Tuần Giáo chuẩn bị các điều kiện cho chương trình GDPT mới ở bậc tiểu học
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được chính thức triển khai từ năm học 2020 - 2021, đầu tiên là đối với lớp 1; tiếp đó năm học 2020 - 2021 là lớp 2, lớp 6; năm học 2021 - 2022 là lớp 3, lớp 7, lớp 10; năm học 2022 - 2023 là lớp 4, lớp 8, lớp 11 và năm học 2024 - 2025 là lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Việc đối mới GDPT là mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, do vậy năm học 2019 – 2020 huyện Tuần Giáo xác định là năm bản lề để chuẩn bị tốt cho chương trình đối mới. Ngay sau khi bước vào năm học 2019 – 2020 công tác chuẩn bị điều kiện để phục vụ cho chương trình GDPT mới được các trường học trên địa bàn huyện Tuần Giáo triển khai và trọng tâm ở bậc tiểu học.
Một buổi hoạt động giữa giờ của trường TH số 2 thị trấn Tuần Giáo |
Cô giáo Hoàng Thanh Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tuần Giáo cho biết: Ngay khi có thông tin liên quan đến Chương trình GDPT mới, nhà trường đã chỉ đạo các trường triển khai đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh; đồng thời chuẩn bị nguồn lực giáo viên nòng cốt. Nhà trường lựa chọn, chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy các lớp đầu cấp để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho 100% giáo viên được phân công dạy theo Chương trình, SGK GDPT mới theo lộ trình của Bộ GD&ĐT.
Xác định đội ngũ nhà giáo, những người trực tiếp tạo nên chất lượng giáo dục, đóng vai trò quyết định cho thành công của công cuộc đổi mới, nhà trường tiến hành thực hiện đánh giá cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng CBQL, giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới. Đến nay 100% CBQL, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn.
“Bên cạnh vấn đề về đội ngũ giáo viên, nội dung, phương pháp dạy học, nhà trường quan tâm đặc biệt đến cơ sở vật chất, tích cực tham mưu với cấp trên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo đủ diện tích phòng học, phòng bộ môn và diện tích sân chơi bãi tập, trang thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch dạy học”. Cô Hoàng Thanh Phương nói.
Trường TH số 2 thị trấn Tuần Giáo chuẩn đầy đủ những điều kiện để sẵn sàng cho thực hiện chương trình đổi mới GDPT |
Bà Lê Thị Hồng – Trưởng phòng GD & ĐT huyện cho biết: Để thực hiện tốt chương trình đổi mới GDPT huyện Tuần Giáo trước tiên phải là tốt từ năm đầu và bậc tiểu học. Hiện toàn huyện Tuần Giáo có 28 trường tiểu học, trong đó 4 trường PTDTBT, 98 điểm trường lẻ. Để thực hiện tốt chương trình đổi mới GDPT công tác chuẩn bị được ngành GD&ĐT của huyện triển khai thực hiện bài bản dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Những năm qua, ngành GD&ĐT đã thực hiện đổi mới; chỉ đạo áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới; thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo hướng phát triển năng lực. Đây là bước đệm quan trọng khi bước vào triển khai áp dụng chương trình GDPT mới.
Bên canh đó Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình mới; đầu tư cơ sở vật chất nhằm duy trì, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, các phòng chức năng như phòng giáo dục nghệ thuật, phòng máy tính, ngoại ngữ, hoạt động đội...cơ bản đảm bảo. Phòng đang tích cực chỉ đạo các nhà trường nâng cao hoạt động của thư viện trường học, rèn học sinh thói quen đọc sách và chủ động tìm tòi thông tin thông qua hoạt động của thư viện. Các trường rà soát thiết bị dạy học tối thiểu, rà soát và thay thế các thiết bị dạy học lớp 1 theo Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT, ngày 05 tháng 04 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1.
Nhiều trường ở vùng sâu, vùng khó khăn của huyện cũng được đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang và đầy đủ các trang thiết bị dạy và học |
Ngoài ra, huyện chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý ổn định, đảm bảo về trình độ đào tạo, năng lực, nghiệp vụ công tác; đã xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán của ngành đủ về số lượng, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên kiểm tra, chia sẻ với các đơn vị trong huyện. Bà Lê Thị Hồng nói.
Là huyện vùng cao, tỷ lệ hộ dân đói nghèo còn cao, nhận thức của một số bộ phận người dân về giáo dục còn hạn chế; cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy nhiêu nơi còn thiếu, chưa đồng bộ; đội ngũ giáo viên ở bâc tiểu học vẫn còn thiếu ở những bộ môn chuyên biệt.v.v. Đây thật sư là những khó khăn và thách thức đổi với huyện Tuần Giáo trong quá trình đổi mới chương trình GDPT.