Thế giới toàn cảnh tuần 29/2–6/3/2016
Thời Đại Online điểm lại một số tin tức nổi bật nhất tuần 29/2–6/3/2016:
Tỷ phú Donald Trump phát biểu vận động tranh cử ở Louisville, Kentucky (Mỹ) ngày 1/3. (Ảnh: Reuters)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chuẩn bị bước ra chào cử tri ở Charleston, bang Nam Carolina. (Ảnh: Reuters)
Siêu thứ ba năm nay (1/3) – ngày có tới 13 bang, vùng lãnh thổ của Mỹ đồng loạt tiến hành bầu cử – kết thúc với chiến thắng vang dội của bà Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump. Trong đó, bà Clinton tiếp tục thể hiện vị thế dẫn đầu trong các ứng viên Dân chủ, với thắng lợi áp đảo ở 6 tiểu bang: Massachusetts, Georgia, Virginia, Alabama, Tennessee, Arkansas, Texas và vùng lãnh thổ hải ngoại Samoa. Về phía Đảng Cộng hòa, ông Trump “vượt mặt” tất cả các đối thủ còn lại bằng chiến thắng ở 7 bang: Georgia, Alabama, Tennesse, Massachusetts, Virginia, Vermont và Arkansas.
Một cử tri cao tuổi đang tiến hành bỏ phiếu trong ngày Siêu thứ ba ở Falls Church, bang Virgina. (Ảnh: Reuters)
Ứng viên Đảng Dân chủ Bernie Sanders (trái) trong cuộc vận động bỏ phiếu tại Burlington, bang Vermont, ngày 1/3. Ông Bernie đang tỏ ra yếu thế trước bà Hillary Clinton. (Ảnh: Reuters)
Năm nay, Siêu thứ ba quyết định 592/2.472 phiếu của Đảng Cộng hòa, và 865/4.763 phiếu của Đảng Dân chủ. Được biết, một ứng viên Cộng hòa cần có đủ 1.237 phiếu để được bầu chọn làm ứng cử viên đại diện cho đảng này. Trong khi đó, ứng viên Dân chủ cần ít nhất 2.382 phiếu để trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Vì thế, sau những chiến thắng vang dội trong ngày này, chiếc ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới dường như chỉ còn là cuộc đua “song mã” giữa cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton của Đảng Dân chủ, và tỷ phú Donald Trump của phe Cộng hòa.
Đại diện các nước thành viên HĐBA LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết vào chiều 2/3. (Ảnh: Reuters)
Tàu chở hàng Jin Teng của Triều Tiên đậu tại cảng Subic (Philippines) bị Manila giữ lại theo nghị quyết trừng phạt mới. (Ảnh: AFP)
Ngày 2/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) chính thức thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên – được Trung Quốc và Mỹ soạn thảo, đệ trình trước đó. Nghị quyết mới được cho là khắc nghiệt nhất trong 20 năm qua, nhằm cắt đứt nguồn kinh phí cho các chương trình phát triển vũ khí và hạt nhân bị cấm của Bình Nhưỡng. Theo đó, tất cả tàu chở hàng đến và rời Triều Tiên đều nằm trong diện bị kiểm tra, trong khi các đại diện thương mại của nước này – bao gồm 16 cá nhân và 12 thực thể – mới được bổ sung vào danh sách đen của LHQ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười khi giám sát vụ thử tên lửa, trong bức ảnh được KCNA công bố ngày 4/3. (Ảnh: KCNA)
Hệ thống THAAD của Mỹ
Hiện, các quốc gia thành viên LHQ đều tuân thủ nghị quyết mới của LHQ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế có vẻ chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngày 4/3, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un của nước này, tuyên bố: Bình Nhưỡng phải sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân vào bất cứ thời điểm nào. Phản ứng trước tuyên bố này, Hàn Quốc và Mỹ chính thức khởi động đàm phán về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc, nhằm ngăn ngừa nguy cơ từ tên lửa Triều Tiên.
Một cậu bé trong ngôi nhà đổ nát ở Douma, ngoại ô Thủ đô Damascus – khu vực bị lực lượng nổi dậy bao vây. (Ảnh: Reuters)
Ánh mắt đầy suy tư của một cậu bé Syria tại Douma. (Ảnh: Reuters)
Syria tiếp tục là mối quan tâm của toàn thế giới. Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu từ 27/2 tại Syria – do Mỹ và Nga hậu thuẫn – bắt đầu mang lại một số kết quả tích cực, ít nhất trên khía cạnh chính trị. Ngày 4/3, lãnh đạo các nước Nga, Mỹ, Pháp, Đức, Anh và Italia có cuộc điện đàm về việc thực thi thỏa thuận này. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga sau đó, lãnh đạo các cường quốc nói trên đều nhất trí rằng: việc chấm dứt các hoạt động thù địch tại Syria đang mở đường cho một giải pháp chính trị, nhằm tiến tới chấm dứt nội chiến ở quốc gia Trung Đông.
Theo Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura (phải), hòa đàm Syria có thể được nối lại vào ngày 10/3. (Ảnh: Reuters)
Trẻ em Syria vui chơi trên đường phố Tishreen, gần Thủ đô Damascus sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. (Ảnh: EPA)
Lệnh ngừng bắn nói trên là một trong những nỗ lực nhằm nối lại hòa đàm Syria vào ngày 10/3 tới, theo kế hoạch của LHQ. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện nhiều lo ngại về khả năng thành công của kế hoạch này. Giới chức LHQ cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn là “rất mong manh”, đồng thời cảnh báo mọi cuộc đàm phán chỉ thành công nếu các bên tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận. Trong khi đó, phe đối lập Syria tiếp tục cáo buộc quân đội chính phủ triển khai nhiều đợt tấn công nhằm vào lực lượng này, bất chấp lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, sự can thiệp trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ vào phía Bắc Syria cũng là yếu tố cản trở tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Đông.
Du khách Blaine Gibson bên mảnh vỡ máy bay mới được tìm thấy. (Ảnh: NBC)
Nó có thể là phần cánh ổn định ngang ở đuôi một chiếc Boeing 777
Số phận của máy bay MH370 cùng 239 người trên khoang một lần nữa trở thành tâm điểm dư luận, vào thời điểm sắp diễn ra kỷ niệm 2 năm ngày nó mất tích bí ẩn trên hành trình từ Kuala Lampur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Mới đây, du khách Mỹ Blaine Gibson bất ngờ phát hiện ra một mảnh vỡ máy bay có thể thuộc về chiếc phi cơ xấu số của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS), tại một bờ biển ở Mozambique. Đây được cho là phần cánh ổn định ngang ở đuôi máy bay Boeing 777, cùng loại với MH370. Bên cạnh đó, nơi tìm thấy mảnh vỡ cũng phù hợp với dự đoán của giới chuyên gia, cũng như khu vực tìm kiếm mà các nước đang khoanh vùng.
Người tị nạn biểu tình phản đối việc chính phủ Pháp giải tán trại tị nạn “Jungle”. (Ảnh: EPA)
Một phụ nữ ôm đứa con nhỏ sau khi vượt biên giới Hy Lạp – Macedonia. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu tiếp diễn theo chiều hướng xấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới. Tuần qua, chính phủ Pháp ra lệnh giải tán trại tị nạn “Jungle” do người tị nạn và di cư tự lập ra tại thành phố Calais của nước này, đẩy hàng nghìn người rơi vào cảnh không nhà cửa. Trong khi đó, Macedonia quyết định không tiếp nhận người tị nạn Afghanistan, khiến khoảng 12.000 người tị nạn bị mắc kẹt tại cửa khẩu Idonemia nối giữa Hy Lạp –Macedonia. Trong nỗ lực làm giảm áp lực từ làn sóng người di cư, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi: “Đừng tới châu Âu. Chớ đặt lòng tin vào bọn buôn người. Đừng mạo hiểm mạng sống và tài sản của mình, chẳng được gì đâu”.
Lính hải quân Trung Quốc canh gác trên đảo Phú Lâm, hôm 29/1. (Ảnh: Reuters)
Máy bay tuần tra TC-90 của Nhật Bản. (Ảnh: JMSDF)
Hôm 2/3, Trung Quốc cử 7 tàu tới bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Không chỉ neo đậu trái phép, các tàu này còn ngăn cản ngư dân Philippines vào khai thác ngư trường. Đây là động thái khiêu khích mới nhất của Bắc Kinh, dù nước này khẳng định chỉ tiến hành giải cứu thuyền bị mắc cạn. Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc sẽ phải “gánh chịu hậu quả” nếu tiếp tục quân sự hóa vùng biển tranh chấp. Nhật Bản – đồng minh với Mỹ thì thông báo sẽ cho Philippines thuê máy bay TC-90 để tuần tra Biển Đông. Chính vì thế, theo các chuyên gia, tình hình Biển Đông có thể tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian tới.
Hồng Anh