Thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ có giúp xuất khẩu tôm Việt khả quan hơn?
Ảnh minh họa |
Kỳ vọng khả quan hơn trước thông tin tích cực của nền kinh tế Mỹ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính từ đầu năm đến ngày 15/7/2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,086 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023. Top 05 thị trường nhập khẩu tôm chủ lực lần lượt là: Trung Quốc&Hongkong, Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.
Theo đó, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc&Hongkong đạt 362,883 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Thị trường Mỹ, sau khi tăng 16% trong quý I, trong quý II đạt 182 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến ngày 15/7, xuất khẩu tôm sang thị trường này chỉ đạt 341 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Theo bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia ngành hàng Tôm VASEP, có 3 nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm Mỹ chưa như kỳ vọng.
Thứ nhất, tồn kho tại Mỹ tuy có giảm nhưng sức mua của nhà nhập khẩu không cao, do họ cho rằng giá tôm sẽ còn tiếp tục giảm nên chưa tăng cường mua vào.
Thứ hai, cước tàu tăng cao đột biến 40% từ tháng 5 do các tàu phải đi vòng qua eo biển Hormuz.
Thứ ba, việc Mỹ áp thuế với Trung Quốc rất cao, từ 50 - 100%, dẫn đến Trung Quốc gom hết container về nước để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Việc này khiến Việt Nam không đủ tàu và container dù vẫn chấp nhận giá cao.
Theo báo cáo, mức tăng trưởng 2,8% của GDP Mỹ trong quý II/2024 vượt qua dự báo của các nhà kinh tế và cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau khi chỉ tăng 1,4% trong quý đầu năm.
Chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu, lương tăng và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt và Fed dự kiến có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.
“Thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ sẽ có tác động tích cực tới xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ”, bà Kim Thu nhấn mạnh.
Chuyên gia ngành hàng Tôm VASEP dự báo, nhu cầu mua tôm của Mỹ có thể tăng nhẹ vào quý III, và giá tăng nhẹ kể từ tháng 7 trở đi nhờ nhu cầu tiêu thụ lễ hội cuối năm khiến sức mua của các nhà nhập khẩu tăng.
Bên cạnh đó, việc tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động, cũng có thể có những cơ hội mới cho tôm Việt Nam.
“Trong bối cảnh thị trường Mỹ gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như: Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Điều này không chỉ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ mà còn tạo ra cơ hội để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững trong dài hạn”, bà Kim Thu nói.
Xuất khẩu tôm giá trị gia tăng sang EU sẽ tăng trưởng tốt hơn
Tính tới 15/7/2024, xuất khẩu tôm sang thị trường EU đạt 241 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đức, Hà Lan, Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất trong khối EU.
Tính tới 15/7/2024, xuất khẩu tôm sang Hà Lan và Bỉ tăng trưởng 2 con số, lần lượt 19% và 21%, xuất khẩu sang Đức tăng 9% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm sang EU bắt đầu ghi nhận tăng trưởng 2 con số từ tháng 4 và duy trì mức tăng ổn định trong 2 tháng 5 và 6. Hội chợ Thủy sản quốc tế Bacerlona, Tây Ban Nha diễn ra vào tháng 4 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tôm, đã phần nào giúp cho hoạt động xuất khẩu tôm sang EU khởi sắc hơn.
Tuy xuất khẩu tôm sang EU tăng tốt nhưng theo bà Thu, xuất khẩu tôm sang khối này vẫn còn chịu tác động từ chiến tranh, biến động kinh tế, chính trị thế giới, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng.
Trên thị trường EU, tôm Việt phải cạnh tranh mạnh với tôm giá rẻ Ecuador, và đáp ứng xu thế người tiêu dùng EU là tôm có chứng nhận ASC, lại có chi phí vận chuyển thấp hơn. Ecuador hiện vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường EU. Thị trường này cũng đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn, bên cung ứng có giải pháp giảm phát thải, truy xuất nguồn gốc tận gốc và phúc lợi động vật.
Dự kiến, nhu cầu nhập khẩu tôm của EU từ tháng 7 đến hết năm sẽ tiếp tục tăng. Kinh tế EU và giá tiêu dùng cũng đang ổn định, đồng thời lạm phát tiếp tục giảm. Tuy nhiên, các mặt hàng tôm truyền thống của Việt Nam xuất sang EU sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với các nguồn cung đối thủ, riêng các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ tăng tốt hơn so với những năm trước vì tồn kho đã giảm nhiều.
“Để phát triển bền vững, trong dài hạn, ngành tôm Việt Nam cần phải xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện, bao gồm việc nâng cao chất lượng con giống, cải tiến quy trình nuôi trồng và chế biến, cũng như xây dựng các thương hiệu mạnh để tăng cường giá trị gia tăng cho sản phẩm tôm. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu”, bà Thu nói.