Thời tiết từ ngày mai rét đậm, làm gì để giữ ấm cho trẻ?
Theo dự báo thời tiết, từ ngày mai (30/12) miền Bắc nước ta chuẩn bị đón nhận một đợt không khí lạnh cực mạnh, nhiệt độ nhiều nơi có thể xuống dưới 10 độ, vùng núi cao xuống dưới 0 độ. Điều này sẽ gây khó khăn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, sức khỏe của người dân đặc biệt là trẻ nhỏ khi sức đề kháng của bé yếu, thân nhiệt chưa ổn định. Bởi vậy, để đảm bảo sức khỏe của mọi người trong gia đình và đặc biệt là trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho bé trong những ngày này.
Làm gì để giữ ấm cho trẻ nhỏ trong những ngày rét đậm?
Miền Bắc rét đậm, làm gì để giữ ấm cho trẻ nhỏ? |
Sử dụng túi ngủ để giữ ấm cho bé
Trước hết ở trong nhà và khi ngủ việc bé yêu bị lạnh khi ngủ do vung vẩy mình, cựa quậy, đạp chăn ra ngoài thì một chiếc túi ngủ là giải pháp tuyệt vời để giữ ấm cho bé. Bên cạnh đó, cố định bé trong chiếc túi ngủ thích hợp sẽ giảm thiểu nguy cơ trẻ sơ sinh bị ngạt thở vì chăn, màn, khăn đắp che mặt. Nên sử dụng túi ngủ cho trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, nếu bé quen và yêu thích chiếc tổ ấm áp này thì bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng khi bé lớn hơn. Giữ ấm bụng nếu lạnh bụng, bé rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng. Giữ ấm bụng sẽ làm cho dạ dày của bé hoạt động bình thường hấp thu thức ăn tốt hơn.
Lựa chọn quần áo
Trong ngày lạnh, phù hợp nhất là cho bé mặc bộ quần áo liền (loại dành cho bé sơ sinh); thay vì, mặc cho bé một áo khoác quá dày hoặc chồng áo nọ lên áo kia. Bên ngoài, có thể quấn con bằng chăn ấm. Kiểu mặc chồng áo nọ lên áo kia chỉ thích hợp cho những ngày cực kỳ buốt giá.
Nếu phải đưa con ra ngoài trời, cần lưu ý giữ ấm chân, tay, đầu và quấn 2 chiếc chăn cho bé. Vào mùa đông, nhiệt độ trong phòng – ngoài trời hoặc trong ôtô–ngoài phố có sự chênh lệch rất lớn. Do đó, việc mặc thêm hoặc nới lỏng quần áo cho bé cần linh hoạt.
Giữ ấm bụng
Giữ ấm bụng cho bé trong ngày lạnh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ dạ dày. Bởi nếu bị lạnh bụng, bé rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Trong thời tiết lạnh với nhiệt độ thấp, bụng được giữ ấm, dạ dày hoạt động bình thường sẽ giúp bé tăng cường tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
Để luôn giữ ấm bụng của bé, mẹ nên cho bé mặc kiểu áo giống tạp dề hoặc quấn một lớp khăn mỏng quanh vùng bụng rồi mới mặc quần áo ra ngoài.
Sử dụng thiết bị sưởi ấm
Những ngày nhiệt độ giảm sâu, dù đóng kính cửa nhưng ở trong nhà, người lớn, trẻ nhỏ vẫn cảm thấy lạnh, đặc biệt là những gia đình sống ở tầng cao, nơi thoáng gió. Đôi khi đắp chăn, nằm đệm vẫn không đủ ấm, trong trường hợp này các bố mẹ có con nhỏ nên sắm thêm các thiết bị sưởi ấm, chẳng hạn như đèn sưởi đặt trong phòng, đèn sưởi trong phòng tắm hoặc sử dụng điều hòa 2 chiều có chức năng làm nóng. Những thiết bị sưởi ấm này rất hữu ích khi thay quần áo, tắm cho bé hay dùng để sưởi ấm cả căn phòng với các bé sơ sinh.
Giữ ấm cho trẻ trong những ngày rét đậm bằng thực phẩm
Dinh dưỡng với bé rất quan trọng dù ở bất kỳ thời điểm nào, nhất là vào mùa đông, bởi khi trời lạnh bé tiêu hao nhiều năng lượng nhất và rất cần bổ sung dinh dưỡng để sản sinh năng lượng chống rét. Bố mẹ hãy đảm bảo mỗi bữa ăn của bé được cung cấp đủ chất đạm, chất béo, tinh bột - đó là những dưỡng chất cần thiết giúp trẻ duy trình năng lượng, tăng sinh nhiệt... giữ ấm cho cơ thể.
Ngoài ra, vào các bữa phụ, bố mẹ nên chọn những loại hoa quả có chứa hàm lượng lớn vitamin C như táo, cam, quýt, bưởi vì những loại hoa quả này sẽ giúp bé tránh cảm cúm, cảm lạnh.
Theo các nghiên cứu cho thấy vitamin B2 và vitamin E có vai trò trong việc cải thiện khả năng thích ứng của cơ thể trẻ nhỏ khi nhiệt độ xuống thấp. Ngoài ra, vitamin E có thể loại bỏ gốc oxy tự do, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể trẻ, cải thiện tuần hoàn máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Vì vậy, chuyên gia nhi khoa khuyên các bà mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm chứa hai loại vitamin trên cho con vào những ngày nhiệt độ giảm sâu.
Những điều bố mẹ cần tránh khi giữ ấm cho trẻ
Không được ủ ấm quá mức
Nhiều bà mẹ đã chọn cách đóng kín cho con bằng việc mặc quần áo thật dày, kín trước khi đi ngủ.
Mặc quá nhiều quần áo khiến bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi, làm nhiễm lạnh ngược và bé dễ viêm phổi. Ở một mức độ nào đó, ủ ấm quá mức còn khiến trẻ bị đột tử.
Một điểm lưu ý nữa là cảm nhận qua làn da bé cũng là một cách để các bậc cha mẹ biết con có đủ ấm hay không. Nếu da bé mát, cha mẹ có thể tiếp tục ngủ ngon. Trong khi đó, nếu tay bé lạnh giá thì hãy nhanh chóng ủ ấm cho con.
Chú ý nhiệt độ trong phòng
Để giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, mẹ cần đảm bảo phòng ngủ của trẻ đủ kín đáo, không bị gió lùa. Cần đặt bé ngủ ở chỗ tránh hơi của máy điều hòa phả vào và tránh nơi gió lùa trực tiếp từ cửa sổ.
Nếu dùng máy điều hòa ấm thì mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ trong phòng bé là 20-25ºC. Nếu dùng quạt sưởi hay máy sưởi thì mẹ cần tính toán khoảng cách giữa bé và nguồn nhiệt.
Không nên đội mũ ấm đi ngủ
Đối với trẻ nhỏ, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.