Vì sao tỷ giá USD/VND “nóng” trở lại?
Hình minh họa.
Mối tương quan với chỉ số DXY
Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tháng 10 mới công bố, các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, sự phục hồi của chỉ số DXY trong tháng 10/2024 được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố.
Đầu tiên là triển vọng kinh tế Mỹ cải thiện nhờ số liệu thị trường lao động và doanh số bán lẻ khả quan. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm còn 4,1% trong tháng 9 so với 4,2% trong tháng 8; doanh số bán lẻ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn mức 0,1% của tháng trước đó.
Theo CME Watch Tool, xác suất Fed giữ nguyên lãi suất trong hai cuộc họp cuối năm đã tăng từ 0% lên 8,2% vào tháng 11 và 2,3% vào tháng 12. Ngoài các dữ liệu kinh tế tích cực, kết quả khảo sát bầu cử với khoảng cách thu hẹp giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ cũng thúc đẩy USD khi kỳ vọng vào triển vọng ông Trump có thể thắng cử tăng lên.
Đồng thời, tỷ giá USD/JPY vượt ngưỡng 150 trong tháng qua và đã tăng 5,8% so với đầu tháng 10 do kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lùi kế hoạch tăng lãi suất sang năm sau. Ngoài ra, việc các ngân hàng trung ương lớn như ECB, BoE, BoC cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng góp phần vào đà phục hồi của USD. Căng thẳng địa chính trị toàn cầu cũng khiến USD tăng giá.
Trong ngắn hạn, chuyên gia VDSC cho rằng biến động của chỉ số DXY phụ thuộc nhiều vào cuộc bầu cử Mỹ đang tới gần. Thống kê của Bank of America cho thấy chỉ số DXY thường tăng trong khoảng thời gian 2 tháng trước bầu cử trong 10/13 kỳ bầu cử tại Mỹ. Đặc biệt, do tỷ lệ đặt cược vào chiến thắng của ông Trump ở các bang ‘chiến trường’ đang tăng cũng có thể tạo đà cho chỉ số DXY trước và sau bầu cử trong trường hợp ông Trump thắng cử.
Cũng theo các chuyên gia, biến động của tỷ giá USD/VND có mối tương quan khá mạnh với chỉ số DXY.
“Kết quả hồi quy đơn giản cho thấy biến động của chỉ số DXY có thể giải thích được 39% biến động của tỷ giá USD/VND trong năm nay, tương tự như năm 2023. Hiện tại, chỉ số DXY đang tăng trở lại nhưng chưa vượt đỉnh cũ nên dựa trên cơ sở về mối tương quan trên thì trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/VND có thể trở lại mức đỉnh cũ và giao dịch quanh vùng này”, chuyên gia VDSC dự báo.
Ngoài ra, tỷ giá USD/VND vào cuối quý 3 và đầu quý 4 thường bị ảnh hưởng bởi nhu cầu ngoại tệ tăng cao (trả nợ nước ngoài, nhập khẩu nguyên liệu và doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước), dẫn đến cung-cầu ngoại tệ trong nước mất cân đối.
Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp bán USD để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng. Tuy nhiên, vào cuối năm, dòng kiều hối và xuất khẩu có thể giúp giảm bớt áp lực cung-cầu ngoại tệ. "Nếu chỉ số DXY vượt đỉnh vào tháng 11 khi ông Trump thắng cử, NHNN có thể phải bán dự trữ ngoại tệ để kiểm soát mức mất giá của tiền đồng dưới 5%," chuyên gia dự báo.
Tính đến ngày 24/10, tỷ giá trên thị trường chính thức và tự do đã tăng lần lượt 3,4% và 2,0% so với cuối tháng trước. So với đầu năm, tiền đồng đã mất giá khoảng 4,2-4,7% trên cả hai thị trường chính thức và tự do.
Chính sách tiền tệ vẫn ưu tiên tăng trưởng
Hoạt động của NHNN trên thị trường mở tương đối trầm lắng trong nửa đầu tháng cho đến khi NHNN phát hành tín phiếu trở lại từ ngày 18/10. Quy mô phát hành tín phiếu tương đối cao trong các phiên đầu nhưng đã giảm trong các ngày gần đây.
Tổng lượng tín phiếu NHNN đã phát hành tính đến ngày 25/10 là xấp xỉ 67 nghìn tỷ đồng, gồm 17,8 nghìn tỷ đồng tín phiếu có kỳ hạn 14 ngày (~27% tổng lượng tín phiếu đã phát hành), còn lại là tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày.
Mặc dù NHNN chào thầu trở lại trên kênh nghiệp vụ mua kỳ hạn những ngày gần đây nhưng do tổng lượng tiền NHNN đã cung ứng qua kênh cầm cố đáo hạn vào đầu tháng nên NHNN đã hút ròng khoảng 57,6 nghìn tỷ đồng. Tổng kết lại, NHNN đã hút ròng khoảng 124,6 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ 01-25/10.
Hiện tại, mặc dù tỷ giá đã tăng gần sát vùng đỉnh cũ, tuy nhiên, quan sát diễn biến bơm/hút ròng của NHNN cũng như quy mô bán ngoại tệ những ngày gần đây, VDSC cho rằng áp lực thanh khoản lên hệ thống ngân hàng từ các hành động của NHNN là không quá lớn. Quy mô hút ròng tổng thể của giai đoạn hiện tại cũng có thể thấp hơn so với giai đoạn tháng 5-6/2024.
Thứ nhất, về kỳ hạn tín phiếu, NHNN có phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày thay vì liên tục phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày như giai đoạn trước, lượng tiền hút ròng qua kênh tín phiếu cũng giảm dần trong các ngày gần đây.
Thứ hai, NHNN đã tiến hành cân đối thanh khoản tiền đồng qua việc bơm tiền qua kênh cầm cố trở lại. Thứ ba, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định, lãi suất cho vay qua đêm tại ngày 24/10 là 3,68%/năm, giảm 76 điểm cơ bản so với cuối tháng 9 và tăng khoảng 102 điểm cơ bản so với mức thấp nhất ghi nhận tại ngày 18/10.
Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 là 9,0% so với đầu năm, tương ứng mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tăng xấp xỉ mức tăng của toàn ngành, tăng 9,15%. Dư nợ tín dụng bất động sản kinh doanh tăng cao hơn so với tín dụng bất động sản tiêu dùng, lần lượt tăng 16,0% và 4,6% so với đầu năm.
Từ đầu tháng 10/2024, NHNN cũng có những động thái chỉ đạo khuyến khích tăng trưởng tín dụng cuối năm. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng năm sau cũng được đặt mục tiêu khá cao, trên 15%. Như vậy, chính sách tiền tệ vẫn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đi cùng với việc ứng phó những biến động ngắn hạn như áp lực tỷ giá.