Thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân tại sao Việt Nam lại "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế (Ảnh: VGP). |
Theo Bộ VHTT&DL, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực của toàn ngành du lịch, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại sau đại dịch COVID-19, nhất là du lịch nội địa. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so mục tiêu đặt ra 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so năm 2019…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã nêu lên một số tồn tại, hạn chế như: Chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả; việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế chưa được triển khai…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến phát biểu sâu sắc, sát thực tế của đại diện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, qua đó giúp gợi mở những cách tiếp cận mới, đề ra những giải pháp tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam trong bối cảnh mới.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chiến lược Phát triển Du lịch đến năm 2030, với mục tiêu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, đóng góp 14-15% GDP, nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%, đồng chí yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đầu tư nguồn lực quốc gia, tạo đột phá trong phát triển du lịch, đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế.
Trong đó, cần thay đổi tư duy làm du lịch sau đại dịch theo hướng linh hoạt, đổi mới, quyết liệt, hiệu quả hơn. Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế khác, chú trọng đến tính chuyên nghiệp, hiện đại, đổi mới, sáng tạo, gắn với chuyển đổi số, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để thuận lợi thu hút khách du lịch. Quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông tăng cường công tác quản lý môi trường, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thông tin quảng bá, xây dựng mô hình sản phẩm du lịch mới, độc đáo, phát huy bản sắc, lịch sử, văn hoá dân tộc. Đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Việt Nam thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách.