực trong tất cả các lĩnh vực. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó và tin cậy, thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, nhất là cấp cao, bên lề các hội nghị quốc tế, tại Liên hợp quốc và APEC. Nổi bật gần đây nhất là cuộc gặp gỡ song phương tháng 5 mới đây giữa Chủ tịch nước Trần Ðại Quang và Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria bên lề Diễn đàn cấp cao “Vành đai, con đường” ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Quan hệ kinh tế - thương mại cũng được hai nước đặc biệt chú trọng phát triển. Tháng 11/2011, Việt Nam và Chile đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Hawai, Mỹ. Kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực vào năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều duy trì đà tăng trưởng cao, từ 170 triệu USD năm 2005 lên 890,47 triệu USD năm 2014; năm 2015 đạt 950 triệu USD; năm 2016 đạt 1,03 tỷ USD..
Việt Nam xuất siêu 740,4 triệu USD, chủ yếu là hàng công nghiệp nhẹ như giầy dép, sản phẩm dệt may, sản phẩm nội thất từ gỗ, clanke, xi măng, cà phê, gạo... và nhập 206,2 triệu USD gồm hàng thủy sản, rau quả, dầu mỡ động thực vật, gỗ và các sản phẩm gỗ, sắt thép, bột cá làm thức ăn gia súc, rượu vang...
Hiện xuất khẩu của Việt Nam vào Chile trong 8 tháng đầu năm 2017 đã vượt Thái Lan, vươn lên đứng đầu nhóm ASEAN và ở vị trí thứ 5 ở khu vực Châu Á (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ). Một số nhà đầu tư hàng đầu Chile đang thăm dò, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam và Chile cũng đã ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng như: Hiệp định hợp tác về kinh tế - thương mại, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác về khoa học - công nghệ, Hiệp định miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao, công vụ và phổ thông, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do (FTA)...
Bên cạnh đó, hai nước phối hợp và hợp tác tốt tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương. Chile đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, ứng cử vào Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên Hợp Quốc vào năm 1997; năm 2007 công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam đã ủng hộ Chile vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2010... Việt Nam và Chile đều là các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), vì thế triển vọng hợp tác của hai nước rất đa dạng và phong phú.
Trong bối cảnh này, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Michelle Bachelet Jeria lần này nhằm xây đắp quan hệ Việt Nam - Chile thêm bền vững. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo hai nước trao đổi, thống nhất phương hướng và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học, công nghệ và du lịch, cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Tuệ Lâm (t/h)