Văn hóa Việt Nam thu hút bạn bè quốc tế tại Army Games
Tham gia các kỳ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games), Đội quân Văn hóa Quân đội nhân dân Việt Nam góp phần thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, sức mạnh đoàn kết của Quân đội Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Dấu ấn văn hóa Việt Nam
Những ngày tháng 8 này, tại Army Games 2022 tổ chức ở ngoại ô Moscow (Nga), Đội quân Văn hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tham gia triển lãm với chủ đề "Di sản văn hóa Việt Nam". Triển lãm được thiết kế công phu, hiện đại với khối lượng sản phẩm thi công và trưng bày lên tới 1,7 tấn vật tư.
Khách tham quan gian trưng bày của Việt Nam được hướng dẫn đan quạt (Ảnh: Đức Thuận). |
Không chỉ giới thiệu đến bạn bè quốc tế những hình ảnh khái quát về quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam, triển lãm còn giới thiệu những hình ảnh về di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam bao gồm di sản thế giới, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản tư liệu. Khách tham quan được thấy những hình ảnh tiêu biểu về các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của đất nước.
Đặc biệt các chiến sĩ của Đội quân Văn hóa đóng vai trò là người kết nối văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, hướng dẫn khách tham quan đan quạt nan, tìm hiểu về dòng tranh dân gian Đông Hồ trên giấy dó và tự tay hoàn thiện sản phẩm yêu thích của mình.
Bà Olga Faller - cán bộ chuyên trách của Vụ Văn hóa, Bộ Quốc phòng Nga nói: “Gian trưng bày Việt Nam luôn có những câu chuyện nhiều màu sắc và rất thú vị, đặc biệt là có các lớp học thủ công thu hút đông khách tham quan. Tôi tin sẽ có rất nhiều khách đến thăm gian trưng bày này có mong muốn đến Việt Nam".
Ngoài hoạt động triển lãm, Việt Nam còn mang đến Army Games 16 tiết mục nghệ thuật (trong đó có 3 tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc, 4 tiết mục múa và 9 tiết mục thanh nhạc). Các tiết mục được dàn dựng công phu, đặc sắc, mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt Nam, nhằm quảng bá đến với bạn bè quốc tế.
Trao đổi trên báo chí, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, Đội trưởng Đội tuyển Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Army Games 2022 cho biết: Chủ đề mà Ban tổ chức Army Games 2022 hướng tới là di sản văn hóa của các dân tộc, truyền thống của quân đội, trong đó quảng bá về văn hóa, đất nước, con người của các quốc gia, dân tộc dự thi, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước…
Các tác phẩm dự thi hay nội dung, hiện vật trưng bày triển lãm của Việt Nam đều tập trung vào những vấn đề này. Đó là những nét đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, thể hiện sự kiên cường và tự tôn dân tộc, yêu chuộng hòa bình, hợp tác quốc tế; những đặc trưng của một quốc gia có nền văn hóa đa dạng trong thống nhất với sự độc đáo của văn hóa 54 dân tộc Việt trải khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Trong đó đậm nét nhất là thể hiện nét thanh lịch, tinh túy từ hình ảnh, vật phẩm văn hóa, ẩm thực của con người Tràng An (Thăng Long - Hà Nội); sự tinh tế, dịu dàng, sâu sắc của văn hóa xứ Huế (qua sản phẩm cỏ bàng xứ Huế); sự mạnh mẽ của đại ngàn núi rừng Tây Nguyên, sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc (nhạc cụ Tơ Rưng, thổ cẩm thêu tay); sự kiên trung, bất khuất của miền Đông Nam Bộ (sản phẩm văn hóa từ cây dừa Bến Tre)...
“Chiến binh” quảng bá văn hóa
Năm 2022 là năm thứ ba Đội quân Văn hóa Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Army Games tại Nga. Tại Army Games 2020, với 2 bằng khen cho tập thể, 3 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba, đội tuyển đã tạo ấn tượng mạnh mẽ, để lại dấu ấn văn hóa Việt trong lòng bạn bè quốc tế. Trung úy Hà Công Cương (diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), thành viên của đội tuyển chia sẻ trên báo chí khoảnh khắc anh biểu diễn xong tiết mục “Men say”- độc tấu sáo trúc, cả khán phòng rộ lên những tràng pháo tay khen ngợi, tất cả thành viên Ban giám khảo đều đứng dậy vỗ tay, vang vang tiếng hô “Việt Nam! Việt Nam!”...
Một nữ giám khảo còn chạy lên ôm chầm lấy tôi, nói câu gì đó bằng tiếng Nga, tôi ngầm hiểu chắc chị ấy nói lời chúc mừng tiết mục của mình”, Công Cương kể. Sau đó anh tiếp tục thể hiện xuất sắc tác phẩm “Non sông một dải”, hội tụ những thanh âm độc đáo trải dài từ miền Bắc, miền Trung, Nam Bộ và Tây Nguyên trong bộ nhạc cụ hơi gồm 7 chiếc: sáo, tù và, pí tam lay (dân tộc Thái)... Khi thanh âm của tiết mục kết thúc, cả khán phòng như reo vui, những lời chúc mừng tuôn trào tưởng chừng không dứt.
Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh cho biết: dù luyện tập hay thi đấu, các chiến sĩ văn hóa luôn quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng, khắc phục khó khăn, sáng tạo, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và vinh dự cao quý không chỉ với quân đội, đất nước mà với cả bản thân mỗi người.
Còn NSND Lữ Thị Kiều Lê - biên đạo, huấn luyện viên múa cho Đội quân Văn hóa tại Army Games 2021 nói: Dù là cuộc giao lưu văn hoá nghệ thuật hay cuộc thi thì chúng ta cũng là đại diện cho văn hóa, nghệ thuật Việt Nam mang hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ cũng như văn hoá Việt đến với thế giới.