Thế giới toàn cảnh tuần 7–13/3/2016
Thời Đại Online điểm lại một số tin tức nổi bật nhất tuần 7–13/3/2016:
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ các nhà khoa học phục vụ chương trình hạt nhân của nước này. (Ảnh: KCNA/Reuters)
Tên lửa KN-08 của Bình Nhưỡng có tầm bắn lên tới 6.000km, đủ sức vươn tới lãnh thổ Mỹ
Tình hình bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng ngày, thậm chí có nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang. Ngày 8/3, truyền thông nhà nước Triều Tiên dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un của nước này, tuyên bố: Bình Nhưỡng đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để gắn lên tên lửa đạn đạo. Mặc dù giới chức quân sự Mỹ, Hàn Quốc đều phủ nhận tuyên bố nói trên, nhưng rõ ràng, Washington, Seoul và Tokyo đều có lý do để lo lắng. Được biết, Triều Tiên đang sở hữu một kho tên lửa hùng hậu với sức mạnh đáng nể, trong đó có những loại tên lửa đủ khả năng uy hiếp các căn cứ quân sự đóng ngay trên lãnh thổ nước Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát vụ phóng thử tên lửa do Lực lượng Chiến lược thuộc quân đội nước này tiến hành, trong bức ảnh được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố hôm 11/3. (Ảnh: KCNA/Reuters)
Sáng 10/3, Bình Nhưỡng bắn 2 quả tên lửa tầm ngắn ra biển Nhật Bản. Tiếp đó, ngày 11/3, ông Kim Jong-un ra lệnh cho quân đội nước này tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa. Đây được coi là những động thái phản đối cuộc tập trận chung của liên quân Mỹ – Hàn, và các lệnh trừng phạt mới mà Liên Hợp Quốc (LHQ) chính thức thông qua hôm 2/3. Đáp trả lại điều này, Hàn Quốc đơn phương áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên. Căng thẳng giữa 2 miền càng leo thang, khi Bình Nhưỡng hủy bỏ mọi thỏa thuận hợp tác kinh tế và trao đổi với Seoul, đồng thời tuyên bố phong tỏa toàn bộ tài sản của các công ty Hàn Quốc tại nước này.
Binh sĩ Mỹ chuẩn bị dàn phóng tên lửa hàng loạt trước cuộc tập trận chung với phía Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)
Binh lính Hàn Quốc (trái) và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ diễn tập cuộc tấn công đổ bộ trong cuộc tập trận chung ở Pohang (Hàn Quốc), ngày 12/3. (Ảnh: Reuters)
Trong bối cảnh giữa các bên đang xuất hiện nhiều bất đồng sâu sắc, Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận chung mang tên Giải pháp then chốt, được cho là lớn nhất từ trước đến nay. Tham gia cuộc tập trận này có 17.200 binh sĩ, trong đó có khoảng 12.200 lính thủy đánh bộ và lính hải quân của Mỹ. Đó là chưa kể tới sự góp mặt của tàu sân bay hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom tàng hình B-2. Về phía Hàn Quốc, sẽ có hàng trăm nghìn binh sĩ tham gia. Đáng chú ý, nội dung cuộc tập trận sẽ bao gồm kịch bản giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt và tấn công phủ đầu Triều Tiên – động thái khiến căng thẳng càng thêm nghiêm trọng.
Em bé tị nạn Syria cùng gia đình đang bị mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp
Dòng chữ "Hãy mở cửa biên giới" nổi bật tại một trại tị nạn
Sau 13 tiếng đàm phán, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu ÂU (EU) – Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề di cư đã kết thúc, và không đạt được kết quả đáng kể nào. EU chấp nhận chuyển cho Ankara nhiều hơn 3 tỷ euro nhằm hỗ trợ người tị nạn, nhưng không thể lên tới 6 tỷ euro như phía Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi. Nên nhớ, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, do nằm ở vị trí “cửa ngõ” vào châu Âu. Gần 4 triệu người tị nạn Syria đang sống lưu vong trên đất Thổ, và sẽ ngay lập tức tràn sang Lục địa già nếu chính quyền Ankara buông lỏng kiểm soát. Khi đó, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bé trai tị nạn tại một trại tạm, gần cửa khẩu Idonemia giữa Hy Lạp – Macedonia. (Ảnh: Reuters)
Di dân chen lấn, xô đẩy để cố nhận thực phẩm viện trợ tại khu vực biên giới Macedonia. (Ảnh: Reuters)
Ý tưởng dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như không khả thi, khiến các nước châu Âu bế tắc trong việc tìm giải pháp chung để giải quyết khủng hoảng di cư. Điều duy nhất mang lại chút hy vọng cho các nước châu Âu lúc này là việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấp nhận hỗ trợ. Theo đó, các tàu của NATO sẽ phối hợp với Cơ quan quản lý biên giới bên ngoài châu Âu (Frontex) nhằm kiểm soát các tuyến đường di cư trên biển, cũng như truy bắt những kẻ buôn người. Với lực lượng hùng hậu và trải rộng trên nhiều khu vực, NATO có thể sẽ đóng góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tình hình, tiến tới kiềm chế cuộc khủng hoảng.
Muỗi Aedes – tác nhân truyền virus Zika hiện có mặt tại 130 quốc gia
Virus Zika có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở não người trưởng thành
Ngày 10/3, các nhà khoa học Pháp công bố một nghiên cứu đáng chú ý: viruz Zika có thể tấn công hệ thần kinh trung ương của người lớn, dẫn tới viêm não và viêm màng não nghiêm trọng. Trong khi đó, muỗi Aedis aegypti – vật trung gian lây truyền virus – đã xuất hiện tại 130 quốc gia trên thế giới, kéo theo nguy cơ quy mô lây lan dịch bệnh rộng hơn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ được ghi nhận là có người nhiễm bệnh. Ngay cả khi nghiên cứu và sản xuất được vaccine đặc trị, WHO lo ngại rằng việc điều chế sẽ không đảm bảo tiến độ yêu cầu, do dịch Zika đang lây lan với tốc độ chóng mặt, và diễn biến vô cùng phức tạp.
Máy bay dân sự Trung Quốc từng nhiều lần hạ cánh xuống các đảo tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa
Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Trung Quốc: vấn đề Biển Đông có thể gây ra xung đột giữa 2 nước
Động thái tích cực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại, đặc biệt là Mỹ. Trong tuần, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) James Clapper nhận định: Bắc Kinh sẽ sớm thiết lập hệ thống cơ cở hạ tầng cần thiết tại quần đảo Trường Sa, “đủ khả năng triển khai năng lực tấn công quân sự đáng gờm một cách nhanh chóng trên vùng biển tranh chấp”. Sau đó, trả lời phỏng vấn trang The Atlantic, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ngược lại, truyền thông Trung Quốc thì “mạnh miệng” tuyên bố sẽ sớm mở đường bay dân sự tới đảo Phú Lâm – nơi nước này mới triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9.
Người dân tại một thị trấn nhỏ ở Syria biểu tình phản đối các cuộc không kích vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. (Ảnh: EPA)
Chiến binh của phe đối lập canh gác khu vực gần làng Tel Mamo, tỉnh Aleppo (Syria). (Ảnh: Reuters)
Sau hơn 2 tuần thực thi lệnh ngừng bắn, tiến trình hòa bình Syria vẫn gặp phải nhiều vướng mắc không dễ giải quyết. Mới đây, phiến quân nổi dậy bắn hạ chiến đấu cơ Mig-21 của quân đội chính phủ Syria khi nó đang hạ cánh, khiến một phi công thiệt mạng. Mặc dù lực lượng đối lập khẳng định đây là hành động tự vệ, sau khi Damascus “vi phạm thỏa thuận ngừng bắn”, giới phân tích lo ngại rằng, vụ việc có thể thổi bùng lên mâu thuẫn giữa 2 bên, ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán sắp tới. Hiện, phe đối lập khẳng định “tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria chỉ có thể bắt đầu với sự sụp đổ của chế độ Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad, hoặc cái chết của ông ta”. Trong khi đó, chính phủ Damascus một mực từ chối bàn luận về tương lai của ông Assad.
Trẻ em tại một ngôi làng ở Taza, Kirkuk (Iraq) được điều trị trong bệnh viện địa phương, sau khi ngôi làng bị IS tấn công bằng tên lửa có chứa vũ khí hóa học, ngày 9/3. (Ảnh: Reuters)
Bản danh sách mật bị rò rỉ có in logo của IS, cung cấp nhiều thông tin chi tiết: họ tên, tuổi tác, cách thức liên lạc, nhóm máu... của các đối tượng từng phục vụ cho chúng
Cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đạt được bước tiến lớn, khi tài liệu chứa danh tính chi tiết của 22.000 kẻ từng phục vụ cho IS được tiết lộ. Theo nhiều nguồn tin, đây là danh sách tối mật, được một tay súng đào ngũ cướp được từ tay tổ chức khủng bố, trước khi chuyển cho tình báo Đức. Đáng chú ý, danh sách nói trên có chứa tên của một số kẻ từng tiến hành loạt vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Thủ đô Paris (Pháp) hồi tháng 11 năm ngoái, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Mặc dù tài liệu này được thu thập từ cuối năm 2013, nó vẫn sẽ là đòn giáng mạnh vào bộ máy tổ chức của IS. Hiện, các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh tính xác thực của bản danh sách.
Tỷ phú Donald Trump (giữa) trong một cuộc tranh luận với các đối thủ của Đảng Cộng hòa: Marco Rubio và Ted Cruz. (Ảnh: Reuters)
Ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton nháy mắt với người ủng hộ trong cuộc vận động tranh cử ở Durham, bang Bắc Carolina. (Ảnh: Reuters)
Sau hàng loạt chiến thắng, ứng viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ bất ngờ thua sốc trước đối thủ Bernie Sanders tại Michigan – bang có số lượng phiếu phổ thông lớn nhất trong số 4 bang tham gia bỏ phiếu ngày 8/3 (giờ địa phương). Trong khi đó, về phía Đảng Cộng hòa, ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa vẫn đang “băng băng về đích”. Mặc dù bị các đối thủ công kích dồn dập, ông Trump vẫn đang tràn trề khả năng trở thành cái tên đại diện cho phe Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Sự “hụt hơi” của bà Clinton, cũng như “phong độ” ổn định của ông Trump khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.
Phụ nữ dân tộc thiểu số Indigenous tuần hành kỷ niệm ngày 8/3 ở Thủ đô Mexico City của Mexico. (Ảnh: Reuters)
Một thiếu nữ Argentina biểu tình trước tòa nhà quốc hội nước này, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. (Ảnh: Reuters)
Thế giới tưng bừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) cũng là một điểm nhấn nổi bật trong tuần này. Các cuộc tuần hành, biểu tình được tổ chức ở nhiều quốc gia, nhằm tôn vinh vai trò của nữ giới trong xã hội, cũng như phản đối sự bất bình đẳng trong thu nhập giữa đàn ông với phụ nữ, tình trạng phân biệt đối xử... Mặc dù chính phủ các nước đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong việc bảo vệ nữ quyền, phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ hiển hiện: bị ép kết hôn, các hành vi bạo lực từ phía người thân trong gia đình, những hủ tục hà khắc. Ngày 8/3 năm nay chính là dịp để nhân dân toàn thế giới đoàn kết lại, chung tay tìm ra giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Hồng Anh