Trong thách thức, thơ ca càng cất tiếng và lan tỏa mạnh mẽ
Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm trên cả nước, đúng dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ viết bài thơ “Nguyên Tiêu” vào ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948). Đây là dịp công chúng yêu thơ trên cả nước tôn vinh những thành tựu thơ ca Việt Nam trong quá khứ, giới thiệu thơ ca đương đại trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước.
Ngày Thơ Việt Nam. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam |
Dù mỗi năm Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với một chủ đề khác nhau và mỗi chủ đề đều có một ý nghĩa riêng, đi qua nhiều cung bậc cảm xúc nhưng Ngày thơ Việt Nam đều hội tụ những tư tưởng nhân văn sâu sắc và truyền cảm hứng tới tất cả công chúng.
Đến nay, Ngày thơ Việt Nam càng được hoàn thiện hơn theo hướng đa dạng hóa về nội dung, lễ hội hóa về phương thức tổ chức thu hút đông đảo hàng triệu nhà thơ và công chúng yêu thơ trong và ngoài nước tham gia.
Theo đánh giá, Ngày thơ Việt Nam đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thơ của người dân. Đây không chỉ là một ngày hội mà còn là một sân chơi đầy bổ ích dành cho mọi lứa tuổi. Qua đó, khuấy động, kích thích không khí thơ, biến nó thành ngày hội trong sinh hoạt, sáng tạo, thưởng thức, giao lưu của công chúng và những người làm thơ, đồng thời tái hiện, hội nhập, tiếp bước và nâng cao, làm hiển minh những giá trị thi ca, lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc từ ngàn xưa.
Bên cạnh đó, Ngày thơ còn là sự biết ơn tiền nhân, tôn vinh thi ca quá khứ và kỳ vọng vào sự đổi mới của thi ca tương lai.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 20 năm 2022 có chủ đề “Hãy sống và hy vọng”, được tổ chức phù hợp với diễn biến dịch COVID-19 tại các địa phương.
Chủ tịch Hội Nhà văn - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhận định, Việt Nam là một dân tộc đặc biệt. Thơ ca luôn vang lên trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong mất mát, đau thương, hay niềm vui, hy vọng.
Ông đánh giá rằng, hai năm qua chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thơ ca lại có vẻ phát triển và nở rộ hơn. Trên mạng xã hội, những vần thơ lan tỏa mạnh mẽ, có đời sống phong phú. Không chỉ các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà những sinh viên, trí thức, người lao động… cũng bước vào thế giới này, mượn thơ để bày tỏ tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình. Đặc biệt, có những bài thơ, chùm thơ, thậm chí có cả những trường ca về đề tài phòng, chống dịch, nói về con người Việt Nam, bản lĩnh, thái độ sống, cách hành xử của mỗi người khi đối mặt với đại dịch.
“Chúng ta hoàn toàn có thể livestream đọc thơ, đăng tải những bài thơ lên mạng xã hội vào đúng ngày Rằm tháng Giêng như một cách sẻ chia tình yêu với thơ ca, đảm bảo tinh thần lễ hội của thơ ca không đứt đoạn cũng như làm cho những người yêu thơ cảm thấy ấm lòng hơn. Tôi tin rằng sẽ có nhiều hơn nữa những người yêu thơ có thể tiếp cận ngày một gần hơn với thơ ca dân tộc,” ông chia sẻ.