Thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2023 đạt hơn 36,6 tỷ USD
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 20,1 tỷ USD, tăng 62,2%; số dự án đăng ký mới đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài mặc dù giảm về lượt giao dịch nhưng vẫn tăng trưởng 65,7% so cùng kỳ với tổng số vốn đạt hơn 8,5 tỷ USD nhờ quy mô các thương vụ tăng lên.
Riêng vốn đăng ký tăng thêm của các dự án chỉ đạt hơn 7,8 tỷ USD, giảm 22,1% so cùng kỳ dù năm 2023 ghi nhận số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 14%.
Đáng lưu ý, năm 2023 cũng ghi nhận mức vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài tăng 3,5% so cùng kỳ, ước đạt hơn 23,1 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Sản xuất, lắp ráp ô tô Ford Việt Nam tại Công ty TNHH Ford Việt Nam (thành phố Hải Dương). |
Top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam gồm Singapore, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Samoa, Thái Lan, Hoa Kỳ. Lũy kế đến ngày 20/12/2023, có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, dẫn đầu là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai…
Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng thu hút hơn 17,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 63,9%; vùng Đông Nam Bộ thu hút hơn 11,3 tỷ USD, tăng 11,6%. Tiếp theo là vùng Trung du miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.
Năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,6 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính-ngân hàng với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,3 tỷ USD và hơn 1,5 tỷ USD.
Các ngành ghi nhận mức tăng cao kỷ lục trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài là hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; các ngành dịch vụ khác.