Thị trường xuất khẩu số 1 của cá tra đang giảm mạnh
Ảnh minh họa |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thủy sản hy vọng có thể kịp phục hồi từ quý III/2024 và hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, cá tra đạt 2 tỷ USD và hải sản đạt 4 tỷ USD.
5 tháng đầu năm, mặt hàng cá tra đã mang về gần 757 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thị trường chi phối vẫn là Trung Quốc và Mỹ, chiếm lần lượt là 27% và 18% tổng giá trị xuất khẩu.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Giá cả hợp lý, chất lượng thịt cá thơm ngon khiến người tiêu dùng tại Trung Quốc dễ lựa chọn. Cá tra đã trở thành loại cá được nhiều người tiêu dùng nấu ăn tại nhà, và cả các chuỗi nhà hàng công cộng.
Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ có tín hiệu phục hồi khả quan (tăng 18%) thì xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường số 1 này lại giảm đến 14%. Giá xuất khẩu trung bình cá tra sang các thị trường chính nhìn chung đã phục hồi so với quý IV/2023 và những tháng đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.
Top 4 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất cá tra sang thị trường Trung Quốc, gồm: Trường Giang, Nam Việt, Đại Thành, Vĩnh Hoàn và IDI Corp.
Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang cho biết, năm nay sản lượng cá tra không tăng thì giá sẽ tăng. Đó cũng là quy luật cung cầu của thị trường. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của cá tra Việt Nam, bây giờ họ bắt đầu nhập khẩu những sản phẩm giá trị cao, buộc doanh nghiệp xuất khẩu sang đây phải thích ứng với đòi hỏi của thị trường, còn một số doanh nghiệp khác thì được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đó là cá biệt.
Các doanh nghiệp còn lại nên "đánh mạnh" vào châu Âu và Nam Mỹ, những thị trường này không thua kém gì thị trường Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp chia sẻ sản lượng ra, tăng xuất khẩu vào châu Âu và Nam Mỹ thì sẽ giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.
“Hy vọng, năm nay giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng từ 5-10% giúp ổn định lại ngành cá tra. Giá xuất khẩu tăng là do nhu cầu tăng trong khi sản lượng không tăng. Khi giá xuất khẩu và sản lượng đều tốt lên thì mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD cá tra là hoàn toàn có thể thực hiện được”, ông Văn chia sẻ tại cuộc hội nghị ngành mới đây do VASEP tổ chức.
Theo ông Văn, doanh nghiệp không nên đòi hỏi giá xuất khẩu phải tăng nhiều hơn nữa, mà hãy cố gắng kiềm chế giá và không nhất thiết phải bán giá thấp, cứ bình tĩnh bán những sản lượng đang có.
Mặt khác, các thị trường nhập khẩu, như: Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và Nam Mỹ … mỗi nơi đều có những đặc tính, đặc thù và tập quán tiêu dùng riêng. Do vậy, doanh nghiệp phải đa dạng hóa chất lượng sản phẩm để thích ứng với từng thị trường.
Trong khi đó, sản xuất hàng giá trị gia tăng vẫn là một thách thức rất lớn, do tập quán của doanh nghiệp sản xuất hàng đại trà chứ không thể đi sâu vào đặc tính, nhu cầu của từng thị trường vì làm được như vậy là rất khó. Hiện nay, chỉ có Vạn Đức – công ty chuyên ngành chế biến thực phẩm mới có thể sản xuất lớn một số mặt hàng giá trị gia tăng cao được, còn lại nhìn chung sẽ khó bán theo nhu cầu riêng của từng quốc gia.
Xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ 4%, cho thấy thị trường vẫn chưa hết khó và luôn có những thách thức nhất định, cho nên vấn đề của doanh nghiệp là cố gắng khống chế được dịch bệnh, giảm hao hụt và hạ giá thành sản xuất.
“Chúng ta không mong mỏi giá xuất khẩu tăng cao nhưng nếu hạ được giá thành chăn nuôi thì chúng ta sẽ thắng. Bởi hiện nay, các công ty xuất khẩu cá tra đã tự chủ từ 60 - 70% nguồn cung cá tra nguyên liệu cho các nhà máy của họ, người dân nuôi chỉ chiếm từ 30 - 40%”, ông Văn khẳng định.
Năm nay thời tiết nắng nóng nhiệt độ tăng cao nhưng lại thích hợp cho nghề nuôi cá tra, trong hai tháng vừa qua tình hình nuôi cá tra rất khả quan, giảm dịch bệnh nên lượng cá thả nuôi cũng giảm hao hụt. Điều này sẽ giúp mùa thu hoạch vào thời điểm tháng 10, tháng 11 năm nay đạt kết quả tốt và các nhà máy chế biến sẽ không lo thiếu hụt cá nguyên liệu.