Thế giới toàn cảnh tuần 28/3–3/4/2016
Thời Đại Online điểm lại một số tin tức nổi bật nhất tuần 28/3–3/4/2016:
Trung Quốc từng đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép trên thềm lục địa Việt Nam hồi năm 2014. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Vị trí giàn khoan Hải Dương 943
Hôm 28/3, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) tuyên bố: giàn khoan Hải Dương 943 của nước này khoan thăm dò tại Biển Đông, ở giếng LD 11-1-1 từ ngày 25/3 đến 31/7. Theo thông báo chính thức của MSA, tọa độ của Hải Dương 943 là 17 độ 47 phút 28,8 giây độ vĩ Bắc, 108 độ 46 phút 00 giây độ kinh Đông, tức nằm trong khu vực chồng lấn chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vịnh Bắc Bộ. Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh trên Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trên vùng biển tranh chấp này.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) của Mỹ tuần tra Biển Đông ngày 29/10/2015. (Ảnh: Reuter)
Trong nỗ lực nhằm phản đối việc Trung Quốc làm phức tạp hóa tình hình tại Biển Đông, ngày 2/4, đã xuất hiện một nguồn tin cho hay: hải quân Mỹ đang lên kế hoạch điều tàu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp. Phía Mỹ cũng khẳng định: trong tương lai, hoạt động tuần tra sẽ thường xuyên và phức tạp hơn.
Binh sĩ Syria đứng gác tại đền Bel, thuộc thành cổ Palmyra sau khi chiếm lại được thành phố này. (Ảnh: Reuters)
Những gì còn sót lại của đền Bel sau khi bị IS phá hủy nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)
Hôm 27/3, quân đội chính phủ Syria và các lực lượng đồng minh tuyên bố giành lại quyền kiểm soát thành cổ Palmyra, tỉnh Homs từ tay tổ chức Nhà nước tự xưng (IS). Tiếp theo thắng lợi quan trọng này, Damascus đang tiến hành hàng loạt chiến dịch nhằm đẩy lùi IS khỏi các vùng lãnh thổ còn lại. Mặc dù vậy, theo phân tích của một số chuyên gia, Syria sẽ còn phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố trong nhiều năm nữa, do chúng được Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi hậu thuẫn.
Một cậu bé đang cố vượt qua đống đổ nát trên đường phố Douma, ngoại ô Thủ đô Damascus (Syria). (Ảnh: EPA)
Trẻ em Syria tại một lớp học ở Douma. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, tiến trình đàm phán chính trị cho quốc gia Trung Đông này tiếp tục gặp vướng mắc. Hôm 31/3, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố sẵn sàng tổ chức bầu cử tổng thống sớm, đồng thời nhấn mạnh rằng việc bầu cử cần được tiến hành thông qua bầu cử trực tiếp toàn quốc hơn là thông qua Quốc hội. Tuyên bố này ngay lập tức bị lực lượng đối lập chỉ trích mạnh mẽ, khiến sự bất hòa giữa các bên liên quan càng thêm sâu sắc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại NSS, cảnh báo về nguy cơ vũ khí hạt nhân rơi vào tay khủng bố. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Toàn cảnh hội nghị NSS năm 2016
Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân (NSS) lần thứ 4 chính thức khai mạc vào ngày 1/4 tại Thủ đô Washington (Mỹ) với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Tuyên bố chung của hội nghị đã tái khẳng định cam kết ngăn chặn việc để các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay những kẻ cực đoan. Ngoài ra, tuyên bố chung cũng nhấn mạnh mục tiêu giải trừ hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Người đàn ông cố trèo qua cửa sổ buồng lái chiếc MS181 để thoát ra ngoài. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Tên không tặc Seif El Din Mustafa (trái) chụp ảnh cùng hành khách người Anh Ben Innes trước khi trao trả tự do cho anh này. (Ảnh: Twitter)
Ngày 29/3, máy bay mang số hiệu MS181 của hãng hàng không Egypt Air (Ai Cập) chở theo 55 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn bị khống chế khi đang trên hành trình từ thành phố Alexandria tới Thủ đô Cairo. Tên không tặc Seif El Din Mustafa tuyên bố có đeo bom trên người, ép phi cơ phải hạ cánh xuống sân bay Larnaca (đảo Síp), sau đó giữ lại nhiều con tin người nước ngoài. Kết thúc 4 giờ thương lượng, Mustafa đã đầu hàng và bị nhà chức trách bắt giữ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trong chuyến thăm một nhà máy ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: KCNA)
Triều Tiên phóng tên lửa ra vùng biển phía Đông hôm 29/3, đồng thời liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn đối với các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và Liên Hợp Quốc (LHQ). Kể từ ngày 21/3, nước này đã phóng liên tiếp 5 quả tên lửa, trong động thái được cho là nhằm thách thức cộng đồng quốc tế, khẳng định sức mạnh quân sự của mình trước các quốc gia trong khu vực.
Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo NLD (phải) đến Quốc hội vào ngày 30/3. (Ảnh: Reuters)
Tại khu vực Đông Nam Á, tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw tuyên thệ nhậm chức ngày 30/3, đánh dấu sự ra mắt của chính quyền dân sự đầu tiên ở nước này sau nhiều thập kỷ. Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi – lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ quốc gia (NLD) – được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao và nắm giữ thêm các chức vụ Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng. Đây là những thay đổi được kỳ vọng sẽ giúp Myanmar tiếp tục phát triển hơn nữa.
Affafa (trái) bị thương sau vụ đánh bom ở Lahore, trong khi cha mẹ và em gái của cô đều thiệt mạng trong vụ tấn công tự sát này. (Ảnh: AP)
Chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là mối quan ngại của người dân thế giới. Ngày 28/3, ít nhất 67 người thiệt mạng và 300 người bị thương trong vụ đánh bom tự sát tại Lahore (Pakistan). Tổ chức Hồi giáo cực đoan Taliban đã nhận trách nhiệm tiến hành vụ tấn công nhằm vào các tín đồ Cơ đốc giáo nói trên. Ngoài ra, nhiều nguồn tin tình báo khẳng định: các phần tử khủng bố đang lên kế hoạch tấn công tại Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là những nơi tập trung đông người.
Hiện trường vụ sập cầu tại Kalkuta hôm 31/3. (Ảnh: Reuters)
Một phụ nữ khóc thương người thân tử nạn trong vụ việc. (Ảnh: Reuters)
Ngày 31/3 ghi dấu một trong những thảm kịch sập cầu tồi tệ nhất ở Ấn Độ nói riêng và trên thế giới nói chung trong nhiều năm qua, khi ít nhất 26 người chết và hàng chục người khác bị thương trong sự cố sập cầu vượt ở thành phố Kolkata, miền Đông đất nước. Ngay sau đó, ngày 1/4, cảnh sát Ấn Độ đã mở cuộc điều tra đối với công ty IVRCL - nhà thầu chính, phụ trách xây dựng chiếc cầu. Hiện, chưa rõ nguyên nhân gây ra tai nạn thảm khốc này.
Trọng Sang