Thúc đẩy chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024 tại Hậu Giang diễn ra trong 2 ngày (23 và 24/5) hướng trọng tâm thúc đẩy phát triển các giải pháp chuyển đổi số, tìm kiếm giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc phát triển kinh tế xanh và bền vững phù hợp với tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường. Đồng thời, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024. |
Chương trình diễn ra với nhiều chuỗi hoạt động, hội thảo, sự kiện phong phú, thiết thực, tập trung trên các lĩnh vực chính như: Chính quyền số; kinh tế số; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên môi trường; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh và bền vững... Đặc biệt, có 60 gian hàng được trưng bày tại khu trải nghiệm trưng bày các mô hình, giải pháp chuyển đổi số khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp điển hình.
Bên cạnh các hoạt động chính, trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024 lần này còn có các hoạt động tham quan, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh thực hiện công tác chuyển đổi số; cũng như các hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho cộng đồng.
Tham gia Tuần lễ lần này, Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh thành lập đoàn công tác với hơn 150 đại biểu, khách mời đến từ các tổ chức, doanh nghiệp là hội viên, đối tác Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh đến Hậu Giang tham dự các chuỗi sự kiện của Tuần lễ: Tham gia 20 gian hàng trưng bày, trình diễn các sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo, các giải pháp chuyển đổi số; trình bày hơn 15 báo cáo tham luận tại các phiên hội thảo chuyên đề, không chỉ giới thiệu những giải pháp, sản phẩm tối ưu mà còn mang đến các mô hình đã triển khai thực tiễn, qua đó đưa ra các tư vấn chuyên sâu hỗ trợ giải quyết các bài toán cho doanh nghiệp, địa phương theo từng mảng ngành, lĩnh vực cụ thể, hướng tới phát triển xanh & bền vững. Bên cạnh đó, Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kết nối và phát động chuỗi chương trình cộng đồng và nhận được sự đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp thành phố.
Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại lễ khai mạc. |
Đây cũng là năm thứ ba của chương trình ba năm liên tiếp mà Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh cam kết cùng tỉnh Hậu Giang tổ chức các sự kiện lớn về ngành công nghệ thông tin và Chuyển đổi số cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chọn Hậu Giang làm điểm đến. Với sứ mệnh tiên phong trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng các hoạt động này sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đối số, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và cũng là tiền đề phát triển liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết, Tuần lễ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ vào Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang; đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái của tỉnh với hệ sinh thái của vùng và quốc gia.
Đây còn là cơ hội kết nối hệ sinh thái của tỉnh với hệ sinh thái vùng, quốc gia; giới thiệu, quảng bá dự án, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm phục vụ du lịch địa phương; tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Đồng Văn Thanh, cuối năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, Hậu Giang đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu và Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh... Từ đó, đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành của cả ba cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, cũng như giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền. Qua đó, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền. “Nhờ đó, các chỉ số đánh giá nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của năm 2023 như: PAPI, PAR INDEX, SIPAS đều tăng. Riêng tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 12,27%, đứng thứ hai cả nước, chỉ số PCI đứng thứ chín cả nước” - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin thêm.Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng khẳng định, thông qua sự kiện này còn thể hiện sự khát vọng vươn lên của Hậu Giang; tự tin là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với sự sẵn sàng về cơ chế, chính sách, đến môi trường đầu tư, cũng như nguồn lực tại chỗ; xác định công nghệ thông tin là bước đột phá, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho Hậu Giang nhằm thực hiện mục tiêu lớn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã đề ra, đó là “Đưa tỉnh Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới”.
* Cũng trong ngày 23/5, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững. Tại đây, các đại biểu vùng với các chuyên gia trao đổi thông tin tổng quan tình hình chuyển đổi số quốc gia và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; chuỗi cung ứng và giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam…
Đại biểu tham quan Khu trải nghiệm tại sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024. |
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã khai mạc Khu trải nghiệm và trưng bày, với quy mô 60 gian hàng cung cấp cho khách tham quan trong và ngoài tỉnh trải nghiệm nhiều sản phẩm hấp dẫn, độc đáo, góp phần phát triển chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực và cả nước. Trong đó, khu trải nghiệm gồm các mô hình, ứng dụng, giải pháp chuyển đổi số từ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; khu trưng bày gồm các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức, doanh nghiệp; các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ, công nghệ cao; các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ từ nguyên vật liệu thiên nhiên...
Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số Ngày 22/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương và tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Hậu Giang sẽ lan tỏa những mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến cộng đồng quốc tế Đó là một trong những thông điệp mà Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024 (Mekong Delta Digital Transformation and Innovation Startup Week 2024) do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức mong muốn hướng tới. |
Hậu Giang tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp lần thứ IV năm 2025 UBND tỉnh Hậu Giang vừa có kế hoạch tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần thứ IV năm 2025. |