Tìm đường đến chiếc máy bay mất tích MH370
Mảnh vỡ được phát hiện ở bãi biển Saint-André trên đảo Réunion tại Ấn Độ Dương hôm 29-7 Ảnh: REUTERS
Các nhà điều tra an toàn hàng không xác nhận mảnh vỡ mới tìm được là phần cánh máy bay Boeing 777, cùng loại với chiếc MH370 mất tích hơn 500 ngày qua.
Cơ quan điều tra tai nạn hàng không BEA của Pháp hôm 30.7 cho biết đang xem xét một mảnh vỡ máy bay nghi của chiếc MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines - biến mất bí ẩn cùng với 239 người hôm 8.3.2014 - nhưng cho biết còn quá sớm để rút ra kết luận. “BEA đang phối hợp với các đồng nghiệp Malaysia và Úc để điều nghiên thông tin trên bộ phận máy bay tìm được” - người phát ngôn BEA tuyên bố.
Mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trên đảo Réunion thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương hôm 29.7. Nhà chức trách đảo Reunion và Bộ Tư pháp Pháp ra tuyên bố khẳng định “không thể loại trừ bất cứ giả thuyết nào, bao gồm nhận định mảnh vỡ thuộc máy bay Boeing 777”.
Theo hãng tin AP, các chuyên gia, trong đó có những nhà điều tra an toàn hàng không của hãng Boeing, xác nhận mảnh vỡ nêu trên là phần cánh máy bay Boeing 777, cùng loại với MH370. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Úc Warren Truss nhận định số hiệu 657BB được đóng trên mảnh vỡ có thể giúp nhanh chóng xác định nó có thuộc về MH370 hay không. Theo ông, đây có thể là một loại số bảo dưỡng nào đó.
Malaysia hôm 30.7 cho biết đã cử một nhóm chuyên gia đến đảo Réunion. Thứ trưởng Giao thông Malaysia Abdul Aziz Kaprawi, một thành viên của đoàn, nói Malaysia gần như chắc chắn rằng mảnh vỡ trên là của máy bay Boeing 777. Đáng lưu ý, theo hãng tin Reuters, có 4 tai nạn nghiêm trọng liên quan đến máy bay Boeing 777 trong vòng 20 năm qua kể từ khi loại máy bay thân rộng này đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ một mình MH370 được cho là đã rơi ở phía Nam đường xích đạo.
Nếu xác định đây là một bộ phận của MH370, các chuyên gia sẽ tính toán đường đi của mảnh vỡ này để xác định nó trôi từ đâu đến, mặc dù họ thận trọng cho rằng điều đó ít có khả năng giúp tìm ra nơi máy bay “yên nghỉ” ngoài đại dương bao la, vốn đã được lùng sục tìm kiếm trong nhiều tháng trời.
“Mảnh vỡ này nằm ở trong nước lâu ngày. Nếu nó là của MH370 thì trong vòng hơn 1 năm nay, máy bay có lẽ đã dịch chuyển xa đến nỗi khó có thể lần ra. Thế nhưng, chắc chắn nó sẽ giúp xác định đúng khu vực tìm kiếm” - Phó Thủ tướng Úc Truss nhấn mạnh.
Một số manh mối khác có thể xuất phát từ chính mảnh vỡ. Các chuyên gia có thể định tuổi những con hàu bám vào để xác định mảnh vỡ ở trong nước bao lâu hay trôi từ vùng biển nào đến. Tuy nhiên, chuyên gia Dave Gallo, người đứng đầu cuộc tìm kiếm chuyến bay 447 của Hãng Air France rơi ở Đại Tây Dương năm 2009, cảnh báo rằng việc vạch lại con đường trôi dạt của mảnh vỡ có thể khiến các nhà điều tra bị lạc đường. “Chúng tôi từng lùng sục trong khu vực đó 2 tháng trời mà chẳng tìm được gì cả. Tìm kiếm một vật gì đó sau 500 ngày là một nhiệm vụ khó khăn” - ông Gallo lưu ý.
Thân nhân của các hành khách Trung Quốc trên chuyến MH370 yêu cầu nhanh chóng có sự xác nhận về nguồn gốc của mảnh vỡ nêu trên. “Không cần biết mảnh vỡ ấy ở đâu, điều chúng tôi quan tâm nhất là tung tích người thân của chúng tôi. Liệu máy bay có đáp ở đâu đó?” - thông cáo của những thân nhân này được tải lên mạng xã hội trưa 30-7 nêu rõ. Trong số 227 hành khách trên MH370, có 153 người Trung Quốc.
Cảnh sát Reunion ngày 30/7 đã phát hiện một chiếc balô rách nát ở gần khu vực phát hiện ra mảnh vỡ máy bay nghi là của chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 thuộc hãng Malaysia Airlines. (Nguồn: Twitter)
Nga phủ quyết việc lập phiên tòa quốc tế vụ MH17 Nga hôm 29.7 đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) về việc lập phiên tòa quốc tế để truy tố những người bị nghi bắn rơi chuyến bay MH17 chở 298 người của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine hồi tháng 7-2014. Dự thảo nghị quyết này - do Malaysia, Úc, Hà Lan, Bỉ và Ukraine đề xuất - nhận được sự ủng hộ của 11/15 nước thành viên Hội đồng Bảo an, trong lúc 3 nước bỏ phiếu trắng còn Nga bỏ phiếu chống. Theo quy định, một dự thảo nghị quyết cần 9 lá phiếu ủng hộ và không bị quốc gia nào tarong số 5 thành viên thường trực (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp) phủ quyết. Thủ tướng Úc Tony Abbott và Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Samantha Power, chỉ trích động thái trên của Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khẳng định Malaysia, Úc, Hà Lan, Bỉ và Ukraine sẽ tìm con đường khác để đưa thủ phạm vụ MH17 ra trước công lý. Đáp lại, Nga đưa ra dự thảo nghị quyết của riêng mình, trong đó kêu gọi vai trò lớn hơn của LHQ trong cuộc điều tra. Theo Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin, việc thiết lập tòa án quốc tế lúc này vẫn còn quá sớm và Moscow “sẵn sàng hợp tác tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ, độc lập và khách quan”. |
Theo Người lao động