Tiếp bước cha anh, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
Trước khi tham quan, học tập tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Phú Quốc, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 563 đã tổ chức dâng hoa, dâng hương tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ - những người con kiên trung, bất khuất đã hiến trọn tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Sau khi dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại đảo ngọc, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tham quan, tìm hiểu những nét chính về quá trình xây dựng, tồn tại của Nhà tù Phú Quốc; các hình thức tra tấn của cai ngục đối với tù binh cộng sản và tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 563 dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. |
Binh nhì Binh nhì Đoàn Thanh Tài, Trung đội 2, Đại đội 25, Tiểu đoàn 563 chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham quan di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Phú Quốc. Qua tìm hiểu và nghe giới thiệu về những hình thức tra tấn tàn khốc của kẻ thù đối với các chiến sĩ cách mạng, tôi rất xúc động và nể phục trước tinh thần quật cường, kiên trung, dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ”.
Binh nhì Phạm Vũ Linh, Trung đội 6, Đại đội 26, Tiểu đoàn 563 nói: “Buổi tham quan, học tập hôm nay giúp tôi hiểu hơn về những hi sinh, mất mát to lớn của thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp xây dựng và bảo Tổ quốc. Vinh dự, tự hào là người chiến sĩ Hải quân, tôi nguyện nỗ lực tiếp bước truyền thống, ra sức học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Chiến sĩ mới nghe hướng dẫn viên giới thiệu các hình thức tra tấn tù binh của bọn cai ngục. |
Buổi tham quan, học tập là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, giúp các chiến sĩ mới hiểu rõ hơn về lịch sử, tinh thần quả cảm của các chiến sĩ cách mạng đã từng bị địch bắt và giam giữ tại Nhà tù Phú Quốc. Từ đó, nhân lên lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Thiếu tá Phạm Hữu Trường, Chính trị viên Tiểu đoàn 563 cho biết: “Nhà tù Phú Quốc từ lâu đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Việc tổ chức cho chiến sĩ mới tham quan, học tập tại đây đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bồi đắp lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên bộ đội yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Nhà tù Phú Quốc còn gọi là Nhà lao Cây Dừa, nằm trên địa bàn phường An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang), được xây dựng từ năm 1953 và tồn tại đến khoảng năm 1973. Với diện tích khoảng 40 héc-ta với gần 500 nhà giam, Nhà tù Phú Quốc từng là nơi giam cầm gần 40.000 tù binh, phần lớn là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ dân chính đảng và người dân yêu nước. Trong số này, có khoảng 4.000 tù binh bị giết hại, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế. Nơi đây chính là bức tranh lột tả chân thực nhất về tội ác tàn bạo, dã man của kẻ thù đối với các chiến sĩ cách mạng. Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng 14 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có Nhà tù Phú Quốc. |