Việt Nam - Campuchia: “Ươm mầm hữu nghị”
Vo Thy (giữa) chụp cùng bà Nguyễn Thị Thảo (thứ 2 từ trái sang) khi bà sang Campuchia dự đám cưới của anh. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Một sáng thu Hà Nội, tôi gặp bà Nguyễn Thị Thảo, thành viên Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia trên một con phố quận Hoàn Kiếm. Bà đưa tôi xem những tấm hình trong chuyến thăm Campuchia mới đây để dự đám cưới của một “người con” Campuchia mà bà nhận đỡ đầu khi sang học tại Việt Nam.
Năm 2009, bà Nguyễn Thị Thảo tham gia hoạt động trong Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Còn Chey Vo Thy là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp 1. Từ năm 2013, bà Thảo nhận đỡ đầu Vo Thy theo phong trào “Ươm mầm hữu nghị” của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động.
Bà Thảo kể: Nửa đêm 30/4/2013, Vo Thy bị sốt virus rất nặng, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Lúc ấy, Vo Thy đã cố gắng để nhắn tin cho bà nói xin được gọi là mẹ rồi nhắn rằng nếu có việc gì thì giúp bạn thông báo với bố mẹ bên Campuchia.
Đang trên đường ra sân bay để đi châu Âu nên bà Thảo đã không thể đến bệnh viện. Ngay lập tức, bà đã nhắn tin và gọi điện để trấn an tinh thần Vo Thy. Bà Thảo đã liên hệ bệnh viện để nhờ hỗ trợ. Và rất may mắn, Vo Thy đã vượt qua trận sốt năm ấy.
Bà Thảo tâm sự, đến nay, ngoài Vo Thy, những sinh viên Campuchia bà từng đỡ đầu vẫn thường xuyên liên lạc. Điều đó luôn mang lại cho bà năng lượng mới của cuộc sống.
Phong trào “Ươm mầm hữu nghị” được Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động vào tháng 2/2012 và đã trở thành điểm sáng trong hoạt động hữu nghị của Hội.
Đến nay, phong trào được thực hiện không chỉ ở miền Bắc mà lan tỏa tới khu vực phía Nam, phát triển thành nhiều hình thức như đỡ đầu trực tiếp. Theo đó, các cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia hoặc những cán bộ Việt Nam từng có thời gian công tác ở Campuchia nhận đỡ đầu các lưu học sinh theo sự giới thiệu của Sứ quán Campuchia tại Hà Nội. Ngoài ra còn có hình thức giao lưu gặp gỡ các cựu chuyên gia, cựu Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia hay tham quan các di tích văn hóa, lịch sử. Hiện nay đã có hơn 300 sinh viên Campuchia được nhận đỡ đầu.
Những hoạt động thăm hỏi, động viên, tổ chức tham gia vào các hoạt động của gia đình để giúp hiểu hơn về phong tục, tập quán, văn hóa của Việt Nam… đã tạo động lực và tình cảm rất lớn cho các lưu học sinh Campuchia sinh sống và học tập tại Việt Nam.
Khi tốt nghiệp trở về quê hương, rất nhiều lưu học sinh Campuchia mãi mang trong mình những kỷ niệm tốt đẹp về Việt Nam và họ chính là cầu nối cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.