Trung Quốc dùng Binh pháp Tôn Tử hòng khiến Ấn Độ không thể bán BrahMos cho đồng minh?
Binh pháp Tôn Tử cho tới ngày nay vẫn có giá trị ứng dụng rất cao trong thực tế, nó được coi là cuốn sách "gối đầu giường" của nhiều tướng lĩnh Quân đội Trung Quốc, họ đã triển khai tư tưởng trên ở Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2014.
Tại Zhuhai Airshow 2014, Trung Quốc gây cú sốc lớn cho giới quan sát khi trưng bày mô hình một loại tên lửa hành trình chống hạm siêu âm mang định danh CX-1 có hình dáng bên ngoài giống hệt Yakhont.
Điều cần lưu ý đó là nhằm mục đích tạo sự cân bằng trong khu vực, Nga đã bán độc quyền cho Trung Quốc tên lửa P-270 Moskit mà không đồng ý cung cấp loại P-800 Yakhont, rồi hợp tác với Ấn Độ để chế tạo phiên bản PJ-10 BrahMos. Vì vậy khi CX-1 xuất hiện tại triển lãm và được trưng bày cách tên lửa BrahMos chỉ vài gian hàng, phía Ấn Độ đã tỏ ra cực kỳ tức giận.
Tên lửa chống hạm siêu âm CX-1 trưng bày tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2014
Trước phản ứng của Ấn Độ, ông Vassily Kashin - chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moskva cho rằng CX-1 của Trung Quốc chỉ dựa một phần vào tên lửa đối hạm BrahMos và khẳng định: "Nga không bán loại tên lửa này cho Trung Quốc hoặc cung cấp đủ các số liệu kỹ thuật để cho Trung Quốc chế tạo".
Lời trấn an của ông Kashin tuy có thể làm yên lòng Ấn Độ phần nào nhưng chưa chắc các đối tác tiềm năng của New Delhi - những người có ý định đặt hàng tên lửa BrahMos cảm thấy yên tâm, vì họ lo ngại Bắc Kinh đã bằng cách nào đó đánh cắp được công nghệ của Yakhont, khiến ưu thế về sự bí mật trong tính năng kỹ chiến thuật không còn nữa.
Như đổ thêm dầu vào lửa, Trung Quốc còn tuyên bố rằng đây sẽ là vũ khí chủ lực cho các khu trục hạm mạnh nhất của hải quân nước này trong tương lai, bao gồm Sovremenny hiện đại hóa, Type 052C, hay thậm chí là cả Type 052D.
Đồ họa khu trục hạm Sovremenny nâng cấp của Hải quân Trung Quốc, có thể nhận thấy ống phóng tên lửa Moskit đã bị thay thế bằng loại YJ-12A
Tuy nhiên sau lần ra mắt ồn ào đó, CX-1 đã gần như rơi vào quên lãng rồi biến mất trong lặng lẽ, không có thông tin nào cho thấy nó đã được hoàn thiện để đưa vào biên chế. Các chiến hạm nêu trên cũng đều mang vũ khí khác, đó là YJ-12A cho Sovremenny nâng cấp, YJ-62 trang bị cho Type 052C, còn Type 052D vừa bắn thử thành công YJ-18 (bản sao của 3M-54E).
Điều này dẫn tới nhận định rằng phải chăng Trung Quốc đã áp dụng Binh pháp Tôn Tử khi cố tình mang tới triển lãm một loại vũ khí không có thật nhằm mục đích gây hoang mang cho đối thủ lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương là Ấn Độ, đồng thời khiến đồng minh của quốc gia Nam Á phải nghi ngại dẫn tới trì hoãn, thậm chí hủy bỏ ý định mua BrahMos?
Nhưng theo diễn biến mới nhất, có khả năng Ấn Độ đã thực hiện được hợp đồng xuất khẩu BrahMos đầu tiên, loại tên lửa này vẫn thu hút sự quan tâm lớn từ các khách hàng trong khu vực bất chấp "đòn gió" Trung Quốc tung ra.
Sao Đỏ