Văn hóa nghệ thuật dân gian kết nối nhân dân Hội An - Nhật Bản
Triển lãm chủ đề “Vũ trụ vi mô x Vũ trụ vĩ mô - Hội An, Nơi tôi sống giữa hai vũ trụ” của họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando. (Ảnh: hoianworldheritage) |
Mở đầu sự kiện là triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando tại Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản (số 6 đường Nguyễn Thị Minh Khai). Triển lãm có chủ đề “Vũ trụ vi mô x Vũ trụ vĩ mô - Hội An, Nơi tôi sống giữa hai vũ trụ” trưng bày những tác phẩm được nữ họa sĩ Nhật Bản sáng tác khi đang sống ở Hội An. Mỗi tác phẩm đều thể hiện thế giới quan, tâm hồn và triết học Nhật Bản bằng chất liệu truyền thống Việt Nam. Triển lãm đã bắt đầu từ ngày 25/7 để phục vụ nhân dân và du khách.
Du khách thích thú với những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: hoianworldheritage) |
Ngày 4/8, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An khai mạc triển lãm trưng bày chuyên đề “Hình ảnh tư liệu về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hội An - Nhật Bản”.
Triển lãm ảnh chủ đề “Hình ảnh tư liệu về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hội An - Nhật Bản”. (Ảnh: Báo Văn hóa) |
Triển lãm được tổ chức tại Chùa Cầu (hay còn được gọi là Chùa Nhật Bản), di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được xem như biểu tượng của lịch sử quan hệ giao lưu văn hóa lâu đời giữa hai đất nước.
Tại triển lãm, 50 bức ảnh được lựa chọn trưng bày với đa dạng chủ đề như: nguồn cội mối thâm giao Hội An - Nhật Bản; các hoạt động kết nghĩa, thăm viếng hữu nghị; giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa Hội An - Nhật Bản…
50 bức ảnh với đa dạng chủ đề được lựa chọn trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Báo Văn hóa) |
Du khách còn có thể ghé thăm Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch (80 Trần Phú, Hội An) sẽ có cơ hội tìm hiểu về gốm sứ Hizen và trải nghiệm “Vẽ hoa văn gốm sứ Hizen” trên phôi đĩa trắng với các tone màu lam của gốm.
Các em nhỏ trải nghiệm vẽ hoa văn với màu men lam gốm sứ. (Ảnh: Bảo tàng Hội An) |
Tên của loại hình gốm sứ này xuất phát từ nơi sản xuất – những lò gốm tại tỉnh Hizen, Nhật Bản. Gốm sứ Hizen được đưa đến Hội An thông qua con đường mậu dịch trên biển trong các thế kỉ trước. Việc phát hiện gốm sứ Hizen ở Hội An đã khẳng định mối quan hệ giao lưu giữa Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung với Nhật Bản trong lịch sử.
Du khách nước ngoài trải nghiệm “Vẽ hoa văn gốm sứ Hizen”. (Ảnh: Bảo tàng Hội An) |
Nhiều hoạt động trưng bày, thủ công của Hội An và Nhật Bản sẽ được trình diễn, giới thiệu tại sự kiện như: không gian trưng bày điêu khắc gỗ “Thương cảng Hội An xưa” của nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận; Triển lãm Tempera Art của nghệ sĩ Ami Yasugahira; Hướng dẫn cắm hoa nghệ thuật Nhật Bản cùng nghệ nhân Endo Yuko, người sáng lập trường phái Ikebana; Hoạt động thưởng trà “Tinh hoa trà Việt”; Hướng dẫn viết thư pháp Nhật Bản; Không gian trải nghiệm gấp giấy Origami và thử trang phục Yukata, Nhật Bản…
Du khách sẽ được trải nghiệm văn hoá truyền thống Nhật Bản và Hội An tại chương trình "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 19" như: trình diễn trà đạo, hướng dẫn cắm hoa Ikebana... (Ảnh: KT) |
Các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của Hội An như dân ca, bài chòi, hát bội, hò khoan đối đáp lồng ghép cùng những điểm trình diễn nghề thủ công mỹ nghệ sẽ được tổ chức thường xuyên tại khu phố cổ, chợ phiên Hội An.
Chia sẻ với báo chí, bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An cho biết, thành phố đã nghiên cứu nội dung hoạt động cho từng sự kiện để thu hút, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và du khách quốc tế. Theo đuổi lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Hội An mong muốn là nơi hội tụ, tiếp thu văn hóa quốc tế nhưng vẫn giữ được các nét đẹp truyền thống bản địa.
“Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đây cũng là lần thứ 19 chương trình được tổ chức. Các sự kiện thuộc chương trình luôn chú trọng đến chất liệu truyền thống và tôn vinh nghệ thuật dân gian. Theo đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống, các nghề thủ công của Hội An và Nhật Bản được thỏa sức sáng tạo, giao lưu với nhau, làm cơ sở để học hỏi, phát triển nền nghệ thuật dân gian tại địa phương ngày một đặc sắc hơn. |
Thế giới kỳ ảo của kịch sân khấu Kabuki Nhật Bản Kabuki là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nhật Bản có nguồn gốc từ thời Edo (1603-1868), với sự kết hợp duyên dáng của ca nhạc, diễn xuất, múa… Thế giới của Kabuki vẫn chứa đầy những màu sắc kỳ ảo của xứ sở hoa anh đào và trường tồn mãnh liệt qua thời gian. |
Làng rèn thần kiếm Nhật Bản được tái hiện tại Hạ Long “Làng rèn Thần kiếm” thuộc tầng hầm Ga Mặt trời của Sun World Ha Long vừa ra mắt đã tái hiện không gian văn hóa kiếm Nhật thu hút nhiều du khách có mong muốn tìm hiểu văn hóa Nhật Bản tới trải nghiệm. |