Thu phương tiện của tài xế say xỉn: “Luật đã quy định”
“Trong Luật Xử phạt hành chính có quy định về tịch thu phương tiện, bởi nếu không có quy định pháp luật thì không thể làm được”.
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, trước phản hồi của dư luận đối với đề xuất của cơ quan này lên Chính phủ “phải tịch thu phương tiện đối với những tài xế say xỉn khi tham gia giao thông”.
Ông Khuất Việt Hùng: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phương tiện là tài sản lớn, nhưng sinh mạng còn lớn hơn nhiều".
Trao đổi với báo giới chiều 4/3, ông Hùng nói:
- Trước hết chúng ta cần xét đến mục tiêu đưa ra quy định xử phạt. Tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới cũng như các loại hình phạt từ hành chính đến hình sự, mục tiêu đầu tiên là để giáo dục, hay nói cách khác để gửi đến người dân một thông điệp về hậu quả đối với cá nhân họ khi thực hiện hành vi vi phạm. Việc đưa ra chế tài này cũng nhằm mục tiêu để người dân không vi phạm.
Tuy nhiên, nếu muốn người dân không vi phạm thì chế tài gửi đến họ phải đủ mạnh. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, với điều kiện kinh tế xã hội như hiện nay, tịch thu phương tiện có ảnh hưởng đến đời sống của người dân? Đây có phải hình thức xử phạt tài chính quá nặng không?...
Chúng ta phải nhấn mạnh một điều: còn người là còn tất cả. Khi người ta quan tâm đến sức khỏe, sinh mạng của mình, người ta sẽ không thực hiện hành vi vi phạm. Bởi hành vi vi phạm này nguy cơ rất lớn xảy ra tai nạn giao thông, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tử vong. Đề xuất như vậy chính là chúng ta đang bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phương tiện là tài sản lớn, nhưng sinh mạng còn lớn hơn nhiều. Chẳng ai muốn tịch thu phương tiện của người dân cả. Nếu họ biết đó là tài sản lớn thì đừng vi phạm.
Nhưng không ít ý kiến cho rằng, quy định tịch thu phương tiện là vi phạm quyền sở hữu tài sản của người dân, trái với Hiến pháp?
Trong luật xử phạt hành chính đã có quy định về tịch thu phương tiện. Nếu không có quy định pháp luật thì không thể làm được. Quy định này chính là nhằm bảo vệ chúng ta. Vậy chế tài như thế nào là đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe?
Ở các nước người ta còn áp dụng hình phạt tù, chẳng hạn như Nhật Bản, nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu trên 80 mg/100 ml - đi tù 5 năm, Hàn Quốc 50 mg/100 ml đi tù 6 tháng, Mỹ 20 mg/100 ml thì phải ở tù 10 ngày…
Thử hỏi, tại sao các nước giảm được tai nạn giao thông? tại sao người ta đưa ra chế tài mạnh để làm gì.
Tôi xin nhắc lại rằng, chế tài mạnh không phải để phạt mà để ngăn chặn, răn đe. Nếu chúng ta chỉ quy định phạt thế nào cho phù hợp với túi tiền của người dân, hay phạt để người ta trả được thì chúng ta đang tự làm khó mình.
Khi ban hành quy định này, người ta thường hình dung họ “tự nhiên mình mất tài sản”, nhưng người ta lại không hình dung để không mất tài sản, mình không vi phạm nữa. Việc đưa ra chế tài này để người ta chuẩn bị sẵn tinh thần trước khi uống rượu bia. Mục tiêu là đưa ra một lời cảnh tỉnh đối với người tham gia giao thông.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, uống rượu bia là một trong những nguyên nhân lớn gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết.
Tại sao các ông không đề xuất phạt tù mà các nước đang áp dụng?
Hiện vấn đề này chưa được nhắc tới. Giờ chúng ta đưa ra phương án này xem như thế đã đủ mạnh chưa. Với một quốc gia đang phát triển, thu nhập của người dân còn thấp, khi “đánh” vào tài sản, nó sẽ tác động tương đối mạnh.
Trong khi đó, đi tù sẽ mất việc, mất hình ảnh, mất cơ hội và nhiều thứ. Chúng ta cũng vậy, nhưng nhà tù ở Việt Nam còn để dành cho rất nhiều việc khác. Các nước người ta có thể phạt tiền cao hơn nữa, nhưng như thế có đủ để người ta sợ, đủ để răn đe? Nhưng cách ly ra khỏi đời sống xã hội thì sẽ khác.
Dư luận cũng quan tâm rằng, nếu chế tài này được thông qua có thể làm nảy sinh tiêu cực khi người vi phạm sẽ thoả hiệp với lực lượng chức năng xử phạt để không bị tịch thu và khi đó, giá trị “thoả hiệp” có thể cao gấp nhiều lần mức xử phạt tiền như hiện nay?
Theo tôi, tốt hơn hết là người tham gia giao thông đừng vi phạm. Tại sao lại cứ nghĩ đến việc vi phạm để rồi lại phải bắt tay, xin xỏ.
Mục tiêu chế tài không phải là để xử phạt, mục tiêu là để gửi thông điệp, lời nhắc nhở người tham gia giao thông để anh không vi phạm. Chứ mục tiêu là để phạt là thất bại. Giá trị chung, hình phạt chung toàn thể xã hội chấp nhận là để bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe của những người tham gia giao thông.
Chế tài đưa ra phải đủ để người tham gia giao thông không vi phạm. Còn đưa ra chế tài để cảm thấy vi phạm bị xử phạt vừa đủ, thì đấy mới là bắt tay thỏa hiệp.
Vậy phương tiện sau khi bị tịch thu sẽ được xử lý như thế nào?
Trong luật đã quy định rõ về trình tự thủ tục xử lý, tài sản phương tiện sau khi bị tịch thu sẽ đem ra đấu giá và đưa vào ngân sách nhà nước.
Theo Bảo Quyên/VnEconomy