Tội ác man rợ của lính Pol Pot với quân tình nguyện Việt Nam: Trả thù cả người đã chết
LTS: Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, chưa khi nào lại tổ chức chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng lớn như trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Chỉ trong hơn một tháng, từ nhiều hướng mũi khác nhau, quân đội ta đã đánh tan quân đội Khơ me Đỏ, giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của nhiều tác giả xung quanh sự kiện đặc biệt này.
---
Bài 1: Cuộc hành quân thần tốc đầy bão tố của Lữ đoàn xe tăng 203: Tiêu diệt Khơ me Đỏ
Bài 2: Chuyển hướng chủ yếu, dời ngày N: Quyết định vô cùng chính xác trong Chiến dịch giải phóng Phnom Pênh
Bài 3: Bộ đội Việt Nam chiếm xe tăng Trung Quốc sản xuất để đánh Khơ me Đỏ: Type 62 đối đầu T-54 chịu sao được nhiệt!
Bài 4: Chiến tranh biên giới Tây Nam : Những "trái da láng" đáng sợ của... Thần chết
Bài 5: Chìa khóa giải phóng Phnom Pênh: Chiến thuật chưa từng có của Quân Việt Nam ở Campuchia
Bài 6: Những cú "liều" đứng tim của lính xe tăng Việt Nam ở Campuchia: Điểm huyệt Khmer Đỏ
Bài 7: Tiến công trong hành tiến - Thần tốc giải phóng Phnom Pênh: Khmer Đỏ không kịp trở tay
Bài 8: Chỉ nhanh thêm một chút, lực lượng truy kích của Quân đoàn 3 đã tóm sống được một thủ lĩnh "Khmer Đỏ"
Bài 9: Quân tình nguyện VN thần tốc giải phóng Campuchia và những phát hiện bất ngờ
Bài 10: Hạm đội Hải quân Việt Nam đầu tiên trong lịch sử và những chiến công vang dội ở Campuchia
Bài 11: Tướng Hoàng Kiền: Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi về vấn đề Campuchia
Bài 12: Giải phóng KoKong – trận đổ bộ lớn nhất trong lịch sử Hải quân Việt Nam: Không có trong sử sách tác chiến
---
Bài 13: Quân tình nguyện VN phải đánh để cướp xác đồng đội: Nghẹn lòng trước sự man rợ của lính Pol Pot
Từ thảm họa MH-370 tới hồi ức đau xót của lính tình nguyện Việt Nam
Rặng núi Aoral nằm phía đông nam đất nước Campuchia, ngăn cách vùng bồn địa biển Hồ với vịnh Thái lan. Rừng mưa nhiệt đới thâm u phủ kín dãy núi với những đỉnh cao hơn 1500m.
Gần đây, sau khi tin chắc chiếc phi cơ MH370 của hãng hàng không Malaysia rơi tại nơi này, anh em nhà thám hiểm Wilson người Anh đã thuê một đội thợ săn người bản xứ cùng đi tìm.
Những người lính tình nguyện Việt Nam trở lại vùng rừng Pursat gần chân núi Aoral. Ảnh: Trung Sỹ.
Cuối cùng, cả đội kiếm tìm cùng với các phương tiện định vị kỹ thuật hiện đại đã phải bỏ dở công việc sau khi suýt bỏ mạng. Vùng núi rừng này tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm với những ngọn thác cao ngất, những loài thú dữ, rắn độc luôn rình rập con người.
Xuân Tùng (bút danh Trung Sỹ) - Nguyên trung sỹ D4E2F9, Quân đoàn 4 tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc và là Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, tác giả cuốn Hồi ức Chuyện lính Tây Nam, NXB Thanh Niên.
Song, những người lính Việt Nam cách đây 40 năm trước, chỉ với tấm bản đồ quân sự 1/50.000 cùng những chiếc la bàn bình thường, họ đã in dấu chân mình dọc ngang từng xó xỉnh rừng hoang, từng hẻm núi heo hút, từng nguồn suối trong rặng núi Aoral bí hiểm này.
Chiến dịch Amleang thắng lợi, Tiểu đoàn 4 chúng tôi lùng sục truy quét sâu vào chân dãy núi Aoral tìm diệt, gọi hàng tàn quân Pol Pot. Một chính phủ không thể không có dân, một xã hội không thể không có người. Để có thể tồn tại được trên chính trường quốc tế, dẫu chỉ như một cái thây ma, Pol Pot lùa theo dân chúng vào trong rừng thẳm.
Khoảng đầu tháng 4 năm 1979, tại một bình độ phía đông nam triền núi, chúng tôi phát hiện một kho vũ khí địch giấu trong rừng.
Cũng tại nơi đây, chúng tôi đã thấy trong gùi những người dân bạn đang sắp chết đói những cẳng tay đồng loại được sấy khô.
Những hình ảnh không thể quên được, cực kỳ đau xót! Tiểu đoàn lính Việt đã phải san sẻ những ca inox gạo ít ỏi trong ruột tượng của mình để cứu dân, đưa họ ra khỏi rừng, tìm đường trở về quê cũ.
Họ vẫn là những con người may mắn, bởi trong rừng, chúng tôi đã thấy rất nhiều dân thường bị chết đói, bị hổ xé xác hay kỳ đà moi ruột.
Cho đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh khi thấy bầy kỳ đà ướt nhầy nhụa, ngúc ngoắc đuôi chui ra khỏi ổ bụng những xác người chết nằm ven dòng suối. Nhiều anh lính yếu bóng vía luôn đòi gác đôi ban đêm, vì lúc nào cũng thấy như có bóng người vật vờ trên đường bò, trong tiếng mõ trâu lốc cốc xa gần.
Tù binh lính Polpot bị quân tình nguyện Việt Nam bắt giữ
Nghẹn lòng trước sự man rợ của lính Pol Pot
Sau trận đụng độ dữ dội với địch ngày 15/4/1979. Đại đội 1 đưa tử sỹ về nằm cạnh đường bò chạy qua vị trí tiểu đoàn bộ trong cái phum bỏ hoang trong rừng, chờ mai xe trung đoàn vào đón. Năm chiếc túi nilon im lặng duỗi dài, xếp hàng dọc sát hàng cọc rào ngăn bò.
Cuối chiều đã thấy tiếng chim cú lợn đánh nhau nhức óc, giành chỗ đậu trên ngọn hàng dừa cụt phía đầu phum.Tôi ôm súng ra hố gác ca đầu. Chúng tôi vừa bật chốt mất người, không khí nặng nề bao trùm đơn vị.
Trung đội thông tin và vận tải tổ chức gác một vọng chung để canh tử sỹ và gác hướng thứ yếu, hướng đại đội 3 vừa được rút lên bảo vệ trung đoàn bộ. Sự cảnh giác, báo tin ngày về còn xa lắc.
Không gian sắp trở mùa, càng ngột ngạt hơn khi đêm tháng Tư chụp xuống. Màn đêm che giấu cảnh vật, đánh thức những cảm giác không tên mà ban ngày ta thường không thấy. Trong bóng tối, các giác quan hầu hết dựa cả vào đôi tai.
Quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam chiếm căn cứ Tà Sanh, thu toàn bộ vũ khí, khí tài của bọn Pol Pot-Ieng Sary. Ảnh: TTXVN
Tiếng lá dầu khô rơi, chạm giòn trên thảm mục, tiếng gió chui bụi le khô lào xào. Đôi lúc có thể nghe thấy tiếng kỳ đà trườn đến lạt sạt hay tiếng rũ lông rù rù của một con nhím lớn ở đâu đó. Cứ nghe tiếng lạt sạt trên lá khô, tôi lại nghĩ đến nhưng con kỳ đà kinh tởm chuyên ăn xác thối gặp bên bờ suối hôm ấy.
Sâu vọng mòn tai, thâm u trong một cao độ lẫn trường độ không đổi, ít người để ý nhưng vẫn văng vẳng nhẫn nại kia là tiếng côn trùng, là chính tiếng của đêm thẳm núi rừng.
Anh em tôi nằm kia, im phắc trong giấc ngủ thiên thu, không còn phải chờ ai gọi gác nữa. Mấy bữa trước, thấy thằng Tư đội cái mũ nhựa của lính Lon Nol còn nguyên cả lần quai đệm, tôi thích quá gạ đổi cái mũ cứng nhưng nó không đồng ý.
Giờ cái mũ đó hẳn đang chụp lên đầu một thằng lính Khmer Đỏ nào đó. Lúc đánh lên cướp được xác đồng đội đưa về, thấy cả chục mảng da đầu thằng Tư bị những nhát xẻng bộ binh băm lật lên bê bết máu.
Lũ chúng nó cư xử với thi hài anh em tôi như thế đấy, trong khi chúng tôi vẫn cư xử đàng hoàng nhân đạo với tù binh gọi được ra hàng. Trả thù những người đã chết là những hành động dã man không thể hiểu nổi, không phải của giống người.
Thoảng tiếng gió động êm trong không khí đặc quánh. Mấy con cú lợn giờ đã biết đích xác nguồn hơi, chao về đậu trên cành dừa cụt ngó xuống chỗ tôi chòng chọc. Một con không còn nhẫn nại được thêm nữa, sà xuống đậu ngay trên đầu cọc rào cạnh nơi mấy đứa nằm.
Tôi lượm hòn đất vụt ném mạnh vào con chim quái nhưng trượt. Nó lại lất phất vật vờ bay lên ngọn dừa dòm xuống như trêu ngươi.
Người với chim diễn với nhau đoạn phim câm trong đêm cảnh đó đến mấy lượt. Cuối cùng điên tiết hết cả kiên nhẫn, tôi lật khóa nòng định lia chết con chim nhưng dừng lại kịp. Cả khoảng rừng tối bỗng bừng lên trong một thứ ánh sáng xanh lá mạ. Ánh sáng lạnh ma quái từ hai phát pháo hiệu, chỉ cách vị trí hầm gác chừng hơn cây số.
Quân của Pol Pot ở căn cứ Tà Sanh ra đầu hàng quân đội cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam sau khi căn cứ này bị đánh chiếm, ngày 28/3/1979. Ảnh: TTXVN
Một lát, anh Mão ra hầm đốc gác, nói pháo hiệu địch bắt liên lạc đó, lực lượng nó cấp tiểu đoàn đang bâu bám đó, việc canh gác phải cẩn thận.
Tiếng hú bầy chợt dựng lên man rợ. Âm thanh chói xiết rít lên ban đầu dần loang xa như tiếng thở dài não nuột. Tiếng hú của đạn hỏa tiễn. Rừng cháy bén vào một kho H.12 hay DKB của địch giấu gần đâu đó.
-
Chiến tranh biên giới Tây Nam: Những trái "da láng" đáng sợ của... Thần chết
Đạn phản lực chưa lắp ngòi bắt lửa phóng vọt lên không trung như giàn sao chổi. Mùi thuốc phóng khét nồng trải tàn đêm hiện thực trong khu rừng hung hiểm.
Mấy ngày hôm sau, đơn vị chúng tôi được lệnh luồn sâu cấp chiến dịch. Một trung đoàn bộ binh với đầy đủ hỏa lực nặng, bao gồm cả các đại đội pháo DK 75mm, cối 120mm đã trèo vượt qua những đỉnh mây mù cao ngất của rặng núi Aoral cao ngất này.
Cuối năm 2018 vừa rồi, khi cùng đoàn làm phim tài liệu quay trở lại vùng rừng Pursat gần chân núi, các bạn đạo diễn, quay phim trẻ hỏi đùa có cần phải trèo lên dựng lại quãng đường gian khổ khốc liệt này không? Tôi ngắm rặng núi chìm trong màu mây bạc cuối tháng mùa khô, chạnh lòng nghĩ điều này đã trở thành không thể.
40 năm đã trôi qua, núi Aoral vẫn xanh mà tóc lính già thì đã bạc, chỉ những con chim đêm ăn xác, những con kỳ đà nhẫy ướt là chẳng khi nào chịu bay, chịu chui ra khỏi đầu.
Trung Sỹ