Thị trường giao dịch gần 1 tỷ USD trong phiên cơ cấu ETFs
Định vị thị trường
Sắc xanh tiếp được duy trì tại các thị trường châu Á sau phiên phản ứng tích cực với sự kiện FED hạ lãi suất. Các chỉ số NIKKEI 225 (+1,53%), TWSE (+0,53%), KOSPI (+0,49%), SET (+0,14%) đồng loạt đi lên thêm về điểm số.
Chỉ số VN-Index cũng có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp dù có những diễn biến hạ nhiệt về cuối phiên giao dịch. Một trong những nguyên nhân khiến thị trường không duy trì được trạng thái tốt nhất đến từ các hoạt động cơ cấu của các quỹ ETFs ngoại. Dù vậy, tính chung cả tuần, VN-Index vẫn tăng 1,62% qua đó cắt đứt chuỗi 3 tuần giảm điểm liên tiếp.
Chất xúc tác
Thực tế, điểm nhấn lớn nhất của phiên giao dịch là dòng tiền đã có sự bùng nổ với khớp lệnh tăng tới 76% so với phiên ngày hôm qua, đồng thời vượt ra khỏi mức bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất.
Khối ngoại bán ròng nhẹ trong phiên cơ cấu ETFs. |
Hoạt động cơ cấu của 2 ETFs ngoại cũng được tăng cường lên với tỷ trọng giao dịch chiếm gần 14%. Đồng thời, khối ngoại cũng bán ròng hơn 300 tỷ đồng sau 4 phiên liên tiếp mua vào. Các mã VHM (-266 tỷ đồng), VIX (-190 tỷ đồng), VNM (-167 tỷ đồng), EVF (-76,83 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất trong khi SSI (+193 tỷ đồng), TCB (+125 tỷ đồng) vẫn thu hút được dòng tiền.
Theo ghi nhận, tỷ giá đang ít biến động khi giá bán USD trên thị trường tự do tiếp duy trì trên mức 25.000 VND/USD. Còn lãi suất liên ngân hàng đang có sự nhích tăng trở lại sau đợt hạ nhiệt mạnh vừa qua. Kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 3,54%.
Trong ngày hôm qua, các giao dịch trên kênh cầm cố cũng như tín phiếu đều không xuất hiện. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố duy trì ở mức 1.554,27 tỷ đồng trong khi không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Cả 4 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất đều là những mã tâm điểm trong đợt cơ cấu bán ra của 2 ETFs. Tuy nhiên, vận động giá nhìn chung đã không có sự đột biến với mức giảm quanh 1%: VHM (-0,91%), VIX (-1,32%), VNM (-0,82%), EVF (-0,43%).
Dù vậy, giao dịch của khối ngoại vẫn ít nhiều để lại ảnh hưởng lên thị trường chung. VN-Index đã hạ nhiệt về cuối phiên sau khi có nhiều thời điểm tăng hơn 10 điểm trong phiên sáng.
So với rổ VN30, kết quả đóng cửa cũng không tương đồng khi VN-Index chỉ tăng được 0,06% còn VN30 vẫn tăng tới 0,58%. Các mã lớn như ACB (+3,4%), HPG (+1,6%), SAB (+1,65%), TCB (+1,5%), MBB (+1,4%), PLX (+1,4%), STB (+1,1%), VPB (+1,1%), SHB (+1%) đều thể hiện sự hỗ trợ tốt cho thị trường. Theo thống kê, cả rổ VN30 có 16/30 mã tăng giá.
Các nhóm ngành có sức hút trong thời gian gần đây như Chứng khoán và Bất động sản còn ngần ngại trong việc đi tiếp. Trạng thái tăng giá rời rạc xuất hiện khiến cho chỉ một vài mã như VND (+2,7%), NDN (+1,1%), HDC (+1%) đóng cửa trong sắc xanh. Khá nhiều mã như PDR (-0,9%), DXG (-1,3%), KDH (-0,4%), VIX (-1,3%), VCI (-0,3%), BSI (-1,1%) giảm giá.
Nhóm tạo ra được những tín hiệu nổi bật nhất lại là Dầu khí với PVD (+5%) và PVS (+3%) trên HNX, BSR (+2,1%) trên UPCoM.
Nhìn chung, dòng tiền vẫn là điểm sáng nhất của phiên giao dịch với giá trị giao dịch toàn HOSE đạt 21.820 tỷ đồng, tương đương 898 triệu đơn vị.
2 sàn HNX và UPCoM cũng có có sự cải thiện về thanh khoản với tổng giá trị giao dịch đạt gần 2.200 tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,23% còn UPCoM đóng cửa tại tham chiếu.