Ươm mầm hữu nghị biên cương
Đôi mắt lấp lánh niềm vui, cô bé nâng niu một con voi làm thủ công - biểu tượng văn hóa đặc trưng của đất nước Lào, được em mang theo từ quê hương sang làm quà tặng Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội biên phòng Việt Nam, người đại diện cho những "ông bố biên phòng" của em. Với Nang Tùn Pheng Khăm Sỉ, đây không chỉ là món quà mà còn là tấm lòng, sự tri ân dành cho những người lính áo xanh biên phòng Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, cơ hội học tập của Nang Tùn Pheng Khăm Sỉ từng rất mong manh, nhưng sự hiện diện bền bỉ và tình yêu thương của những “người cha biên phòng” đã giúp em nuôi dưỡng giấc mơ học tập và ấp ủ hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Em Nang Tùn Pheng Khăm Sỉ tặng quà cho Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội biên phòng Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình: Phan Anh) |
Trải qua 8 năm được Bộ đội biên phòng Việt Nam nâng bước, từ cô bé tiểu học mong manh, Nang Tùn Pheng Khăm Sỉ nay đã trở thành một nữ sinh trung học duyên dáng và mạnh mẽ. Đứng trước hàng trăm khán giả, em xúc động nói lời cảm ơn chân thành, hạnh phúc khi được các chú bộ đội Việt Nam động viên, giúp em đến trường mỗi ngày và nuôi dưỡng khát vọng cho tương lai.
Cầm món quà trên tay, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi vừa bất ngờ vừa xúc động khi nhận được món quà từ cháu học sinh khu vực biên giới nước bạn Lào mà bộ đội biên phòng Việt Nam giúp đỡ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng bước nhiều em nhỏ khác tới trường, tạo thêm cơ hội cho thế hệ trẻ khu vực biên giới có một tương lai thật tươi sáng".
Nâng bước chân em đến trường
Câu chuyện của Nang Tùn Pheng Khăm Sỉ là một trong hàng nghìn câu chuyện về các em nhỏ Lào đã và đang nhận được sự giúp đỡ từ Bộ đội biên phòng Việt Nam. Trường hợp khác là Thạo Phe, cậu bé 14 tuổi ở bản Đán, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Bố mất sớm, mẹ lấy chồng xa, cậu sống với bà và từng phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Bộ đội biên phòng Việt Nam đã hỗ trợ Thạo Phe tiền học hàng tháng và giúp gia đình em nuôi gà, trồng rau để cải thiện cuộc sống.
Ngày trở lại trường trong chiếc áo đồng phục màu trắng, Thạo Phe cười rạng rỡ nói với các chú bộ đội bằng thứ tiếng Việt bập bẹ nhưng đầy tự hào: “Con cảm ơn các chú bộ đội biên phòng Việt Nam. Con yêu Việt Nam".
Bà của Thạo Phe, người chăm sóc em hàng ngày cũng xúc động bày tỏ: “Bà sẽ nuôi gà, nuôi vịt như các chú dặn. Bà sẽ cố gắng để Thạo Phe được học hành đến nơi đến chốn”.
Câu chuyện của Hồ Thị Nghin, cô bé đến từ bản La Lay A Sói, huyện Sa Muồi, tỉnh Sa La Van (Lào), cũng là minh chứng sống động cho hành trình “Nâng bước em tới trường” tại vùng biên giới Việt - Lào. Từng đối diện với nguy cơ phải bỏ học vì gia đình thiếu thốn, cô bé được Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị nhận đỡ đầu, giúp em có cơ hội đi học và nuôi dưỡng giấc mơ tương lai. Mỗi tháng, cán bộ Đồn biên phòng gửi đến gia đình Nghin khoản tiền hỗ trợ học tập, giúp cô bé có đủ sách vở, đồ dùng học tập.
Trung úy Hồ Văn Thủ, Đồn Biên phòng La Lay trao xe đạp cho con nuôi Hồ Thị Nghin. (Ảnh: Thời Đại) |
Bước vào cấp hai, con đường đến trường của Nghin ngày càng xa và gian nan, nhất là trong những ngày mưa gió. Biết vậy, những “người cha biên phòng” đã tặng em một chiếc xe đạp mới, giúp em đi lại thuận tiện hơn. Chiếc xe ấy được họ chăm chút từng chút một, lau rửa, tra dầu, xiết ốc cẩn thận mỗi khi có dịp đến thăm nhà Nghin. Năm 2021 xe hỏng hẳn, Đồn biên phòng mua một chiếc xe mới hiệu Asama, tiếp tục đồng hành cùng Nghin trên chặng đường học tập.
Chiếc xe đạp không chỉ đưa Nghin đến trường mà còn là cầu nối đưa em đến Thủ đô Hà Nội vào năm 2022 để tham dự cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”do Tạp chí Thời đại phối hợp với Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội hữu nghị Lào - Việt Nam tổ chức vào năm 2022. Nghin tâm sự: “Cháu tự hào khi được các bố, các chú đỡ đầu. Được ra Hà Nội, thăm Lăng Bác Hồ là điều cháu không thể quên. Cháu sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng các chú”.
Thắp sáng biên cương bằng những mầm non
Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng, cho biết tại chương trình giao lưu, từ năm 2015 đến nay hơn 1.000 em nhỏ tại khu vực biên giới Việt - Lào đã nhận được sự giúp đỡ từ chương trình “Nâng bước em tới trường”. Chương trình không chỉ mang đến sự hỗ trợ về tài chính mà còn là sự đồng hành yêu thương, sự dõi theo tận tình của những người lính biên phòng - những người cha thứ hai của các em nhỏ vùng biên. Bộ đội biên phòng còn phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường để xây dựng môi trường học tập an toàn và ổn định cho các em. Đặc biệt, sự giúp đỡ không dừng lại ở vật chất mà còn là nhịp cầu nối liền hai dân tộc Việt - Lào.
Chương trình “Nâng bước em tới trường” cùng với sáng kiến “Con nuôi đồn biên phòng” đã trở thành những chiếc cầu nối vững chắc giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại vùng biên giới vươn lên. Qua mỗi bước đi của các em, tình hữu nghị Việt - Lào lại càng được vun đắp và trở nên bền chặt hơn. Những người lính biên phòng Việt Nam đang từng ngày xây đắp một thế hệ trẻ hiểu biết và gìn giữ tình hữu nghị thiêng liêng giữa hai đất nước.