Thêm địa chỉ học tiếng Khmer miễn phí cho người Việt
Đầu tháng 3 năm 2023, chùa Giác Ngộ (quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp cùng Trung tâm Ngoại ngữ tiếng Khmer tổ chức khai giảng lớp ngôn ngữ Khmer nâng cao khóa II. Chùa Giác Ngộ cùng với chùa Phổ Minh, chùa Xá Lợi là ba ngôi chùa tại Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ địa điểm cho Trung tâm Ngoại ngữ tiếng Khmer tổ chức các lớp dạy tiếng Khmer trực tiếp.
Học viên tham dự ở nhiều lứa tuổi, đều có chung mong muốn từ lớp học này có nền tảng ngôn ngữ Khmer vững chắc phục vụ nhu cầu trao đổi, giao tiếp trong đời sống.
Tại buổi khai giảng, Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ mong muốn lớp tiếng Khmer sẽ tăng cường hơn nữa công tác giảng dạy trên nền tảng online; sớm đưa vào khai thác bộ sách giáo khoa phục vụ quá trình học tập của lớp.
Lớp ngôn ngữ Khmer nâng cao khóa II được khai giảng ở chùa Giác Ngộ vào đầu tháng 3/2023 (Ảnh: KT). |
Trung tâm còn mở các lớp học online cho người ở xa. Hình thức này được đẩy mạnh từ giữa năm 2021 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Lớp học online có sự tham gia của lưu học sinh Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh và các cộng tác viên người bản xứ ở các tỉnh thành Campuchia. Nhờ đó việc học trở nên sinh động, hiệu quả, góp phần lan tỏa việc ôn luyện và học tập trong Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Theo Tiến sỹ Lê Hồng Liêm, Phó Chủ tịch thường trực phía Nam Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ tiếng Khmer, hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia ở Trung ương và địa phương, các thành viên Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia, đặc biệt là những doanh nghiệp thường quan hệ giao dịch với Campuchia là học viên quen thuộc của các lớp tiếng Khmer.
Ngoài dạy tiếng, Trung tâm còn hỗ trợ học viên tìm hiểu phong tục tập quán của hai nước nhằm tăng thêm sự hiểu biết, gắn bó, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh, đầu tư với nhau. Khi doanh nghiệp có yêu cầu, Trung tâm cử cán bộ phiên dịch dịch văn bản, hợp đồng và giao dịch. Điều này giúp doanh nghiệp tránh những rủi ro do thiếu thông tin hoặc bất đồng ngôn ngữ.
Các học viên tham dự lớp ngôn ngữ Khmer nâng cao khóa II tại chùa Giác Ngộ (Ảnh: KT). |
Để có được nguồn giáo viên giảng dạy, phiên dịch, Trung tâm đã mời các giáo viên từng làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia giai đoạn 1979-1989; cựu quân tình nguyện; sư sãi giỏi tiếng Khmer ở các chùa... tham gia trợ giảng. Nhờ đó Trung tâm dần chủ động về đội ngũ giảng viên và phiên dịch đáp ứng yêu cầu phục vụ.
Tiến sỹ Lê Hồng Liêm kể: Tháng 2/2017, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa mời Trung tâm sang dịch giảng đường khoa Vũ khí, khoa Binh chủng tăng tiết giáp trong thời gian 3 tháng cho học viên Quân đội Hoàng gia Campuchia. Ban đầu, giáo viên của Trung tâm gặp không ít khó khăn, phải tự học ngày đêm, tự nâng cấp trình độ để dịch tốt bài giảng, kết quả được Trường Đại học Trần Đại Nghĩa đánh giá cao.
"Thông qua những ngày dịch trên giảng đường, chính các thầy giáo trực tiếp giảng dạy cho học viên Khmer ở trường đã tự nguyện đến Trung tâm học tiếng Khmer", ông Liêm cho biết.
Ông khẳng định: Việc Trung ương Hội hữu nghị Việt nam - Campuchia thành lập Trung tâm ngoại ngữ tiếng Khmer là cần thiết, phù hợp với nhu cầu lâu dài của đất nước và hoạt động của Trung ương Hội trong tình hình mới. Kết quả đào tạo được đánh giá đúng mức, học viên sau khi tốt nghiệp đã vận dụng bài giảng vào thực tiễn, khi giao tiếp thông thường người Khmer nghe hiểu, người Khmer nói học viên nghe hiểu, dù viết còn hạn chế. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, chú trọng nhiều hơn tới công tác phiên dịch, dịch thuật.
Theo thống kê của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, trong 5 năm qua, Trung tâm Ngoại ngữ tiếng Khmer đã khai giảng 15 lớp học; tổ chức 2 lớp giao tiếp tại Siem Reap, thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Những lớp học đạt hiệu quả cao như ở thị xã Kiến Tường, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An; lớp học mật mã; lớp học ở chùa Phổ Minh, chùa Giác Ngộ... Trung bình mỗi lớp có 50 học viên. |