Thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới (1986), Nhà nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người nói chung, trong đó quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có những bước tiến nổi bật.
Sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo được bảo đảm. Là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo nhưng ở Việt Nam không có tôn giáo nào giữ vị trí độc tôn trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Các tôn giáo đều có những đóng góp nhất định trên nhiều phương diện của đời sống xã hội; tín đồ các tôn giáo tồn tại đan xen với nhau, không có tôn giáo nào giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước ta thực hiện chính sách tiến bộ xem tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Những thập kỷ gần đây, Việt Nam không có xung đột tôn giáo, các tôn giáo chung sống hòa hợp, đồng hành cùng dân tộc. Nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo rất tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước.
Các hoạt động tôn giáo ngày càng sôi động. Nhà nước đã nỗ lực bảo đảm và tạo điều kiện để sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường. Đặc biệt những ngày lễ trọng của các tôn giáo như lễ Phật đản, lễ Vu lan của Phật giáo; lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành; Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao đài; lễ hội Katê của đồng bào Chăm, tháng chay Ramadan của người Hồi giáo… được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều ngày lễ trọng của tôn giáo đã trở thành ngày lễ chung của cộng đồng.
Vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần giải quyết để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. |
Việc công nhận tổ chức tôn giáo, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chỉ sau gần 3 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công nhận thêm 1 tổ chức tôn giáo (Giáo hội Phúc âm ngũ tuần Việt Nam), cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 3 tổ chức tôn giáo (Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam; Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam; Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kytô Việt Nam). Hiện nay, Việt Nam có 16 tôn giáo với 36 tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là tổ chức tôn giáo; 4 tổ chức và 1 pháp môn được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo và có hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung độc lập.
Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trên phạm vi cả nước cũng được tạo điều kiện thuận lợi. Trước khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, có tổng số 2.691 điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố có 1.112 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, nâng tổng số điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là 3.803 điểm nhóm (hơn 600 điểm nhóm Tin lành đã được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung từ sau Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành). Sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam luôn được chính quyền các cấp đảm bảo. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Cả nước hiện có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 36 tỉnh, thành phố, trong đó: 11 Đại chủng viện, Học viện của Giáo hội Công giáo Việt Nam; 4 học viện, 34 trường Trung cấp Phật học, 8 lớp Cao đẳng Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tin lành có 1 Viện Thánh kinh thần học, 1 trường Kinh Thánh Cơ Đốc (TP. Hồ Chí Minh) và 1 Trường Thánh kinh thần học (Hà Nội); 1 Học viện Truyền giáo Cao đài (Đà Nẵng); 1 Trường Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo (An Giang). Riêng Giáo hội Công giáo Việt Nam từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành đã có 2 cơ sở đào tạo tôn giáo được thành lập. Một số cơ sở đào tạo của tôn giáo được đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi trong việc in ấn, phát hành kinh sách và đồ dùng việc đạo. Theo thống kê, từ năm 2018 đến năm 2021, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp quyết định xuất bản trên 2.000 xuất bản phẩm với gần 6 triệu bản in. Nhiều ấn phẩm kinh sách được in bằng ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng dân tộc. Ở Việt Nam hiện có 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động: Nghiên cứu Phật học, Giác ngộ (Phật giáo) Công giáo và Dân tộc (Công giáo), Bản tin Mục vụ (Hội thánh Tin lành Miền Nam). Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.
Nhà nước Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo tiến hành giao lưu, hợp tác quốc tế. Hàng năm, có hàng trăm lượt chức sắc, nhà tu hành, tín đồ của các tôn giáo ở Việt Nam xuất cảnh tham dự các hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài và hàng trăm lượt cá nhân tôn giáo nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động tôn giáo.
Từ năm 2005 đến nay, Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện cho Đoàn chức sắc tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo... 5 lần tham dự Hội nghị “Đối thoại liên tín ngưỡng khu vực Á - Âu (ASEM); 6 lần tham dự Hội nghị “Đối thoại liên tín ngưỡng khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo còn cử đại diện tham dự các Hội nghị, đối thoại như diễn đàn Thanh niên Liên tín ngưỡng châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị Thượng định các nữ lãnh đạo trẻ của các tôn giáo... Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đón gần 500 đoàn khách nước ngoài với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để hoạt động tôn giáo[1].
Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức trọng thể, thành công ở Việt Nam và được dư luận quốc tế đánh giá cao như: Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak năm 2019 với sự tham dự của 3.000 đại biểu, trong đó có 1.650 đại biểu khách quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, 250 kiều bào là tăng ni từ 40 quốc gia; Tổng hội Dòng Đan minh thế giới tổ chức tại Xuân Lộc (Đồng Nai) năm 2019 với sự tham dự của trên 140 đại biểu của các tỉnh dòng trên thế giới,...
Hoạt động an sinh xã hội của các tổ chức tôn giáo được phát huy. Những năm qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo. Về giáo dục, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thương; 12 cơ sở dạy nghề do các cá nhân, tổ chức tôn giáo thành lập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Về y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tính đến thời điểm năm 2020, cả nước có khoảng trên 500 cơ sở khám chữa bệnh từ thiện của các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức khác nhau như Tuệ Tĩnh Đường, trạm xá, phòng thuốc nam, phòng khám đa khoa, phòng khám đông y và tây y… mỗi năm đã khám và chữa bệnh cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân, qua đó góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn.
Về công tác bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, đến thời điểm hiện nay, cả nước có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội, đang nuôi dưỡng trên 12.000 trẻ em mồ côi, tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, góp phần đáng kể vào công tác đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương.
Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo đảm. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện có khoảng 2,8 triệu người DTTS theo tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số là người DTTS). Trong những năm qua, chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các DTTS. Đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo được chăm lo. Các nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo đã được các cấp chính quyền quan tâm hướng dẫn, giải quyết.
Hiện cả nước có hơn 1,2 triệu người theo đạo Tin lành, trong đó có khoảng 873.700 tín đồ là người DTTS, phân bố tập trung ở 2 khu vực: (1) Miền núi phía Bắc: 240.900 tín đồ (238.900 tín đồ là người DTTS), 9 chi hội và 1.647 điểm nhóm; (2) Khu vực Tây Nguyên: 595.740 tín đồ (575.940 tín đồ là người DTTS), 336 chi hội và 1.744 điểm nhóm.
Giải pháp thúc đẩy bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng và sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có tôn giáo, đặt ra những thách thức đòi hỏi phải có những giải pháp hợp lý, đồng bộ để đảm bảo cho mọi người được hưởng thụ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tốt hơn.
Để thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Việc hiểu biết một cách đầy đủ, đúng đắn về quyền do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là điều kiện tiên quyết để bảo vệ và thúc đẩy quyền này một cách hiệu quả. Theo cách tiếp cận đó, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần hướng vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan thực thi pháp luật, các chức sắc, chức việc, tín đồ và cả quần chúng nhân dân. Trong vấn đề này, cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm thông qua giáo dục chính thức (nhà trường), các loại hình thông tin đại chúng (sách, báo, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội...), các lớp bồi dưỡng, tập huấn, thuyết giảng, tọa đàm, hội thảo, hội nghị,…
Phát huy các giá trị nhân văn và nguồn lực của các tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Trong quá khứ cũng như hiện tại, tôn giáo đã và đang có tác động tích cực đối với mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam. Việc phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo sẽ góp phần giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực của các tôn giáo thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước hiện nay.
Bảo đảm hài hoà giữa việc hưởng thụ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Là một quyền cơ bản của con người, song quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối mà khi hưởng thụ quyền này, chủ thể quyền đồng thời phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Như vậy, khi hưởng thụ quyền này, các tổ chức, cá nhân cần nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để hành xử phù hợp, trong giới hạn pháp luật cho phép. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có thẩm quyền cũng cần nhận thức rõ và tuân thủ nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; không được tuỳ tiện hạn chế hay tước bỏ quyền này trái với quy định của Hiến pháp, các điều ước quốc tế về nhân quyền có liên quan mà Việt Nam đã tham gia và với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong những giải pháp đã được đề cập, việc nâng cao nhận thức của các chủ thể có liên quan, bao gồm các chủ thể của quyền và các chủ thể có nghĩa vụ, trách nhiệm, cần được xem là giải pháp then chốt.
Cả nước có 16 tôn giáo với 36 tổ chức được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là tổ chức tôn giáo; 4 tổ chức và 1 pháp môn được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Tổng số tín đồ các tôn giáo ở nước ta hiện nay vào khoảng 26,5 triệu người (chiếm 27% dân số), với hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.800 cơ sở thờ tự. Cả nước hiện có trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng với khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm một số loại hình tín ngưỡng và di tích đã được UNESCO ghi danh là di sản thế giới. |