Vị khách ngoại quốc “khó tính”
Một ngày cuối tháng 6/2023, qua điện thoại, anh Huỳnh Quốc Chánh, chủ quán C.K coffee kể với phóng viên tạp chí Thời Đại:
Sáng ngày 3/5/2023, quán C.K coffee đón hai người khách. Khách nam là người nước ngoài, khoảng tầm 30-35 tuổi, nổi bật với nước da trắng vóc dáng cao to, phong cách phóng khoáng, khỏe khoắn với chiếc quần short cùng áo sơ mi mỏng, mát, mở bung vài chiếc nút áo. Khách nữ là người Việt Nam, làm nhiệm vụ phiên dịch.
Sau khi xem thực đơn, người khách nước ngoài chọn một ly Espresso, đồng thời yêu cầu được quan sát nhân viên pha chế cà phê tại quầy. Anh tiến bước về phía quầy pha chế, đứng yên lặng với ánh mắt chăm chú quan sát từng động tác của bạn nhân viên pha chế, bắt đầu từ thao tác cho bột cà phê vào bộ lọc porta. Đến thao tác nén cà phê, người khách vội kêu lên “no, no” và lắc đầu tỏ ý không hài lòng. Do không hiểu ngoại ngữ, mới đầu tôi và các bạn nhân viên quán ngơ ngác không hiểu vì sao người khách có phản ứng như vậy.
“Nén cà phê chỉ chiếm vài chục giây trong công đoạn pha chế nhưng là thao tác quan trọng. Anh ấy không hài lòng vì lực nén cà phê của bạn nhân viên nữ chưa đủ mạnh. Với lực nén này, chiết xuất dòng chảy nhanh, shot Espresso dễ bị chua, loãng, không rõ hậu vị. Anh yêu cầu bỏ shot Espresso đã pha, thực hiện một shot mới”, bạn phiên dịch truyền đạt lại lời của người khách.
Tôi kiểm tra lại shot cà phê bạn nhân viên pha và thấy đúng như lời người khách phản ánh.
Theo lời kể của anh Chánh, Espresso là thức uống phổ biến ở các quán cà phê. Điểm độc đáo, đồng thời là thách thức đối với người pha chế món đồ uống này là cùng một loại cà phê, cùng một cỡ hạt xay, thậm chí cùng một người đứng quầy, nhưng chất lượng mỗi ly Espresso thu được lại có thể không giống nhau.
Một ly cà phê ngon phải đảm bảo rất nhiều yếu tố, chất lượng hạt, tỷ lệ trộn các loại hạt với nhau, nhiệt độ rang, cách pha chế phải đảm bảo được những yêu cầu khắt khe về dòng chảy, độ mịn. Một thao tác chưa đúng kỹ thuật có thể làm hỏng vị cà phê.
Anh Huỳnh Quốc Chánh, chủ quán C.K coffee thực hiện thao tác nén cà phê (Ảnh: NVCC). |
Trước phản ánh của vị khách, anh Chánh đã trực tiếp pha chế một ly Espresso khác. “Tôi làm sạch tay pha cà phê, dùng khăn lau khô tay pha. Lấy lượng cà phê khoảng 7gram vừa đủ với nhu cầu dùng. Sau đó lấy tay chạm nhẹ vào thành tay pha để làm cân mặt cà phê. Tiếp đó dùng dụng cụ phẳng gạt cà phê bằng theo 4 hướng, không để khoảng hở trên bề mặt cà phê khi để tránh tạo ra đường rãnh, khiến Espresso chiết xuất không đều. Đến thao tác nén, tôi đứng thẳng lưng, người vuông góc với cạnh bàn và luôn giữ cổ tay, cùi chỏ và tamper thẳng hàng. Sau đó dùng một sức nén dứt khoát (trọng lượng khoảng 20kg) ấn xuống, tạo ra bề mặt cà phê phẳng và cứng đều để nước được đẩy qua đều…
Các thao tác được thực hiện theo đúng kỹ thuật. Lần này vị khách mới tỏ ý hài lòng. Anh mỉm cười nói OK. Anh còn quay trở lại quán vào chiều 3/5 và sáng ngày hôm sau để thưởng thức cà phê. Trước khi rời đảo người khách ngoái đầu vẫy tay chào chúng tôi và nói những từ tiếng Anh đơn giản để chúng tôi có thể hiểu được “Thanks, see you. Goodbye!”, đó là một lời cảm ơn, lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Qua lời người phiên dịch, tôi được biết anh tên là Tommy, đến từ đất nước Hà Lan. Tuy ban đầu bạn nhân viên nữ không thực hiện đúng kỹ thuật pha chế, nhưng sai sót này đã được khắc phục sau đó với shot cà phê tôi pha chế. Tommy đánh giá cà phê quán C.K ngon nhất ở đảo Phú Quý.
Tommy cũng là người khách nước ngoài kỹ tính nhất tôi gặp từ ngày mở quán đến nay. Trải nghiệm phục vụ từ vị khách này cũng đã giúp chúng tôi ghi nhớ bài học cần tuân thủ các thao tác kỹ thuật trong pha chế, không coi nhẹ, lơ là ở một khâu nào. Có vậy mới phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng”, anh Chánh kể.