Thẻ căn cước công dân có mẫu mới: Người dân vừa đổi xong, lại đổi tiếp?
Những trường hợp cần đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trong năm 2020 |
Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định mới |
Sẽ không khuyến khích cấp thẻ CCCD có mã vạch để chuyển đổi sang thẻ CCCD mới có gắn chịp |
Thẻ căn cước công dân (CCCD) mới khác gì CCCD hiện tại?
Với mẫu thẻ mới, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) lý giải, về cơ bản thẻ CCCD mẫu mới chỉ khác thẻ CCCD hiện nay là gắn chip thay vì mã vạch, thông tin khác, mã số định danh không thay đổi.
Cụ thể, thẻ CCCD hiện nay sử dụng công nghệ mã vạch. Sau khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD sẽ được gắn chip để trở thành thẻ công dân điện tử.
Theo đó, dự án sử dụng mẫu thẻ CCCD gắn chip dự kiến thực hiện khoảng tháng 11/2020. Khi có thẻ CCCD mẫu mới, người dân sẽ được cấp đổi dần dần theo lộ trình, không bắt buộc đổi mẫu mới ngay. C06 đề nghị công an các tỉnh thành giải thích cho người dân, những người chưa thật sự cần thiết cấp đổi thẻ CCCD nên đợi để sắp tới đổi sang mẫu mới có gắn chip.
Như vậy, nếu cuối năm 2020 bắt đầu cấp thẻ CCCD gắn chip, sẽ có đồng thời 4 mẫu căn cước cùng có hiệu lực, có giá trị sử dụng gồm: CMND (9 số), CMND (12 số), CCCD (mã vạch - hiện tại) và CCCD mẫu mới (gắn chip).
Tại nhiều cơ quan công an địa phương, sau thời điểm tuyên truyền về việc cấp mới thẻ CCCD có mã vạch, đã thu hút nhiều người dân đến đổi CMND sang thẻ CCCD. Thậm chí, các cơ quan công an địa phương còn phải tăng ca để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được thông tin trên, không chỉ người dân bất ngờ, cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD cũng gặp lúng túng khi vừa mới triển khai nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD có mã vạch thì phải ngừng lại và phải giải thích cho người dân hiểu về loại thẻ mới có chip điện tử. Đồng thời, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giải thích lại cho người dân để nếu chưa cần thiết đổi CCCD thì có thể tạm ngưng lại đợt sau, đợi làm mẫu mới. Báo Tuổi Trẻ thông tin.
Vì sao vừa mới đổi lại phải đổi?
Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, Thiếu tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng C06 cho biết, trước đây Bộ Công an chủ trương tăng cường cấp CCCD để hỗ trợ thêm dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, nếu tiếp tục cấp CCCD như hiện nay, sau này cấp lại CCCD gắn chip sẽ lãng phí cho Nhà nước và gây phiền hà cho người dân.
Bộ Công an chủ trương chỉ dừng việc tuyên truyền cho người dân đi đổi CMND mẫu cũ sang CCCD có mã vạch hiện tại, chuyển sang tuyên truyền cho người dân chuẩn bị đổi sang cấp CCCD mẫu mới chứ không phải dừng việc cấp thẻ CCCD.
Những trường hợp chưa thật sự cần thiết đổi ngay sẽ được giải thích, tuyên truyền, nếu có thể, người dân nên dừng lại một thời gian. Ví dụ CMND vẫn còn hạn sử dụng thì cứ sử dụng. Còn trường hợp cần thiết đổi như: người cần cấp CCCD để đi thi, đi học hoặc CMND hết hạn cần đổi sang CCCD để giao dịch thì vẫn phải cấp.
Theo Bộ Công an, Bộ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 137/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân vì trong quá trình triển khai dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, Bộ thấy có một số khó khăn liên quan đến quy định của Nghị định số 137/2015.
Cụ thể, Nghị định chưa có quy định về trách nhiệm cập nhật, khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư của Công an cấp xã để phục vụ công tác quản lý cư trú nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Thứ 2, chưa có quy định về việc cấp số định danh cá nhân cho công dân đã đăng ký khai sinh (ngoài trường hợp đã đăng ký thường trú và cấp thẻ Căn cước công dân). Thứ 3, chưa có quy định cụ thể về hình thức khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư qua mạng internet và mạng viễn thông để công dân có thể tự khai thác một số trường thông tin cơ bản của cá nhân phục vụ cho thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Chính vì vậy, theo Bộ Công an việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 137/2015 về thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư, cấp số định danh cá nhân cho công dân để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới là cần thiết. Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin.
Dự thảo Nghị định bổ sung quy định việc xác lập số định danh cá nhân đối với toàn bộ công dân đã đăng ký khai sinh để đáp ứng yêu cầu quản lý dân cư nói chung và quản lý cư trú nói riêng thông qua CSDLQG về dân cư, tạo thuận lợi cho công dân trong việc sử dụng mã số định danh cá nhân để khai thác thông tin của mình trong CSDLQG về dân cư.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về việc xác lập lại số định danh cho công dân đã xác định lại giới tính sau khi công dân đó đã thực hiện đăng ký lại hộ tịch theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch. Điều này là nhằm bảo đảm giải quyết cho những trường hợp công dân xác định lại giới tính.
Nội dung dự thảo cũng bổ sung hình thức khai thác thông tin của công dân trong CSDLQG về dân cư qua Cổng thông tin điện tử do cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư quy định. Từ đó tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… mà không phải thông qua hình thức bằng văn bản qua cơ quan nhà nước.
Trước đó, theo Luật căn cước công dân, dự kiến chậm nhất từ ngày 1/1/2020 việc cấp thẻ CCCD được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay mới có 16 tỉnh thành trên cả nước đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện việc cấp thẻ CCCD. Hiện mới cấp được khoảng 16 triệu số định danh và CCCD, còn khoảng 80 triệu người chưa được cấp, trừ số người dưới 14 tuổi thì còn khoảng 50 triệu người. |
Những trường hợp nào được miễn lệ phí cấp, đổi thẻ Căn cước công dân? Theo quy định mới áp dụng từ ngày 16/10 tới đây sẽ miễn lệ phí cấp, đổi thẻ Căn cước công dân cho một số ... |
Hướng dẫn các bước làm thẻ Căn cước công dân online chỉ mất vài phút ngay tại nhà Việc đăng ký làm thẻ Căn cước công dân trực tuyến ngay tại nhà giúp bạn tiết kiệm được thời gian đi lại, chờ đợi. ... |
Ý nghĩa 12 số trên thẻ Căn cước công dân rất đặc biệt nhưng không phải ai cũng biết Trên thẻ Căn cước công dân ngoài những thông tin cá nhân còn có dãy số gồm 12 chữ số được cấp riêng cho từng ... |