Tổ chức lễ hội nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam: Biết lỗ nhưng vẫn phải làm
Nguồn gốc và ý nghĩa lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ngày 9/8 âm lịch Hội nghinh Ông là gì? Vì sao hội này được coi là lễ hội nước lớn nhất của ngư dân? Hàng trăm chiếc đèn lồng Hội An "chu du" tới Đức |
Monsoon Music Festival tổ chức lần gần nhất là tháng 11/2017. (Ảnh: Báo Công Lý) |
Mới đây, nhạc sỹ Quốc Trung –Tổng đạo diễn của Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) thông báo: Lễ hội năm 2019 đã được cấp phép và sẽ chính thức diễn ra từ ngày 01/11 đến 03/11/2019. Đây thực sự là tin vui đối với những ai yêu nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng tại Việt Nam, đặc biệt ở trong bối cảnh Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (MMF) liên tục lỗ, thậm chí lỗ nặng sau nhiều năm tổ chức. Nhạc sỹ Quốc Trung từng khẳng định, để thực hiện Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa – Monsoon Music Festival, năm nào anh và ê kíp cũng phải chịu lỗ.
Theo đó, MMF được sản xuất một phần bởi kinh phí từ nhà tài trợ và bởi chính nhạc sỹ: “Bán vé chưa bao giờ đem lại nguồn thu nên chúng tôi phải tìm nhà tài trợ. Dù có nhiều khó khăn, tôi nghĩ, MMF sẽ không dừng lại vì bản thân tôi không muốn dừng lại”. Quốc Trung cho biết, nhiều doanh nghiệp, bạn bè biết khó khăn của Monsoon nên đã chia sẻ với anh bằng cách gửi tiền mà giấu tên hay gửi tiền ủng hộ mà không có bất cứ yêu cầu nào. Thêm vào đó, có những đối tác sản xuất cũng miễn phí chi phí đóng góp của họ. Có thể nói, dù gặp phải muôn vàn khó khăn nhưng với tầm nhìn cũng như tâm huyết, của mình, MMF vẫn sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
Nhạc sỹ Quốc Trung. (Ảnh: VnExpress). |
Đây cũng chính là nguồn động lực về vật chất và quan trọng hơn là nguồn động viên tinh thần để ê kíp tiếp tục làm MonSoon, đưa đến cho khán giả cả nước một lễ hội âm nhạc quốc tế đúng nghĩa, nơi mà các giá trị âm nhạc được tôn vinh. Khán giả sẽ được đắm mình trong không gian âm nhạc đầy văn minh, tiếp cận với các xu hướng âm nhạc của các nước trên thế giới.
Nhạc sỹ cũng lý giải, một trong những lý do khiến âm nhạc nước nhà tụt hậu là các nghệ sỹ chỉ cố tạo ra những gì khán giả muốn nghe hoặc đã biết thay vì thử sức sáng tạo. "Nó dẫn tới việc có nhiều công nhân âm nhạc hơn là nghệ sỹ", Quốc Trung khẳng định.
Theo anh, điều cần làm trước mắt là phải thay đổi nhận thức, tư duy về âm nhạc của công chúng, có như vậy nghệ sỹ mới bắt đầu có áp lực sáng tạo và dũng cảm thử sức với những điều mới, thúc đẩy nền công nghiệp âm nhạc phát triển. Việc nhạc sỹ khởi xướng lễ hội âm nhạc gió mùa hàng năm không gì khác ngoài mục đích thay đổi tư duy, nhận thức nghệ thuật của người Việt.
Thực tế, lễ hội âm nhạc do nhạc sỹ Quốc Trung khởi xướng không phải là trường hợp duy nhất rơi vào tình thế lỗ vốn nhưng vẫn "cắn răng" làm. Ra mắt cùng thời điểm và được cho là một trong những lễ hội pháo hoa quốc tế lớn nhất khu vực, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng- DIFF luôn được báo chí truyền thông mô tả với những cụm từ: lộng lẫy, ngoạn mục, ấn tượng, hoành tráng… Nhưng có một tính từ ít khi được đề cập, đó chính là... “lỗ”. Mỗi năm, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng “đốt” của nhà tổ chức cả trăm tỷ đồng.
Trên thực tế, Đà Nẵng dành khá nhiều cuộc họp trong năm 2014 để bàn cách tổ chức lại cuộc thi này vào năm 2015. Mùa hè năm 2014, thay vì chuẩn bị đón khách và quảng bá rầm rộ như mọi năm thì lãnh đạo thành phố lại ngồi với công ty tổ chức sự kiện, để bàn một vấn đề quan trọng, đó là kinh phí tổ chức.
Những năm trước đó, TP Đà Nẵng là nhà tổ chức sự kiện, TP thuê một công ty tư nhân lo phần quảng bá và thu hút tài trợ. Năm 2014, trong các cuộc họp, ý tưởng “xã hội hóa mạnh mẽ”- giao lại toàn bộ việc tổ chức cho một doanh nghiệp được đưa ra. Nhưng bài toán tổ chức lễ hội pháo hoa đơn giản đến mức khó chịu: làm chắc chắn lỗ.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. (Ảnh: Dân trí). |
Việc thu hút tài trợ khó khăn, số lượng vé bán ra trong 2 ngày không thể bù đắp được kinh phí hàng chục tỷ đồng. Phía đối tác đề nghị, ngay cả khi họ “cầm chịch”, thì thành phố vẫn phải hỗ trợ tiền mặt và phụ trách nhiều hoạt động hậu trường.
Những cuộc họp về tổ chức pháo hoa năm 2015 kéo dài cho đến tận nửa cuối năm 2014. Năm sau đó, sự kiện được tổ chức trở lại, nhưng vẫn chỉ với 2 đêm trình diễn và … thành phố vẫn “chủ chi”.
Phải đến năm 2017, ý tưởng giao lại toàn bộ cuộc thi này cho một doanh nghiệp mới trở thành hiện thực. Một Tập đoàn đứng sau nhiều thành công của du lịch Đà Nẵng, chính thức tiếp quản Lễ hội pháo hoa quốc tế và khoác cho nó một tấm áo mới.
Bài toán của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) vẫn đơn giản như ngày đầu: làm chắc chắn lỗ. Từ năm 2016 đến nay, theo thống kê mỗi năm nhà đầu tư lỗ khoảng 100 tỷ đồng cho sự kiện này. Năm 2019, tổng kinh phí của lễ hội vào khoảng 140 tỷ đồng, trong khi đó khoản tài trợ chỉ có 31 tỷ và tiền bán vé là 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù liên tục lỗ nặng sau nhiều năm nhưng BTC vẫn quyết tâm làm. Lý do của cuộc "bạo chi" này là “cùng Đà Nẵng tạo nên một điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu lục, xây dựng thương hiệu thành phố pháo hoa mang tầm quốc tế cho Đà Nẵng”.
Với sự chung tay của các doanh nghiệp, Lễ hội pháo hoa được mở rộng quy mô, thay vì diễn ra trong 2 ngày như trước kia, sự kiện được tổ chức hàng tháng trời với nhiều đêm biểu diễn. Những con số đo hiệu quả cũng tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2008, khi Lễ hội pháo hoa đầu tiên được tổ chức, số lượt khách tham dự được thống kê là 30.000 người. Năm 2018, số vé bán ra đã lên tới 82.000.
Và năm 2019, tổng số khách lưu trú tại Đà Nẵng trong thời điểm diễn ra lễ hội pháo hoa là 110.000 người, gấp rưỡi trung bình các tháng khác trong năm.
Rất dễ thấy những cái "lãi" của Đà Nẵng sau 10 năm tổ chức pháo hoa. Thương hiệu du lịch Đà Nẵng được nâng tầm ở mọi mặt. Phần thi của đội JoHo Pyro đã được Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam chia sẻ trên facebook: nó thực sự trở thành một cuộc thi quốc tế và các đội thi thực sự đại diện cho niềm tự hào quốc gia của họ, thay vì là một nhóm các công ty bắn pháo hoa tới chung tay tổ chức 2 đêm hội.
Đà Nẵng trở thành điểm đến hứa hẹn của khách du lịch quốc tế. (Ảnh: Báo Tổ quốc). |
Quan trọng hơn, Đà Nẵng đã vun đắp được một nền tảng thương hiệu vững chãi để sử dụng lâu dài. Thương hiệu này hiện nay đang được gọi tên là “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”.
Bài toán của pháo hoa Đà Nẵng, về bản chất, làm là lãi. Nhưng ở bài toán cụ thể hiện nay, làm là lỗ. Ranh giới giữa “lãi” và “lỗ” thực chất được phân định bằng tầm nhìn, và khả năng khai thác thương hiệu tương lai của những người mang tầm nhìn đó.
Chặng đường không trải hoa hồng của một sự kiện hàng đầu Việt Nam, là bài học quan trọng cho nhiều địa phương, nhiều nhà sản xuất khi hoạt động festival văn hóa - nghệ thuật đang ngày càng được đề cao trong xúc tiến du lịch nước nhà.
Bên cạnh những lễ hội kể trên, mới đây, Trung tâm châu Á - Quỹ Giao lưu quốc tế phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các cơ quan văn hóa, Đại sứ quán Nhật Bản và các nước ASEAN tại Việt Nam đã tổ chức Đại nhạc hội ASEAN - Nhật Bản 2019 (ASEAN - JAPAN Music Festival 2019) với chủ đề "Ước nguyện hòa bình".
Chương trình Đại nhạc hội ASEAN - Nhật Bản 2019 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, là một trong những sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về "Ngày ASEAN - Nhật Bản" (ASEAN - JAPAN day) được thống nhất với nguyên thủ các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN năm 2018. Chương trình được dàn dựng bởi Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Đại sứ đặc biệt Nhật Bản - ASEAN Sugi Ryotaro lên ý tưởng nghệ thuật và đồng sản xuất chương trình.
Năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên trở thành nơi đăng cai tổ chức Đại nhạc hội ASEAN - Nhật Bản. (Ảnh: VTV.VN). |
Với sự tham gia của nhiều ngôi sao hàng đầu các nước ASEAN và Nhật Bản, chương trình mang tới nhiều tiết mục đặc sắc hướng tới việc tôn vinh những nét đẹp văn hóa của các dân tộc giàu truyền thống. Những nét riêng biệt và tương đồng của văn hóa Á Đông được hòa quyện cùng tinh thần đoàn kết, thống nhất, hướng tới sự hợp tác cùng phát triển vì một thế giới hòa bình trong thời đại mới.
Chương trình không chỉ tôn vinh nét đẹp văn hóa các dân tộc giàu truyền thống mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa các nước trong khu vực và hướng tới sự phát triển bền vững. Thông qua những bài hát Pop trẻ trung, sôi động, chương trình hứa hẹn tạo sự kết nối giữa giới trẻ của các quốc gia, góp phần tăng cường sự hiểu biết, cùng chung tay vun đắp một nền hòa bình khu vực.
Có thể nói, những lễ hội nghệ thuật quốc tế tổ chức ở nước ta dù bán vé hay không bán vé đều mang trong mình "sứ mệnh" cao cả là truyền đạt những giá trị nhân văn, nâng cao nhận thức của khán giả, quảng bá hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế quốc gia, thúc đẩy nền văn hóa - du lịch nước nhà phát triển. Vì thế, câu chuyện trong việc tổ chức lễ hội nghệ thuật tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là bài toán lỗ - lãi theo mùa, mà cần có tầm nhìn xa cùng tư duy cộng hưởng tích cực của các ban ngành.
Bún nem, chè đỗ xanh Việt Nam tham gia Lễ hội Ẩm thực ASEAN 2019 tại Myanmar Sáng 17/8, Đại sứ quán Việt Nam cùng Đại sứ quán các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ tại Myanmar ... |
Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc 2019: Sẽ thi tìm kiếm tài năng và có 20 gian hàng ẩm thực Dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và sự hỗ trợ từ thành phố Seoul, Hội người Việt Nam ... |
"Kỳ diệu" văn hoá Asian tại Bulgaria Với chủ đề “Kỳ diệu phương Đông”, Festival Asian 2019 đã gây ấn tượng mạnh với du khách Bulgaria và quốc tế khi giới thiệu, ... |
Đưa văn hoá Việt Nam đến gần hơn với người dân Nhật Cuối tuần qua, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản 2019 đã được tổ chức tại công viên Yoyogi ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Qua 11 ... |
Lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức ở đâu? Lễ hội Bà Thu Bồn là một lễ hội dân gian của cư dân ven sông Thu Bồn, với mục đích cầu nguyện một năm mới ... |
Về Hải Phòng dự Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2019, đừng quên ghé thăm những địa điểm này Hải Phòng đang ngày càng trở nên nổi tiếng và để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ cho tất cả mọi người. Dưới đây là ... |
Vì sao tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn còn lan tỏa sức sống đến ngày nay? Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến ngày nay vẫn được duy trì và luôn giữ vị ... |
Hứa hẹn nhiều bất ngờ tại Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2019 TĐO-Với chủ đề “Những dòng sông kể chuyện”, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2019 (DIFF 2019) sẽ diễn ra trong vòng hơn ... |