Tìm giải pháp hiệu quả giảm thiểu tai nạn thương tích tại Việt Nam
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày 32 báo cáo khoa học trong phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề, tập trung vào các nội dung: phòng chống thương tích do giao thông đường bộ; sơ cấp cứu và phục hồi chức năng sau tai nạn thương tích; phòng chống đuối nước và các tai nạn thương tích trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích khác tại cộng đồng.
Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 4 về phòng, chống tai nạn thương tích. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm tai nạn thương tích khiến 4,4 triệu người tử vong, chiếm gần 8% tổng số ca tử vong toàn cầu. Tại Việt Nam, tai nạn thương tích gây ra hơn 30.000 ca tử vong mỗi năm, chiếm 7,1% tổng số tử vong. Tai nạn giao thông, đuối nước và tai nạn lao động là những nguyên nhân hàng đầu.
Trong phiên thảo luận, bà Đoàn Thị Thu Huyền, đại diện Tổ chức Chiến dịch Campaign For Tobacco-Free Kids, đưa ra 6 khuyến nghị để duy trì bền vững chương trình phòng chống đuối nước trẻ em. Trước tiên, cần xác định phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em là vấn đề liên ngành và trách nhiệm trước hết của gia đình và người chăm sóc trẻ. Do đó can thiệp phòng chống đuối nước cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Nâng cao năng lực cho các bộ ngành, tổ chức, về phòng chống đuối nước trẻ em và tổ chức tập huấn giáo viên giáo dục thể chất về tổ chức dạy bơi an toàn tại trường học cũng là khía cạnh cần được quan tâm.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách và có cơ chế linh hoạt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân phối hợp với các trường học đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và tổ chức các lớp dạy bơi an toàn cho học sinh trong những tháng nghỉ hè. Các nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả can thiệp và tác động của các biện pháp can thiệp tới kinh tế, xã hội, hiệu quả đầu tư và đặc biệt là ảnh hưởng của đuối nước đến các hộ gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em. Cuối cùng, cần tiếp tục triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi an toàn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ.
Bà Đoàn Thị Thu Huyền, đại diện Tổ chức Chiến dịch Campaign For Tobacco-Free Kids, đưa ra các khuyến nghị tại chuyên đề về phòng chống đuối nước trẻ em. |
Đồng quan điểm, bà Lương Mai Anh, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã tham gia ký kết Kế hoạch liên ngành về Phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030 giữa Bộ Lao Lao động - Thương binh & Xã và 9 bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm liên quan. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án liên quan (Luật Phòng bệnh, đề án phát triển y tế trường học) và tăng cường triển khai các can thiệp cụ thể như dạy bơi, loại bỏ nguy cơ thương tích tại nhà, trường học, nơi công cộng song song với triển khai truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống tai nạn thương tích trên các kênh truyền thông và tại cơ sở y tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Nho Huy cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ duyệt đề án Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2035, với mục tiêu nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước trong học sinh và tăng tỷ lệ trẻ em biết bơi.
Hội nghị khoa học quốc gia về phòng, chống tai nạn thương tích lần thứ 4 đã tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ những sáng kiến và kết quả nghiên cứu mới nhất. Các khuyến nghị từ hội nghị sẽ giúp tăng cường hiệu quả của các chính sách và biện pháp can thiệp, góp phần giảm thiểu gánh nặng tai nạn thương tích, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống đuối nước trẻ em, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo thông tin tại hội nghị, hiện nay trung bình vẫn có 2.000 trẻ tử vong do đuối nước tại Việt Nam mỗi năm. Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao hơn gấp 10 lần các nước có thu nhập cao. Chương trình quốc gia Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đặt mục tiêu giảm 10% số ca tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030. Dự án phòng chống đuối nước, được triển khai tại 12 tỉnh với sự hỗ trợ từ Quỹ Từ thiện Bloomberg, đã đào tạo hơn 2.200 cán bộ và hướng dẫn 52.250 trẻ học kỹ năng an toàn, góp phần giảm thiểu rủi ro đuối nước. |