Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc
Khách du lịch tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN). |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc.
Dự án với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025; tu bổ, tôn tạo các hạng mục phân khu giam B2, các điểm di tích khu tượng đài Đồi Sim, Nghĩa trang tù binh, nhà thờ Kiến Văn trong khu di tích.
Dự án nhằm khôi phục, tu bổ một số điểm di tích ghi dấu các sự kiện quan trọng, giữ gìn chứng tích lịch sử là nơi trưng bày hiện vật liên quan đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc. Qua đó, góp phần để công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và trưng bày các hình ảnh, tài liệu có liên quan, tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất cho các thế hệ.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc trước đây còn có những tên gọi khác như Nhà tù Phú Quốc, Trại huấn chính Cây Dừa, Nhà lao Cây Dừa, Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc…
Năm 1953, Pháp xây dựng Nhà tù Phú Quốc và tồn tại từ tháng 6/1953 đến tháng 7/1954 đã giam giữ khoảng 14.000 tù binh. Cuối năm 1955, chế độ Việt Nam Cộng hòa xây dựng một trại giam tại địa điểm Căng Cây Dừa cũ, diện tích 4 ha và đặt tên là Trại huấn chính Cây Dừa, còn gọi là Nhà lao Cây Dừa. Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc được lập trên cơ sở Trại huấn chính Cây Dừa.
Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc được mệnh danh là “địa ngục trần gian," là bằng chứng về tội ác dã man, với hơn 45 kiểu tra tấn tàn bạo của Mỹ-Ngụy. Trong thời gian tồn tại gần 6 năm (6/1967-3/1973), địch đã giam giữ hơn 40.000 lượt tù binh, phần lớn là cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, cán bộ dân chính đảng và người dân; khoảng 4.000 tù binh bị giết hại, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế.
Hiện nay, khu di tích này còn bảo tồn được 5 điểm di tích gốc là nghĩa trang tù binh, nhà thờ Kiến Văn, cổng tiểu đoàn 7 và 8 quân cảnh, phân khu giam B2, khu nhà Bộ Chỉ huy Trại giam và 1 điểm di tích tôn tạo tượng đài Đồi Sim.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc hiện nay hàng năm đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, trong đó có nhiều cựu tù binh là chứng nhân sống về lịch sử di tích này.
Di tích Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc được công nhận là di tích quốc gia theo Quyết định số 1430-QĐ/BT ngày 12/10/1993 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin, được nâng lên Di tích quốc gia đặc biệt và đổi tên thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ./.