UNFPA hỗ trợ phát triển hệ sinh thái chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam
Hội thảo là dịp để các cơ quan liên quan lắng nghe những kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc triển khai thí điểm mô hình chăm sóc tích hợp dành cho người cao tuổi. Mô hình do Bộ LĐ-TB&XH và UNFPA thực hiện tại các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Long, và thành phố Đà Nẵng với sự hỗ trợ về tài chính từ chính phủ Nhật Bản và Quỹ Mục tiêu Phát triển Bền vững chung của Liên hợp quốc (Joint SDG Fund).
UNFPA và Bộ LĐ-TB&XH hướng tới phát triển hệ sinh thái chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam. Ảnh: UNFPA. |
Mô hình đã xây dựng phương pháp tiếp cận và công cụ mới về chăm sóc cho người cao tuổi và nâng cao năng lực về chăm sóc xã hội ở cả cấp địa phương và cấp quốc gia; đảm bảo không gián đoạn việc cung cấp dịch vụ chăm sóc dành cho người cao tuổi có chất lượng cao trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và trong giai đoạn bình thường mới.
Sau 6 tháng thí điểm, mô hình đã xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn để phục vụ việc triển khai và nhân rộng mô hình này tại các tỉnh và thành phố khác. Bộ tài liệu hướng dẫn bao gồm: tiêu chuẩn quy trình hoạt động, hướng dẫn quản lý trường hợp chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh bình thường và trong dịch COVID-19, sổ tay dành cho người chăm sóc và nhiều tài liệu hướng dẫn khác.
Trong khuôn khổ dự án, khoảng 1.500 người cao tuổi đã được khám sàng lọc về nhu cầu chăm sóc và có kế hoạch chăm sóc cho từng cá nhân. Hơn 1.000 nhân viên chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội và trung tâm công tác xã hội thuộc các tỉnh và thành phố được thí điểm cũng như người chăm sóc người cao tuổi tại nhà được tập huấn về ứng phó với COVID-19 và cung cấp dịch vụ chăm sóc có chất lượng tốt hơn cho người cao tuổi trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và giai đoạn bình thường mới.
Trung tâm bảo trợ xã hội tại Đà Nẵng. Ảnh: UNFPA. |
Ông Lê Bạch Dương - Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết mô hình chăm sóc tích hợp cho người cao tuổi được xây dựng nhằm đảm bảo chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cho tất cả các nhóm người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi nghèo, người cao tuổi bị khuyết tật và người cao tuổi dễ bị tổn thương.
UNFPA nhấn mạnh sự cần thiết khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển ngành dịch vụ chăm sóc dành cho người cao tuổi thông qua cơ chế hợp tác công tư, nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân của người cao tuổi và hỗ trợ phù hợp để người cao tuổi có thể tham gia vào mọi lĩnh vực của xã hội.
Cùng với đó thúc đẩy đầu tư công nhằm cải thiện hệ thống chăm sóc, đào tạo người chăm sóc và thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý các dịch vụ chăm sóc và y tế, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi.
Theo thống kê, năm 2021, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 12,8% tổng dân số Việt Nam (tương đương 12,6 triệu người). Dự kiến đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự gia tăng cả về quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số đòi hỏi phải sự quan tâm nhiều hơn đến an sinh xã hội cho người cao tuổi, trong đó có chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt khi các hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi truyền thống trong gia đình đang ngày càng thay đổi do nhiều nguyên nhân, do mức sinh thấp, do di cư và do quá trình hiện đại hóa.