Tin COVID hôm nay sáng 22/4: Số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại trên thế giới
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 507.577.649 ca, trong đó có tổng cộng 6.235.065 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 459 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 41 triệu ca và trên 42.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Medellin, Colombia (Ảnh: TTXVN) |
Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 24 giờ qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 134.000 ca), trong khi Anh là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 640 ca.
Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 261 ca tử vong. Trong ngày 21/4, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 21.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (124 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác. Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Petah Tikva, Israel ngày 1/2/2022 (Ảnh: TTXVN) |
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Singapore.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với tổng cộng hơn 187,9 triệu ca mắc và hơn 1,8 triệu ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 146,4 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 97,6 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong, trong khi Nam Mỹ có hơn 56,6 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong.
Đến nay, COVID-19 chưa chính thức được coi là bệnh đặc hữu trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi các biện pháp phòng ngừa bệnh chuyển biến nặng được tăng cường, COVID-19 vẫn nghiêm trọng hơn bệnh cúm. Đáng chú ý, một nữ nhân viên y tế ở Tây Ban Nha đã mắc COVID-19 hai lần trong vòng 20 ngày. Đây được cho là khoảng thời gian ngắn nhất giữa hai lần mắc được ghi nhận kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, hiện có hơn 82,4 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 1 triệu ca tử vong. Trong bối cảnh nhà chức trách bang Miami đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, các chuyên gia y tế vẫn khuyến nghị người dân duy trì việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và khi đến các khu vực khép kín có đông người tụ tập.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 có thể tiếp tục sử dụng các loại khẩu trang chất lượng cao để bảo vệ bản thân. Theo bà Emily Sickbert-Bennett, Giám đốc phòng chống nhiễm trùng tại Trung tâm Y tế UNC, duy trì đeo khẩu trang khi những người khác không đeo vẫn có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus, song không thể hiệu quả như khi tất cả mọi người đều đeo khẩu trang.
Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho biết Mexico có thể tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong giảm liên tiếp trong vòng một tháng qua xuống còn bình quân gần 2.000 ca nhiễm/ngày và 40 ca tử vong/ngày. Theo dự báo của PAHO, đại dịch ở Mexico nhiều khả năng kết thúc vào tháng 5 tới, khi phần lớn dân số trên 18 tuổi sẽ được tiêm 1-2 liều vaccine tăng cường và triển khai tiêm cho trẻ trên 5 tuổi.
Tại châu Á, Thái Lan đang xem xét nới lỏng hơn nữa các hạn chế về nhập cảnh, kể cả việc rút ngắn thời gian cách ly đối với những người chưa được tiêm chủng và điều chỉnh chương trình “Xét nghiệm và Lên đường” (Test & Go) dành cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Trước đó, Bộ Y tế nước này đã đề xuất nới lỏng các biện pháp xét nghiệm đối với du khách nhập cảnh.
Thời gian cách ly đối với những du khách chưa được tiêm phòng có thể giảm xuống, nếu hệ thống cách ly đáng tin cậy được thiết lập. Chương trình “Test & Go” dành cho khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ và những người Thái Lan về nước cũng có thể được điều chỉnh khi các quốc gia khác đã nới lỏng những hạn chế nhập cảnh. Dự kiến, những thay đổi sẽ có hiệu lực từ 1/5.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang từng bước đưa việc dạy và học trở lại bình thường khi số ca mắc đã giảm xuống dưới 100.000 ca/ngày. Bắt đầu từ ngày 1/5, tất cả học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn Hàn Quốc sẽ trở lại trường học trực tiếp, với chương trình các môn học và hoạt động ngoại khóa như bình thường.
Việc xét nghiệm COVID-19 cũng sẽ được thay đổi thành “tự nguyện”. Các hoạt động như các khóa học trải nghiệm quy mô nhỏ dựa trên các lớp học và năm học sẽ được bắt đầu tổ chức lại, trong khi việc tổ chức các chuyến đi thực tế hay phải lưu trú ở nơi khác sẽ do nhà trường quyết định sau khi trưng cầu ý kiến của giáo viên và học sinh. Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyến nghị các trường cao đẳng, đại học hoàn toàn có thể chuyển đổi hình thức giảng dạy trực tuyến sang giảng dạy trực tiếp tùy theo tình hình thực tế.
Tại Trung Quốc, khu hành chính đặc biệt Hong Kong đã nới lỏng giãn cách theo từng giai đoạn từ ngày 21/4 nhằm từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội. Trong giai đoạn 1, các nhà hàng được phục vụ khách ăn tại chỗ đến 22h00, thay vì 18h00. Khách hàng phải quét mã QR bằng ứng dụng di động “An tâm xuất hành” trước khi vào quán và nhân viên sẽ kiểm tra “thẻ thông hành vaccine” của khách. Chính quyền Hong Kong cũng đã cho phép mở cửa trở lại các cơ sở thể thao trong nhà và ngoài trời, trung tâm thể dục, thẩm mỹ viện, địa điểm giải trí công cộng, bảo tàng, triển lãm, rạp chiếu phim cũng như các cơ sở tôn giáo...
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Chicago, trong thời gian trước khi xuất hiện biến thể Omicron, việc mắc COVID-19 có triệu chứng ở những người chưa tiêm vaccine sẽ tạo miễn dịch ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm tương tự như tiêm vaccine công nghệ mRNA và khả năng bảo vệ thậm chí dài hơn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người từng mắc COVID-19 có khả năng bảo vệ lên đến 85% trước nguy cơ tái nhiễm, giảm 88% nguy cơ nhập viện. Mức độ bảo vệ này ổn định và không giảm trong thời gian lên đến 9 tháng kể từ lần nhiễm đầu tiên. Các nhà nghiên cứu cho rằng phát hiện này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách vaccine và y tế cộng đồng vì cho thấy khả năng miễn dịch tự nhiên trước nguy cơ bệnh nặng và nhẹ tương tự như vaccine công nghệ mRNA tạo ra.
Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của vaccine trước nguy cơ bệnh nhẹ đã cho thấy sự giảm dần sau 6 tháng. Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế nhận định dù việc mắc COVID-19 có thể tạo ra khả năng bảo vệ tương tự như vaccine công nghệ mRNA, nhưng tiêm chủng vẫn là biện pháp an toàn hơn đáng kể để có được khả năng miễn dịch đó.