TS Vũ Thu Hương: "78,1% trẻ em Hà Nội trả lời từng bị dâm ô, 6/10 vụ xâm hại có thủ phạm là người thân"
Hàng ngày, đọc báo, xem tin tức, lướt facebook, chúng ta vẫn thường bắt gặp rất nhiều tin bài có nội dung liên quan đến dâm ô, dụ dỗ, giao cấu, rồi hiếp dâm trẻ em. Thừa nhận đi, rất nhiều người bỏ qua những bài viết ấy, bởi suy nghĩ đầu tiên luôn là "chẳng có gì hay".
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau khi các vụ ấu dâm gây chấn động như Minh Béo gây xôn xao dư luận thì các ông bố bà mẹ mới bắt đầu lo sợ nhiều hơn, quan tâm đến con em mình nhiều hơn. Đến khi nỗi lo lắng, ám ảnh thực sự bùng nổ với chuỗi 3 vụ nghi án ấu dâm ở Vũng Tàu - Hoàng Mai (Hà Nội) - Thủ Đức (Sài Gòn), các bậc phụ huynh mới thực sự nghiêm túc nhìn nhận lại chuyện bảo vệ và dạy dỗ con em mình. Bắt trẻ học đủ thứ Toán Văn Anh, nhưng kỹ năng phòng thân, tự vệ, kỹ năng chống trả, chạy thoát khỏi những kẻ xấu thì chúng ta đã giúp các bé nhận thức đầy đủ chưa?
Trong buổi talkshow Chống xâm hại tình dục trẻ em: Hãy thay đổi từ nhận thức các khách mời đã đưa ra những con số đáng báo động về vấn đề này.
Đồng hành cùng với cha mẹ các bé gái nạn nhân bây giờ không chỉ có cộng đồng mạng, dư luận xã hội, mà những chuyên gia tâm lý, luật sư, nhà báo, nhà văn... đều chung tay lên án nạn ấu dâm.
Nguy cơ ở khắp nơi, những con số mới chỉ là bề nổi
Trước đây, các vụ án lạm dụng, xâm hại trẻ em chủ yếu xảy ra ở các vùng quê, và thủ phạm thường là người học vấn thấp. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển hơn, dân trí cao hơn, luật pháp được củng cố nhiều hơn, thì các vụ ấu dâm bị tố cáo cũng nhiều hơn, cho thấy tội phạm xâm hại trẻ em ở thành phố cũng có thể là những kẻ trông "trí thức đầy mình". Chia sẻ rõ hơn về điều này, trong buổi tọa đàm #thay_đổi_nhận_thức để chống lại nạn xâm hại tình dục trẻ em, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa GD tiểu học trường ĐH Sư Phạm Hà Nội) đã có nhiều quan điểm, ý kiến sâu sắc dành cho các bậc phụ huynh, cùng với nhà báo Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn) và luật sư Phan Thị Lam Hồng (đoàn luật sư Hà Nội) củng cố thêm hiểu biết cho mọi người trên cương vị những ông bố bà mẹ.
TS. Thu Hương chính là người khởi xướng chiến dịch giáo dục giới tính (GDGT) cho trẻ em mầm non, tiểu học với mục đích giúp trẻ bảo vệ cơ thể mình, là tiến sĩ tâm lý có ảnh hưởng trong cộng đồng phụ huynh, có nhiều hoạt động chống nạn xâm hại tình dục trẻ em mà nhiều bố mẹ biết đến. Tuy nhiên, để có thể đấu tranh mạnh mẽ được như vậy, người phụ nữ này đã nhìn thẳng vào quá khứ đau buồn để đứng lên.
TS. Vũ Thu Hương: "Tôi từng bị xâm hại 3 lần, và quá nhỏ để biết rằng mình bị dâm ô".
"Hơn 40 năm sống tại Hà Nội, tôi nhớ mình từng bị xâm hại 3 lần. Chúng tôi không sử dụng từ #xâm_hại_tình_dục cho mọi trường hợp, nếu chưa quan hệ mà khiến cho đứa trẻ sinh ra những cảm xúc tiêu cực như đau đớn, sợ hãi... thì chỉ gọi là xâm hại thôi. Tôi nhớ mang máng người bác này sao lại ôm mình chặt thế, khó chịu thế, tôi quá nhỏ để biết rằng hành vi ấy là dâm ô.
Ngày xưa, bố mẹ còn bảo những đứa con bị xâm hại rằng đừng nên nói ra, bởi đó là điều xấu hổ, mất mặt. Tuy nhiên, bây giờ chuyện đó phải thay đổi, nếu phụ huynh biết rằng 78,1% trẻ em ở Hà Nội trả lời khảo sát rằng chúng từng bị dâm ô, cha mẹ nào nghe xong chẳng nhói lòng mà òa khóc! Rồi số liệu các vụ tố ấu dâm trước đây tầm 1500 - 1200 vụ, giờ giảm xuống còn 1000 thôi, nhưng tính chất nghiêm trọng của vụ việc lại tăng lên. Những con số ấy chỉ là bề nổi, thực tế cao hơn rất nhiều.
Phụ huynh nhờ tôi mở các lớp dạy cho con em họ phòng chống bị xâm hại, mời tôi dạy cho cả gia đình về việc xử lý khi gặp tình huống con em bị hại, đó là chuyện mừng vì nhờ đó tôi biết được nhiều người đã quan tâm thật sự, chung tay vì cộng đồng bảo vệ trẻ em. Báo chí vào cuộc ngày càng mạnh mẽ, cư dân mạng không còn im lặng nữa, tất cả đều đồng hành với tôi. Tôi rất mừng".
TS. Thu Hương cũng cho biết, chị buồn nhất đau nhất là nhiều trẻ không có kỹ năng thoát khỏi sự cố hàng ngày. Tai nạn thương tích, đuối nước... và giờ là xâm hại. Cha mẹ đòi hỏi các em phải học giỏi, nhưng chưa nghĩ được rằng điều quan trọng nhất là phải sống được đã. Giáo dục giới tính cho trẻ em, kỹ năng thoát hoả hoạn... cần thiết hơn là một mớ công thức toán lý hóa.
Anh Chánh Văn - Hoàng Anh Tú: "Tôi giật mình khi biết 90% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người quen".
Phần lớn thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người quen
Đồng quan điểm với TS. Thu Hương, ông bố 3 con Hoàng Anh Tú cũng chia sẻ câu chuyện của chính mình : "Trước khi xảy ra các vụ ấu dâm khiến dư luận ầm ĩ, tôi là ông bố bị gọi là 'nghiện con', bởi tôi rất yêu thương chúng. Tôi đã từng sai khi để các bé học các trường top đầu, gần như phó mặc cho nhà trường vì tin tưởng ở đó an toàn, gần như chưa bao giờ tôi hỏi lũ trẻ rằng ở trường có gì nguy hiểm không, chỉ hỏi con đi học có vui không, tốt không. Tôi chỉ biết mối quan hệ giữa con với bạn bè, con thích bạn nào trong lớp... Bây giờ lên mạng tôi mới giật mình khi biết 90% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người quen, nhất là ở trường. Tôi bắt đầu lo lắng, và thay đổi cách dạy dỗ gần gũi hơn với con. Tôi dạy con học cách nghi ngờ, dù tôi sống theo chủ nghĩa tích cực".
Rất nhiều đứa trẻ, và chính người lớn chúng ta đều từng bị xâm hại mà không hề biết. Đó là những hành động như ôm hôn, sờ soạng tay chân, vai, lưng, đùi, thậm chí là bộ phận sinh dục trẻ em mà nhiều người vô tư cho đó là "trêu đùa", cưng nựng trẻ. Tâm lý tội phạm ấu dâm bất bình thường, nhưng họ luôn biết che giấu ý đồ xâm hại tình dục trẻ em bằng những cách rất bình thường. Đừng bao giờ dạy con em mình rằng phải để người khác ôm hôn, thơm má, chạm vào cơ thể... và bảo chúng như vậy mới là ngoan, là "dễ thương". Vô tình, nó lại tạo điều kiện cho kẻ xấu làm nhuốm bẩn tâm hồn trong sáng của trẻ thơ.
Nhà văn Hoàng Anh Tú đã nêu góc nhìn rất thẳng, rằng số vụ xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng tăng, nhưng sự phát triển của mạng xã hội và trình độ tiếp nhận thông tin hiện đại khiến cộng đồng trở nên nhạy bén hơn, tích cực phản đối các biểu hiện ấu dâm, "đọc" những biểu hiện biến thái một cách rõ ràng, nhanh chóng, và hiểu đúng đắn hơn về chuyện "thế nào là âu yếm trẻ con đúng cách?".
Việc lạm dụng, xâm hại trong thời gian dài ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý của trẻ, như các em bé bị hại trong 3 vụ nghi án ấu dâm đang thu hút sự quan tâm khổng lồ từ dư luận hiện nay. Chúng bị mất đi tuổi thơ trong sáng, luôn cảm thấy giật mình sợ hãi, không muốn gặp ai, dễ khóc thét, nhạy cảm hơn, buồn bã hơn, tâm lý trở nên tiêu cực, nếu không can thiệp kịp thời và đúng phương pháp thì sẽ khó giúp trẻ chữa lành vết thương từ cơn ác mộng bị xâm hại. Kể cả khi lớn lên, dù có mạnh mẽ thế nào thì ký ức về chuyện từng bị sờ soạng, xâm hại tình dục cũng khiến con em chúng ta bị tổn thương sâu sắc, ám ảnh, khó thoát khỏi cuộc sống bi quan.
Phụ huynh đang chờ mất bò rồi mới làm chuồng?
"Tôi từng phát miễn phí hàng chục nghìn tờ rơi về kỹ năng bảo vệ trẻ sau vụ Minh Béo, rất nhiều phụ huynh tới xin. Nhưng sau Tết thì không ai xin nữa dù tôi tuyên truyền liên tục, và bây giờ khi 3 vụ xâm hại kia nóng lên thì lại quay lại xin. Tôi khuyên các bậc phụ huynh đừng mất bò mới lo làm chuồng, hãy dạy con bảo vệ bản thân ngay từ bây giờ, theo những cách như đối thoại, giả tình huống dạy con thoát ra khỏi kẻ ấu dâm, tìm clip trên mạng dạy thoát khỏi bị túm tóc, túm tay chân... để trẻ phản ứng nhanh, hình thành phản xạ khi gặp kẻ có hành vi xâm hại. Chương trình giáo dục giới tính không phải là điều đáng xấu hổ, nhạy cảm, không nên bỏ qua môn học này ở mọi cấp, nó phải là chương trình học xuyên suốt, có thực hành, kết hợp giữa gia đình và nhà trường.
Các bậc cha mẹ đừng bao giờ chủ quan, đợi đến khi con mình xảy ra chuyện mới vội vàng thay đổi suy nghĩ.
Mạng xã hội bây giờ là nơi rất thiếu an toàn, không cần nói thêm chắc nhiều phụ huynh hiểu. Ngoài ra tôi cũng muốn cảnh báo rằng, bố mẹ không nên lúc nào cũng mời tất cả mọi người về nhà mình, dễ tạo điều kiện cho kẻ có ý đồ xâm hại. Rất nhiều người quen hoặc lạ đến nhà chúng ta ở, có thể là anh em họ, chú bác họ... tất cả đều có nguy cơ xâm hại con em chúng ta. 6/10 vụ tôi từng giúp đỡ có thủ phạm là người thân như vậy, mà chính vì là họ hàng ruột thịt nên các gia đình càng khép kín với nhau, không nên như vậy. Đã đến lúc ta phải thay đổi nhận thức mạnh mẽ hơn, lên tiếng phản đối nạn xâm hại tình dục trẻ em, xử lý thích đáng những kẻ ấu dâm".
Ấu dâm có thể xảy ra ở mọi tầng lớp, không còn bó hẹp phạm vi vào những đối tượng học vấn thấp, ở vùng quê, miền núi nữa, kể cả dân công sở áo trắng cổ cồn cũng có thể là một tên yêu râu xanh đội lốt, chuyên gieo rắc nỗi sợ hãi cho trẻ thơ ở những nơi như trường học, ký túc xá... Chỉ cần cho chúng một chỗ vắng, cộng thêm sơ hở của trẻ em, sự nhút nhát khi bị đe dọa, là chúng dễ dàng trở thành mồi ngon cho những kẻ ấu dâm lạm dụng tình dục.
Zizi