Thị trường điện liệu có ra đời từ Luật Điện lực sửa đổi?
Từ thực tại…!
Hiện nay tỷ lệ sở hữu nguồn của EVN ước khoảng 37,4% toàn hệ thống. Số còn lại là thuộc PVN, TKV và các nguồn khác. Việc phân bổ vị trí các nhà máy nguồn không đồng đều về địa lý nên thực tế xảy ra tình trạng nơi thiếu nơi thừa. Ví dụ gần đây nhất là vào năm 2023 khi miền Bắc thiếu điện và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế.
Câu hỏi làm thế nào để không thiếu điện có lẽ là nội dung dễ trả lời nhất khi chỉ cần nói là hãy làm nhà máy phát điện. Đúng vậy, thiếu nguồn thì bổ sung nguồn, nhưng bổ sung bằng cách nào lại là cả 1 câu chuyện dài.
Dễ nhất và tiện nhất là nhà nước đầu tư, vì dùng ý chí quyết định thì sẽ nhanh gọn, và quan trọng là khi cần sẽ vượt qua được những rào cản thị trường, cho dù ẩn chứa những tồn tại. Nhưng dẫu là vậy đi chăng nữa, thì cũng không thể ỷ lại vào đầu tư công vì cuối cùng quy luật thị trường sẽ chi phối tất cả. Lấy chuyện giá điện hiện tại là một ví dụ. Hiện nay giá bán điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh, giá này chưa bao gồm thuế VAT. Với mức như vậy, ước tính mỗi kWh EVN lỗ khoảng 60 đồng.
Hiện nay, dù đã sau 2 lần tăng bán điện nhưng EVN vẫn lỗ luỹ kế liên tục trong suốt 2,5 năm qua. Cụ thể, mức lỗ lũy kế trong 2 năm liên tiếp 2022 - 2023 là 47.500 tỉ đồng, và 6 tháng đầu năm lỗ ước chừng 13.000 tỉ đồng.
EVN dù rất muốn (và chắc chắn muốn hơn ai hết) thay đổi cục diện này vì họ vẫn phải gánh 1 phần trách nhiệm nếu thiếu điện. Nhưng sự đời vốn tréo ngoe, càng muốn thì lại càng khó đạt. EVN muốn bớt lỗ nhưng giá than pha trộn năm 2023 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc hiện bán vẫn ở mức cao, ước cao hơn từ 29 - 35% so với giá than pha trộn áp dụng năm 2021. Đó là chưa kể đến trong năm ngoái các nhà máy nhiệt điện như Quảng Ninh 1&2, Phả Lại 1&2, Mông Dương 1, Duyên Hải 1...đã dùng than x.14 thay vì x.10 như cũ, vì vậy giá cũng tăng lên. Ngặt nỗi điện than chiếm đến 53,8% cơ cấu nguồn nên ảnh hưởng cũng khá lớn.
Nếu không có thị trường điện thì những vấn đề như bù chéo giá điện vẫn còn tồn tại dai dẳng |
Tất nhiên riêng điện than không làm nên áp lực tình huống với EVN, những vấn đề của năm trước như giá điện năng lượng tái tạo, điện khí, rồi rủi ro tỷ giá…cùng những biến số khác của đầu vào đã đẩy EVN không còn cách nào khác phải chịu lỗ, lý do là vì không được cân đối sòng phẳng để tính giá bán theo quy luật thị trường.
Sở dĩ khoản lỗ này vẫn được xử lý chậm rãi đơn giản vì EVN là doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan thẩm quyền không nâng giá bán để hoà vốn, chứ đừng nói có lãi, vì nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm cả ổn định xã hội và an sinh. Tất nhiên ai cũng biết là việc này chỉ có doanh nghiệp nhà nước “lựa được”, chứ còn doanh nghiệp tư nhân, dù là trong hay ngoài nước, thì sẽ không thể xảy ra. Đơn giản là họ bỏ vốn để kinh doanh kiếm lời chứ không đi làm từ thiện.
Từ câu chuyện này, chúng ta hãy kết nối đến việc thiếu điện để hình dung ra quan hệ nhân quả ở đây là giá bán lỗ thì không có nhà đầu tư, và vì không có nhà đầu tư thì lại thiếu điện (nhà nước không thể làm thay hết được).
Đến hy vọng
Vậy, để thay đổi thực trạng này thì có thể kỳ vọng gì ở Luật Điện lực sửa đổi hay không? Nói ngắn gọn thì hoàn toàn có thể. Là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất về lĩnh vực này, vì vậy nội dung điều chỉnh được ưu tiên trong luật đương nhiên phải là đảm bảo an ninh năng lượng điện lực quốc gia, mà đã là đảm bảo an ninh năng lượng thì phải xây dựng lộ trình trong 1 tầm nhìn dài hạn chứ không thể theo kiểu cắc bụp, thiếu ở nơi này thì cắm thêm một nhà máy, thiếu ở chỗ kia thì lại cũng xây thêm một nhà máy…
Không khó để nhận biết phương thức giải quyết bằng những quyết định mang tính hành chính và sự vụ như vậy về lâu dài tiềm ẩn nhiều hạn chế. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là phương thức nào mới là phù hợp? Câu trả lời vẫn rất giản dị là hãy để nỗi lo này quay trở về để thị trường điều chỉnh, tức là để quan hệ cung cầu được quyết định trên giá mua và bán thực tế.
Nếu giá bán được hạch toán đủ, thay vì bị xã hội phản ứng trước mắt là người dân phải trả giá cao hơn thì hãy nhìn thấy một điều quan trọng hơn là không phải lo về thiếu điện trong lâu dài. Cùng với đó là các lợi ích phái sinh như tăng cường thu hút đầu tư, tạo thêm việc làm cho người lao động, ngân sách thêm nguồn thu để tái đầu tư cho xã hội…những lợi ích đó thực tế chỉ có được khi kiến tạo 1 thị trường điện đúng nghĩa từ việc sửa đổi Luật Điện lực hiện hành.
Còn nếu không - một thị trường gần đúng với nghĩa của từ này - vẫn sẽ vận hành nhưng ẩn chứa rất nhiều tồn tại. Có thể ví dụ như điện khí LNG, giá bán mới đây được Bộ Công thương duyệt là gần 2.600 đồng/kWh. Giá này cao hơn giá bán bình quân hiện tại, nhưng thực tế thì vẫn thấp hơn đề nghị của chủ đầu tư vì vậy cả 2 bên mua và bán, ở đây là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), công ty mẹ của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), cùng EVN đều ở trong tình trạng khó xử.
Hiện nay EVN nợ PVN hơn 20 nghìn tỷ đồng. Một lãnh đạo của PV Power chia sẻ là bản thân EVN cũng chẳng muốn nợ nhưng với cơ chế hiện nay thì bất khả kháng, EVN không thể mua khí và điện của PVN theo chuẩn thị trường. Tất nhiên “cơm không ăn thì gạo còn đó”, khoản nợ kia không biến đi đâu cả nhưng vấn đề không chỉ nằm ở số tiền, mà kéo theo đó là 1 hệ luỵ dai dẳng cho những doanh nghiệp như PVN cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất điện khác.
Nhưng nói như vậy đã thực sự khách quan chưa, khi đã không ít lần và không ít người bày tỏ băn khoăn điện có phải ngành béo bở hay không, vì nếu khó khăn thế sao vẫn nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền làm? Trả lời nội dung này, 1 chủ đầu tư nhà máy điện cho biết vì họ vẫn trông chờ vào 1 thị trường điện sẽ được vận hành trong tương lai gần, nên giai đoạn trước mắt chấp nhận như vậy.
Có điều, gần và xa là một khái niệm rất cảm tính, và dường như nỗi lo lắng về 2 chữ thị trường đã khiến mong muốn này trở nên rất mơ hồ. Thật ra, những bất an về an sinh xã hội như giá điện cho người thu nhập thấp có rất nhiều cách xử lý, xin nhấn mạnh là xử lý hợp lý, và cũng không phải chưa bao giờ được nêu lên. Nhưng nhìn lại vẫn thấy như thuốc chưa đủ liều, mọi ám ảnh về mặt trái của điện thị trường vẫn rất khó dứt trong tâm lý cộng đồng.
Liệu, Luật Điện lực sửa đổi lần này có giải toả được những ám ảnh trên và từ đó trả lại cho các doanh nghiệp điện một bầu sinh quyển minh bạch, công bằng trong 1 thị trường cạnh tranh lành mạnh để điện năng quốc gia được đảm bảo ổn định lâu dài hay không thì vẫn là một câu hỏi không dám hy vọng gì nhiều trong lời phúc đáp!